Microsoft đang đàm phán để đầu tư 10 tỉ USD vào OpenAI, chủ sở hữu của chatbot ChatGPT, tờ Semafor đưa tin.
Đề xuất đang được xem xét kêu gọi Microsoft đặt tiền trong nhiều năm, dù các điều khoản cuối cùng có thể thay đổi, theo những người yêu cầu giấu tên thảo luận về một vấn đề riêng tư. Microsoft và OpenAI đã thảo luận về thỏa thuận này trong nhiều tháng.
Semafor trước đó đã báo cáo rằng khoản đầu tư tiềm năng sẽ liên quan đến các công ty mạo hiểm khác và có thể định giá OpenAI ở mức khoảng 29 tỉ USD, trích dẫn những người quen thuộc với các cuộc đàm phán. Các tài liệu của thỏa thuận đã được gửi đến các nhà đầu tư tiềm năng những tuần gần đây, với mục đích kết thúc vòng gọi vốn vào cuối năm 2022.
Microsoft từ chối bình luận, trong khi OpenAI không trả lời ngay lập tức câu hỏi từ Reuters.
Điều này theo sau một báo cáo của tờ Wall Street Journal cho biết OpenAI đang đàm phán để bán sổ cổ phiếu hiện có với mức định giá khoảng 29 tỉ USD, với các công ty đầu tư mạo hiểm như Thrive Capital và Founders Fund mua cổ phiếu từ các cổ đông hiện tại.
Được thành lập bởi Elon Musk và nhà đầu tư Sam Altman, OpenAI cung cấp chatbot ChatGPT để thử nghiệm công khai miễn phí vào ngày 30.11. Chatbot là một ứng dụng phần mềm được thiết kế để bắt chước cuộc trò chuyện giống con người dựa trên lời nhắc của người dùng.
Theo Semafor, các điều khoản cấp vốn gồm cả việc Microsoft nhận được 75% lợi nhuận của OpenAI cho đến khi thu hồi lại khoản đầu tư ban đầu, sau khi OpenAI tìm ra cách kiếm tiền trên ChatGPT và các sản phẩm khác như công cụ tạo hình ảnh từ văn bản Dall-E.
Khi đạt đến ngưỡng đó, Microsoft sẽ có 49% cổ phần trong OpenAI, với các nhà đầu tư khác chiếm thêm 49% và công ty mẹ phi lợi nhuận của OpenAI nhận được 2%, báo cáo cho biết.
ChatGPT đã tỏa sáng trên internet kể từ khi ra mắt vào cuối tháng 11.2022, thu hút một triệu người dùng đầu tiên sau chưa đầy một tuần. Việc bắt chước cuộc trò chuyện của con người đã làm dấy lên suy đoán về tiềm năng thay thế các cây viết chuyên nghiệp và thậm chí đe dọa hoạt động kinh doanh tìm kiếm cốt lõi của Google.
OpenAI kiếm tiền bằng cách tính phí các nhà phát triển để cấp phép cho công nghệ của mình.
ChatGPT được xây dựng trên mô hình ngôn ngữ GPT-3 của OpenAI với những tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực AI.
Mô hình tạo hình ảnh từ văn bản Dall-E của OpenAI cũng làm nảy sinh một cuộc tranh luận rộng rãi về việc đưa AI vào các ngành công nghiệp sáng tạo. OpenAI đã làm việc trên mô hình GPT-4 kế nhiệm để xử lý ngôn ngữ tự nhiên.
Đã đầu tư 1 tỉ USD vào OpenAI vào năm 2019, Microsoft đang làm việc để ra mắt phiên bản công cụ tìm kiếm Bing tích hợp AI đằng sau ChatGPT, nhằm thu hút người dùng từ đối thủ Google.
ChatGPT có khả năng trả lời các truy vấn theo cách tự nhiên và giống con người, tiếp tục cuộc trò chuyện và trả lời các câu hỏi tiếp theo, không giống như bộ liên kết cơ bản mà tìm kiếm của Google cung cấp.
