Việc xin nhập và xin thôi quốc tịch là quyền của công dân, và cũng không phải gần 4.000 trường hợp bỏ quốc tịch Việt Nam trong năm 2015 đều là những nhân tài ra đi theo dạng “chảy máu chất xám”, nhưng sự chênh lệch lớn giữa số lượng trường hợp xin thôi so với nhập tịch đang là một tín hiệu đáng báo động đối với Việt Nam.
Một câu chuyện không mới nhưng lại đang nhận được sự quan tâm lớn từ phía xã hội và các chuyên gia kinh tế những ngày vừa qua, là câu chuyện quốc tịch và nhân tài, khi những con số thống kê về số trường hợp xin thôi và nhập quốc tịch Việt Nam trong năm 2015 đang buộc chúng ta phải suy nghĩ.
Theo thống kê, trong năm 2015 chỉ có 29 trường hợp nhập quốc tịch (phần lớn là người Việt Nam xin nhập quốc tịch trở lại), trong khi số người xin thôi quốc tịch lên đến gần 4.000 (theo CafeF). Dĩ nhiên việc xin nhập và xin thôi quốc tịch là quyền của công dân, và cũng không phải gần 4.000 trường hợp bỏ quốc tịch đó đều là những nhân tài ra đi theo dạng “chảy máu chất xám”, nhưng sự chênh lệch giữa số lượng trường hợp nhập tịch so với xin thôi đang là điều khiến tất cả phải suy ngẫm. Nhất là khi chúng ta sực nhớ ra rằng, các nỗ lực cải cách nền kinh tế hiện nay của Nhà nước và chính phủ dường như vẫn đang bỏ quên vấn đề chất lượng nguồn nhân lực, hay nói cách khác là yếu tố “nhân tài”.
Câu chuyện gần 4.000 người Việt Nam xin thôi quốc tịch trong năm 2015 không phải là điều gì quá mới mẻ, và cũng không hẳn là một dấu hiệu của hiện tượng “chảy máu chất xám” như nhiều người lo ngại.
Theo thống kê được Bộ trưởng, chủ nhiệm văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng công bố, thì con số 4.000 người xin thôi quốc tịch này khá đa dạng và thuộc về nhiều trường hợp khác nhau, trong đó chiếm đa số là trường hợp các cô dâu Việt Nam lấy chồng ngoại quốc và buộc phải xin thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch theo chồng, do khá nhiều quốc gia có quy định người muốn xin nhập tịch thì phải bỏ quốc tịch cũ.
Số trường hợp là trí thức, chuyên gia xin thôi quốc tịch Việt Nam trong số gần 4.000 trường hợp kể trên là không nhiều. Vì thế con số 4.000 người xin thôi quốc tịch đó có thể xem như không phải là dấu hiệu của hiện tượng “chảy máu chất xám” mà nhiều người lo ngại.
Nhưng, trên thực tế đó lại là phần nổi của tảng băng chìm. Không nhất thiết một chuyên gia hay trí thức có trình độ cao phải xin thôi quốc tịch Việt Nam thì mới được coi là “chảy máu chất xám”. Cũng tương tự, không nhất thiết phải dựa vào số lượng người xin thôi quốc tịch Việt Nam để nắm được tình hình của vấn đề người di cư, hay nói cách khác là “chảy máu nguồn nhân lực” của chúng ta ở thời điểm hiện tại.
Nếu một chuyên gia hay trí thức trình độ cao làm việc và sinh sống ổn định ở nước ngoài (dù vẫn giữ quốc tịch Việt Nam) sẽ được coi là một trường hợp chảy máu chất xám, thì một cá nhân nếu sinh sống định cư ở nước ngoài (dù vẫn giữ quốc tịch Việt Nam) cũng sẽ có thể được xếp vào diện người di cư.
Theo thống kê được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng công bố, hàng năm có hàng vạn phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài nhưng số xin thôi quốc tịch chỉ khoảng vài ngàn, do quy định của nhiều nước không bắt buộc phải bỏ quốc tịch cũ. Nói cách khác, số lượng người Việt Nam thuộc diện di cư ra nước ngoài hàng năm lớn hơn rất nhiều con số gần 4.000 người xin thôi quốc tịch trong năm 2015, và không ai dám chắc sẽ có bao nhiêu phần trăm trong số đó sẽ quay trở về nước sinh sống và làm việc, dù họ vẫn mang quốc tịch Việt Nam. Con số 4.000 người xin thôi quốc tịch, vì thế không nói lên được nhiều điều về vấn đề người Việt Nam di cư ra nước ngoài hàng năm, vì số lượng thực tế lớn hơn thế rất nhiều lần.
