Kế hoạch của Dell nhằm cắt giảm sự tiếp xúc với Trung Quốc bằng cách loại bỏ dần các chip do nước này sản xuất vào năm 2024, chỉ ra một quá trình tách rời đang được đẩy nhanh giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington ngày càng sâu sắc.

Ngưng dùng chip từ Trung Quốc, Dell đẩy nhanh việc tách rời và mở rộng sản xuất ở Việt Nam

Sơn Vân | 10/01/2023, 11:46

Kế hoạch của Dell nhằm cắt giảm sự tiếp xúc với Trung Quốc bằng cách loại bỏ dần các chip do nước này sản xuất vào năm 2024, chỉ ra một quá trình tách rời đang được đẩy nhanh giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington ngày càng sâu sắc.

Có mặt tại Trung Quốc hơn 1/4 thế kỷ, gã khổng lồ máy tính cá nhân Dell đã quyết định ngừng sử dụng chất bán dẫn do Trung Quốc sản xuất vào năm 2024 và có thể chuyển khoảng 50% sản lượng ra khỏi nước này vào 2025, theo trang Nikkei Asia và phương tiện truyền thông Đài Loan.

Kế hoạch cắt giảm tiếp xúc với Trung Quốc của Dell là trường hợp mới nhất các công ty toàn cầu rút một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng với Mỹ và sau sự gián đoạn chuỗi cung ứng do các biện pháp phong tỏa liên quan đến đại dịch.

Dell đã tăng dần đầu tư vào Trung Quốc kể từ khi gia nhập thị trường vào năm 1995, với các cơ sở sản xuất ở thành phố Hạ Môn, Thành Đô và Côn Sơn, 4 trung tâm nghiên cứu, 12.500 nhân viên và hơn 12.000 cửa hàng bán lẻ ở nước này, theo trang web tuyển dụng của hãng.

Song điều này sẽ bị đảo ngược trong bối cảnh căng thẳng công nghệ gia tăng giữa hai nước, khi Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại với Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng nhân danh an ninh quốc gia, chẳng hạn như chất bán dẫn.

Khi Mỹ tăng cường nỗ lực ngăn chặn chip do Trung Quốc sản xuất, Dell dự kiến sẽ là công ty đầu tiên đánh giá mốc thời gian sớm nhất để đưa sản xuất rời khỏi đất nước này dựa trên những cân nhắc, chẳng hạn tổn thất doanh thu tiềm năng đáng kể từ Bắc Mỹ. Động thái của họ tích cực hơn các nhà sản xuất PC khác”, Eddie Han, nhà phân tích tại Isaiah Research, một cơ quan nghiên cứu có trụ sở tại Đài Loan, nhận xét.

Chiu Shih-fang, nhà phân tích chuỗi cung ứng và công nghệ tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan, nói động thái từ Dell nhằm “đảm bảo sự ổn định tổng thể của các lô hàng và khả năng phục hồi hoạt động kinh doanh của họ” trước các hạn chế Mỹ áp đặt với Trung Quốc.

Dell và các thương hiệu lớn khác đã đặt mục tiêu rõ ràng là giảm tỷ lệ năng lực sản xuất ở Trung Quốc, thúc đẩy các ODM (nhà sản xuất thiết kế riêng) và hãng sản xuất theo hợp đồng đẩy nhanh việc chuyển công suất ra khỏi Trung Quốc”, Chiu Shih-fang nhận định.

Dell lắp ráp hầu hết máy tính của mình tại Trung Quốc thông qua các nhà thầu Đài Loan là Compal Electronics và Wistron Corp. Hai công ty này đã bắt đầu mở rộng sản xuất tại Việt Nam.

Vào tháng 11.2022, Compal Electronics cho biết đã đầu tư 60 triệu USD vào một nhà máy ở Việt Nam. Trong khi Wistron Corp cũng đang mở rộng các cơ sở sản xuất máy tính xách tay của mình ở Đài Loan và Việt Nam.

Dell, Compal Electronics và Wistron Corp đã không trả lời khi được đề nghị bình luận về vấn đề này.

Eddie Han nói rằng sẽ cần thời gian để xem liệu việc mở rộng dây chuyền sản xuất bên ngoài Trung Quốc có thể theo kịp nhu cầu hay không, nhưng xu hướng đa dạng hóa dần dần sẽ có trong vòng 5 đến 10 năm tới.

Edward Tse, Giám đốc điều hành công ty tư vấn Gao Feng, nói đây có thể không phải là một quyết định tốt cho Dell vì Trung Quốc vẫn có lợi thế về hiệu quả và chi phí.

Không quốc gia nào có thể thay thế Trung Quốc trong việc sản xuất các sản phẩm chất lượng cao và chi phí thấp”, Edward Tse cho hay.

Trong khi đó, Dell cũng có nguy cơ mất một số người tiêu dùng Trung Quốc.

Nếu Dell rời đi, thật khó để nói liệu khách hàng Trung Quốc có còn trung thành và tiếp tục mua sản phẩm của họ không”, Edward Tse nói thêm.

Các lô hàng PC trên toàn thế giới đã giảm 18% xuống còn 69,4 triệu chiếc trong quý 3/2022.

Theo hãng nghiên cứu công nghệ Canalys, các lô hàng của Dell vào 2022 đã giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn gần 12 triệu chiếc.