Tuy nhiên lo ngại về độ chính xác của ChatGPT khiến người ta thận trọng về việc sử dụng sớm nó. Các trường học ở thành phố New York (Mỹ) đã cấm học sinh của mình truy cập ChatGPT.
Microsoft đang đánh cược rằng các câu trả lời theo ngữ cảnh và mang tính đàm thoại hơn từ ChatGPT cho các truy vấn của người dùng sẽ thu hút được họ tìm kiếm, bằng cách cung cấp các câu trả lời chất lượng tốt hơn ngoài các liên kết.
Công ty có trụ sở tại thành phố Redmond (bang Washington, Mỹ) có thể tung ra tính năng mới trong vài tháng tới, nhưng vẫn đang cân nhắc cả độ chính xác của ChatGPT và tiến độ đưa nó vào Bing.
Phiên bản đầu tiên của Bing kèm ChatGPT có thể là thử nghiệm hạn chế với nhóm người dùng hẹp.
Microsoft đã thử nghiệm ChatGPT trên Bing trong vài tháng. Các kế hoạch của Microsoft đã được trang The Information đưa tin trước đó.
ChatGPT có thể được sử dụng trong các ứng dụng thế giới thực như viết thư xin việc và bài tiểu luận, tiếp thị kỹ thuật số, tạo nội dung trực tuyến, trả lời các câu hỏi về dịch vụ khách hàng, thậm chí giúp gỡ lỗi mã.
Nhiều người khen ngợi ChatGPT về phạm vi kiến thức ấn tượng và định dạng dễ sử dụng.
Dù dịch vụ AI đôi khi cung cấp thông tin không chính xác, một số nhà phân tích và chuyên gia đã gợi ý rằng khả năng tóm tắt dữ liệu có sẵn công khai của ChatGPT có thể khiến chatbot này trở thành giải pháp thay thế đáng tin cậy cho Google Search và danh sách các liên kết tìm kiếm.
Song khi đề cập về ChatGPT vào tháng trước, Sam Altman cho rằng sẽ là “một sai lầm khi dựa vào chatbot này cho bất kỳ điều gì quan trọng”.
Tháng 12.2022, các nhân viên Google đã hỏi Giám đốc điều hành Sundar Pichai và Giám đốc nghiên cứu AI - Jeff Dean về mối đe dọa của ChatGPT với Google.
Theo trang CNBC, hai giám đốc này cho biết Google đã làm việc trên công nghệ tương tự trong hệ thống LaMDA (Mô hình Ngôn ngữ cho Ứng dụng Đối thoại) nhưng phải đối mặt với rủi ro về uy tín nếu gặp bất kỳ lỗi hoặc sai sót nào.
Sundar Pichai và ban quản lý của Google kể từ đó đã huy động các nhóm nghiên cứu để đối phó với ChatGPT, tuyên bố tình huống này là mối đe dọa lớn, tờ New York Times đưa tin.
ChatGPT hoạt động như thế nào?
OpenAI tuyên bố rằng mô hình ChatGPT của họ, được đào tạo bằng kỹ thuật máy học Reinforcement Learning from Human Feedback (học tăng cường từ phản hồi của con người), có thể mô phỏng đối thoại, trả lời các câu hỏi, thừa nhận sai lầm, bác bỏ các thông tin không chính xác và từ chối các yêu cầu không phù hợp.
Quá trình phát triển ban đầu liên quan đến việc các huấn luyện viên AI của con người, cung cấp mô hình cho các cuộc hội thoại mà họ đóng vai cả hai bên – người dùng và trợ lý AI.
Phiên bản ChatGPT có sẵn để thử nghiệm công khai cố gắng hiểu các câu hỏi do người dùng đặt ra và trả lời chuyên sâu giống văn bản do con người viết ở định dạng đàm thoại.
Thử nghiệm ChatGPT bằng tiếng Anh và cả tiếng Việt (video: YouTuber Duy Luân):