Máy bay vũ trụ không người lái X-37B của quân đội Mỹ đã trải qua 900 ngày trên quỹ đạo trong sứ mệnh bí mật mới nhất, kéo dài kỷ lục về thời gian bay của chương trình.
Nhiệm vụ hiện tại là lần bay thứ 6 của chương trình X-37B, do đó được gọi là OTV-6 (phương tiện thử nghiệm quỹ đạo 6). Máy bay X-37B đã được phóng vào ngày 17.5.2020, từ Trạm Lực lượng Không gian Cape Canaveral ở Florida và chưa rõ khi nào sẽ kết thúc.
OTV-6 là chuyến bay X-37B đầu tiên sử dụng module dịch vụ để tổ chức các thí nghiệm. Module dịch vụ này được gắn vào phía sau của phương tiện, cho phép mang thêm vật tư thí nghiệm lên quỹ đạo. Nhiệm vụ cũng triển khai FalconSat-8, một vệ tinh nhỏ do Viện Hàn lâm Lực lượng Không quân Mỹ tài trợ để tiến hành một số thí nghiệm trên quỹ đạo.
Ngoài ra, hai thí nghiệm của NASA cũng được thực hiện trên máy bay vũ trụ nhằm nghiên cứu kết quả của bức xạ và các hiệu ứng không gian khác trên một đĩa mẫu vật liệu và hạt giống được sử dụng để trồng thực phẩm.
Một thí nghiệm của Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Hải quân Mỹ (NRL) cũng được thực hiện trên máy bay không gian, đánh giá công nghệ biến đổi năng lượng mặt trời thành năng lượng vi sóng tần số vô tuyến.
Paul Jaffe, một kỹ sư điện tử và nhà nghiên cứu tại NRL, cho biết thí nghiệm đó được gọi là Photovoltaic Radio-frequency Antenna Module (PRAM), vẫn đang tiếp tục thu thập dữ liệu. Jaffe nói: “Ở đó càng lâu, chúng ta càng học được nhiều hơn”.
Ngoài ra, X-37B còn chở nhiều trang thiết bị dùng cho những thí nghiệm và hoạt động tối mật. Công nghệ được thử nghiệm trong chương trình X-37B bao gồm hệ thống dẫn đường, định vị và điều khiển tiên tiến, hệ thống bảo vệ nhiệt, điện tử hàng không, kết cấu nhiệt độ cao, cách nhiệt tái sử dụng, hệ thống bay điện cơ học siêu nhẹ, hệ thống đẩy cao cấp, vật liệu, bay trên quỹ đạo, hồi quyển và hạ cánh tự động.