Xét về khía cạnh này, thì rõ ràng vấn đề đối với Việt Nam hiện nay không chỉ là tình trạng “chảy máu chất xám” mà còn là tình trạng “chảy máu nguồn nhân lực” thông qua quá trình di cư, khi mỗi năm có hàng vạn người chuyển ra nước ngoài sinh sống và làm việc. Về lý thuyết, đúng là việc xin nhập và xin thôi quốc tịch và quyền của công dân, và quá trình toàn cầu hóa hiện nay đang tạo ra xu hướng dịch chuyển nơi sinh sống và làm việc.
Nhưng rõ ràng là, sự chênh lệch quá lớn giữa số người nhập tịch và xin thôi quốc tịch (tỷ lệ năm 2015 là 29/4.000) đang là dấu hiệu của một sự báo động về tình trạng dịch chuyển nguồn nhân lực quy mô lớn ra khỏi Việt Nam, bao gồm cả dịch chuyển nhân lực trình độ cao. Trên thực tế đây là tình trạng chung của các quốc gia đang phát triển chứ không chỉ riêng Việt Nam, nơi người dân phần lớn là tầng lớp trung lưu có xu hướng chuyển ra nước ngoài sinh sống và làm việc, và không ít thì nhiều sẽ gây ra những tác động về kinh tế và xã hội.
Câu chuyện một quốc gia nổi tiếng về sự khắt khe trong chính sách nhập cư như Trung Quốc đã bắt đầu có ý định thiết lập văn phòng di trú đầu tiên của mình để thu hút nhân tài trên khắp thế giới nhập quốc tịch nước này, đang là câu chuyện về những tác động lớn mà tình trạng di cư quy mô lớn này gây ra, buộc các chính phủ phải tìm biện pháp tháo gỡ.
Việt Nam và các quốc gia đang phát triển khác rõ ràng là không thể đảo ngược xu hướng này, vì việc xin thôi quốc tịch và di cư ra nước ngoài sinh sống là quyền công dân. Chỉ có thể giải quyết vấn đề này bằng cách tạo môi trường thuận lợi về đãi ngộ, sinh hoạt và làm việc để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao mang quốc tịch Việt Nam quay trở về nước sinh sống và phục vụ.
Đúng là có không ít trường hợp chọn những quốc gia phát triển có điều kiện tốt hơn, nhưng cũng có không ít các trường hợp đang sống và làm việc ở nước ngoài vì không nhận được sự đãi ngộ và môi trường làm việc tương xứng ở trong nước. Nếu có chế độ đãi ngộ phù hợp và môi trường sinh sống, làm việc ổn định, sẽ có rất nhiều người quay trở về để phục vụ đất nước. Phục vụ đất nước luôn là ý nguyện mà hầu hết các chuyên gia và trí thức trình độ cao đều có, và sẵn sàng thực hiện nếu như được tạo điều kiện.
Điều này càng trở nên quan trọng ở thời điểm hiện tại, khi chính phủ đang tiến hành cải cách nền kinh tế. Rõ ràng, quá trình này luôn phải gắn liền với việc trọng dụng nhân tài nếu như muốn đạt được hiệu quả thực sự đột phá. Nhưng rất tiếc là hiện nay dường như nó vẫn đang bị bỏ qua.
Theo chuyên gia Võ Đại Lược thì hiện nay những nguồn nhân lực chất lượng như thủ khoa các trường đại học, các cơ quan nhà nước cũng mới chỉ tuyển khoảng 10% mà thôi (theo The Saigon Times), và sau một vài năm số này cũng giảm rất nhiều. Lý do chủ yếu là vì tình trạng không trọng dụng nhân tài, mua quan bán chức, chạy biên chế khiến cho những người có khả năng không chọn vào phục vụ trong nhà nước do không có môi trường phù hợp để phát huy.
Tình trạng này dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng, như tình trạng thua lỗ nặng nề tại các doanh nghiệp nhà nước tạo ra sự trì trệ níu nền kinh tế đất nước, hay việc chất lượng các bộ luật và quy định quá thấp và quá thiếu hiệu quả đã trở thành những điển hình xấu trong thời gian vừa qua, một phần lớn cũng là do trình độ và khả năng cá nhân của những người chịu trách nhiệm soạn thảo luật quá kém cỏi.
Một nền kinh tế được quản lý và điều hành bởi những cá nhân kém cỏi, sẽ không bao giờ có thể trở thành một nền kinh tế vững mạnh.
Nhàn Đàm