Nghiên cứu mới công bố của một nhóm chuyên gia Trung tâm y tế Đại học Vanderbilt xác định lá phổi thương tổn từ người hiến có thể trở nên khỏe mạnh, cấy ghép được bằng cách sử dụng máu lợn.
Trung tâm y tế Stanford từng xác định thời gian chờ ghép phổi trung bình ở Mỹ là 2 năm với bệnh nhân cần 1 lá phổi, 3 năm với bệnh nhân cần 2 lá phổi. Số phổi cấy ghép được luôn ở tình trạng thiếu hụt. Thậm chí trong tổng số phổi được hiến tặng, chỉ có 30% được chấp nhận.
Khoảng 70% phổi hiến bị hư hỏng hoặc thương tổn lúc vận chuyển. Vì vậy mà nhiều bệnh nhân qua đời trước khi đến lượt ghép tạng.
Nhóm chuyên gia Trung tâm y tế Đại học Vanderbilt đề xuất một giải pháp độc đáo. Trong nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Science Advances, họ cho biết lá phổi thương tổn từ người hiến có thể trở nên khỏe mạnh, cấy ghép được bằng cách sử dụng máu lợn. Nếu thành công thì kỹ thuật này sẽ làm tăng đáng kể lượng phổi cấy ghép.
Cách máu lợn chữa lành phổi người
Phổi hiến được bảo quản tại cơ sở lâm sàng bằng phương pháp tưới máu ngoài cơ thể (EVLP). Hệ thống EVLP hiện tại sử dụng máu người, nhưng không thể hoàn toàn mô phỏng môi trường cơ thể người.
Theo nhóm chuyên gia Trung tâm y tế Đại học Vanderbilt: “Các hệ thống hỗ trợ nội tạng đơn lẻ thiếu khả năng tái tạo loạt quá trình huyết học, chuyển hóa, nội tiết, sinh hóa cho phép nội tạng tồn tại bên ngoài cơ thể trong thời gian dài”.
Do đó, các cơ sở lâm sàng chỉ đủ khả năng bảo quản phổi hiến tối đa 6 tiếng đồng hồ. Sau đó tình trạng phổi bắt đầu xấu đi, bị tổn thương do không có môi trường thích hợp.
Nhóm chuyên gia Trung tâm y tế Đại học Vanderbilt phát hiện dùng máu lợn cho hệ thống EVLP làm tăng đáng kể thời gian bảo quản nội tạng và làm cho phổi tổn thương cấy ghép được. Họ thử nghiệm phương pháp này trên phổi thương tổn lấy từ 4 tử thi.
Vì cơ chế miễn dịch có thể khiến phổi người loại bỏ máu lợn, nên nhóm theo dõi tương tác miễn dịch để kiểm tra tính khả thi của phương pháp. Họ nhận ra mặc dù tế bào miễn dịch cùng globulin miễn dịch từ máu lợn xâm nhập phổi người nhưng chúng không ảnh hưởng đến quá trình tưới máu và chữa lành phổi.
Tuy nhiên ảnh hưởng của máu lạ với chức năng phổi người vẫn chưa được làm rõ. Nhóm chưa biết liệu phổi người tiếp xúc với máu lợn có hoạt động giống phổi người bình thường hay không, do đó cần nghiên cứu thêm.