"Người đồng nghiệp say xỉn đập bàn, chỉ thẳng mặt tôi và công bố với các nhân viên trong công ty: Kim Wook-suk là gay. Tôi bị sa thải ngay lập tức".

Mất việc, bị đuổi khỏi nhà và sự thù ghét của xã hội Hàn với LGBT

Theo Zing | 22/09/2019, 21:43

"Người đồng nghiệp say xỉn đập bàn, chỉ thẳng mặt tôi và công bố với các nhân viên trong công ty: Kim Wook-suk là gay. Tôi bị sa thải ngay lập tức".

Bữa tiệc công ty hôm đó đã thay đổi cuộc đời Kim.

Người đồng nghiệp say xỉn đập bàn, chỉ thẳng mặt anh và công bố với các nhân viên trong công ty: Kim Wook-suk (không phải tên thật) là gay.

“Cảm giác như trời đất sụp đổ. Tôi đã rất sợ và sốc. Không ai mong đợi điều đó”, 9X nhớ lại.

Kim bị sa thải ngay lập tức. Chủ nhà hàng còn buộc anh rời đi khi buổi tiệc còn chưa kết thúc.

“Ông ấy nói đồng tính luyến ái là một tội lỗi và là nguyên nhân của AIDS. Ông ta không muốn tôi lây lan điều đó cho những nhân viên khác”, Kim kể.

Nhưng đó chưa phải là điều tồi tệ nhất với thanh niên ngoài 20 tuổi. Con trai của chủ nhà hàng đã tìm đến nhà và thông báo "tin không lành" với mẹ của Kim.

"Ngay lúc đó, bà bảo tôi rời khỏi nhà và nói rằng không cần một đứa con trai như tôi”.

Xa lánh và cô lập

Giống rất nhiều thanh thiếu niên LGBT khác ở Hàn Quốc, Kim Wook-suk đã trải qua nhiều năm sống kín kẽ để cố gắng che giấu giới tính thật của mình.

Anh được nuôi dưỡng bởi một người mẹ sùng đạo và luôn tâm niệm rằng đồng tính sẽ bị hỏa thiêu dưới địa ngục. Kim lớn lên trong sự sợ hãi rằng giới tính của mình là tội lỗi và có thể mang lại bệnh tật cho người khác.

Cuộc khảo sát với những người dưới 18 tuổi trong cộng đồng LGBT cho thấy gần một nửa (khoảng 45%) đã cố gắng tự tử. Hơn một nửa (53%) tự làm hại mình.

Theo bác sĩ Park Jae-wan, đang tham gia dịch vụ hỗ trợ cộng đồng LGBT Connecting Hearts, người đồng tính thường nói về cảm giác bị xa lánh, cô lập và thấy bản thân là gánh nặng với người khác.

"Họ cảm thấy xa cách vì giáo viên, bạn bè và gia đình không hiểu hoặc không biết gì về vấn đề của họ”, bác sĩ nói.

Từ năm 2003, đồng tính luyến ái không còn bị coi là điều "có hại và tục tĩu" nhưng sự phân biệt đối xử vẫn còn phổ biến.

Bộ phim "Reply 1997" và phim điện ảnh "The Handmaid" từng khai thác chủ đề tình yêu đồng giới

Theo Khảo sát hội nhập xã hội Hàn Quốc, gần một nửa người dân xứ kim chi không muốn có bạn bè, hàng xóm hoặc đồng nghiệp đồng tính. Còn cuộc thăm dò của Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc cho thấy 92,6% LGBT lo lắng trở thành mục tiêu của tội phạm trả thù.

Không chấp nhận việc con trai là gay, mẹ của Wook-suk tìm mọi cách để “cứu” anh. Nhưng điều đó chỉ càng khiến quan hệ gia đình thêm tồi tệ.

“Bà bắt tôi phải trải qua những ‘phương pháp chuyển đổi’. Nhiều lúc tôi phải chạy trốn”, 9X nói.

Kim từng bị một người đàn ông đánh và sỉ vả rằng đồng tính luyến ái là tội lỗi không thể tha thứ giữa công viên. Anh tin rằng đó có thể là một phần của “phương pháp chuyển đổi” của mẹ mình.

Theo Cho Hyein, luật sư của Hope and Law, việc đưa ra luật chống phân biệt đối xử với cộng đồng LGBT là vô cùng bức thiết.

"Ví dụ, khi một xã hội đặt ra các nguyên tắc, trường học sẽ có thể đưa ra biện pháp chống bắt nạt trẻ em. Ngay bây giờ ở Hàn Quốc, chúng tôi không có các biện pháp thể chế hóa để đối phó với những tình huống phân biệt đối xử người đồng tính", luật sư Cho nói.

Sự thù ghét quá mức

Khi nhìn vào các khu vực láng giềng, nhiều người Hàn Quốc thừa nhận cộng đồng LGBT tại đất nước họ đang sống chịu thiệt thòi hơn cả.

Năm ngoái, Đài Loan hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. Trong khi đó, Nhật Bản đã bầu ra nhà lập pháp công khai đồng tính đầu tiên. Một cuộc khảo sát cho thấy 78% người Nhật từ 20-60 tuổi ủng hộ hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới.

Vào tháng 7, Ibaraki đã trở thành tỉnh đầu tiên trong số 47 tỉnh thành của Nhật Bản cấp giấy chứng nhận kết hợp dân sự cho các cặp đôi đồng giới và chuyển giới.

Còn tại Hàn Quốc, mọi chuyện vẫn dậm chân tại chỗ. Số lượng lớn các nhóm phản đối có ảnh hưởng được xem là một trong những trở ngại chính.

Nhà lãnh đạo đảng đối lập Hàn Quốc gần đây nhấn mạnh rằng ông phản đối đồng tính luyến ái và nước này cần "bảo vệ những giá trị gia đình tốt đẹp".

Giới trẻ Hàn xuống đường ủng hộ cộng đồng LGBT. Ảnh: Getty.

Theo Economist, Lễ hội Văn hóa Queer với mục đích ủng hộ LGBT diễn ra hàng năm tại Hàn Quốc thu hút nhiều kẻ quấy rối hơn người tham gia.

Phe phản đối đã mang theo loa phóng thanh, biểu ngữ rầm rộ và liên tục thét lên những lời lẽ nặng nề, xúc phạm người tham gia lễ hội.

“Chúng ta phải ngăn họ xuống địa ngục. Nên hét lên vì chúng ta không có thời gian. Đây là một vấn đề khẩn cấp”, những người khoác cờ lục sắc bước đi giữa những tiếng gào.

Dù đã bị sa thải và trở thành người vô gia cư vì khuynh hướng tình dục của mình, Kim Woo-suk vẫn giữ hy vọng xã hội anh sống sẽ thay đổi cách nhìn với người đồng tính.

Ở độ tuổi 20, Kim đã có người bạn đời và họ mơ ước một ngày nào đó sẽ được xã hội Hàn Quốc chấp nhận như một cặp vợ chồng bình thường.

Kim từng nhiều lần thử quay về nói chuyện với mẹ nhưng mọi thứ vẫn vậy.

"Bà không thể chấp nhận và vẫn nghĩ rằng một người đàn ông yêu một người đàn ông khác là sai trái. Nhưng tôi không còn cố gắng tranh luận về điều này với mẹ nữa", anh nói.

Theo Zing
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
32 phút trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mất việc, bị đuổi khỏi nhà và sự thù ghét của xã hội Hàn với LGBT