Tại thị trường Trung Quốc, các lô hàng PC trong 2022 đã giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị phần PC của Dell giảm từ 12,9% vào năm 2021 xuống còn 11,7% trong 2022. Lenovo vẫn dẫn đầu thị trường PC với 38,2% thị phần trong cùng thời kỳ.

ngung-dung-tat-ca-chip-tu-trung-quoc-dell-day-nhanh-viec-tac-roi-va-da-dang-chuoi-cung-ung.jpg
Dell đang dần rút lui khỏi Trung Quốc - Ảnh: AFP

Không chỉ Dell...

Không riêng Dell, mức độ gián đoạn trong ngành sản xuất của Trung Quốc, gồm cả việc phong tỏa tạm thời và các vấn đề khác liên quan đến đại dịch, đã thúc đẩy các thương hiệu toàn cầu như Apple và Samsung Electronics nhanh chóng thiết lập chuỗi cung ứng mới trên khắp châu Á.

Theo báo cáo của DigiTimes Research, việc sản xuất smartphone Samsung tại Trung Quốc dự kiến sẽ ngừng trong vòng 5 năm tới, do tỷ lệ công việc lắp ráp của Việt Nam và Ấn Độ lần lượt đạt 35 - 40% và 40 - 45% vào năm 2027.

Cũng theo báo cáo này, Ấn Độ dự kiến sẽ lắp ráp tới 50% số iPhone của Apple vào năm 2027 (tăng từ mức dưới 5% hiện nay), ngang bằng với quy mô sản xuất ở Trung Quốc.

Luke Lin, nhà phân tích tại đơn vị nghiên cứu của DigiTimes (nhật báo Đài Loan tập trung vào công nghệ), cho biết trong một báo cáo: “Tốc độ di chuyển chuỗi cung ứng sang Ấn Độ sẽ tăng nhanh trong tương lai do nhu cầu đa dạng hóa rủi ro trước những bất ổn trong việc kiểm soát đại dịch của Trung Quốc”.

Vượt qua Anh vào năm ngoái để trở thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, Ấn Độ được dự đoán sẽ chiếm tới 25% tổng sản lượng iPhone vào cuối năm 2023 và lên tới 40% vào năm 2025, báo cáo của DigiTimes Research cho biết.

Theo Luke Lin, Trung Quốc (nơi chiếm tới 85% sản lượng iPhone trên toàn cầu vào năm ngoái) có nguy cơ mất vai trò thống trị như trung tâm sản xuất thiết bị của Apple vì các động thái tách rời Mỹ - Trung. Ông kỳ vọng Ấn Độ và Việt Nam sẽ là những nước hưởng lợi lớn nhất từ những nỗ lực của Apple nhằm chuyển nhiều hơn chuỗi cung ứng sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc.

Dự báo từ DigiTimes Research tích cực hơn so với dự đoán trước đó của JPMorgan (một trong những hãng dịch vụ tài chính lâu đời nhất trên thế giới, có trụ sở tại thành phố New York, Mỹ) rằng Ấn Độ sẽ lắp ráp 25% tổng số iPhone trên toàn thế giới vào năm 2025.

Foxconn (Đài Loan), một trong những nhà cung cấp lớn nhất cho Apple, đã tăng cường nỗ lực của mình tại Ấn Độ. Tháng 12, nhà sản xuất hợp đồng điện tử lớn nhất thế giới đã bơm 500 triệu USD tiền mặt vào công ty con ở Ấn Độ, Foxconn Hon Hai Technology India Mega Development.

Theo báo cáo của DigiTimes Research, các thương hiệu smartphone lớn khác cũng đang tăng cường sản xuất bên ngoài Trung Quốc. Ví dụ, Samsung Electronics đã chuyển nhiều năng lực sản xuất smartphone Android của mình ra khỏi Trung Quốc kể từ năm 2019, chủ yếu sang Việt Nam.

Theo báo cáo, việc sản xuất smartphone Samsung tại Trung Quốc dự kiến sẽ ngừng trong vòng 5 năm tới, do tỷ lệ công việc lắp ráp của Việt Nam và Ấn Độ lần lượt đạt 35 - 40% và 40 - 45% vào năm 2027.

Hiện Samsung Electronics đã thực sự biến Việt Nam trở thành "cứ điểm sản xuất" của mình. Hơn 50% thiết bị di động của Samsung Electronics trên toàn cầu được sản xuất tại Việt Nam và xuất khẩu các sản phẩm ở nước ta năm 2021 đạt 65,5 tỉ USD.

Bắt đầu từ năm 2008 với nhà máy thiết bị di động 670 triệu USD tại tỉnh Bắc Ninh, Samsung Electronics đến nay là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, gồm 6 nhà máy ở ba tổ hợp công nghệ cao ở Bắc Ninh, Thái Nguyên, TP.HCM và mới đây là trung tâm R&D lớn nhất Đông Nam Á tại Hà Nội.

Foxconn đã cố gắng khôi phục toàn bộ năng lực sản xuất tại nhà máy iPhone lớn nhất thế giới ở thành phố Trịnh Châu (thủ phủ tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) sau sự gián đoạn nghiêm trọng gồm các cuộc biểu tình của công nhân trở thành bạo lực và cuộc di cư của hàng chục ngàn nhân viên giữa lúc dịch bùng phát từ cuối tháng 10.2022. Nhà máy iPhone lớn nhất thế giới đã dần phục hồi khoảng 90% công suất tối đa tính đến ngày 30.12.2022, theo bài viết của Nhật báo Hà Nam trích dẫn lời Wang Xue, phó giám đốc nhà máy này.

Theo báo cáo của DigiTimes Research, các thương hiệu smartphone khác ngoài Apple và Samsung Electronics cũng được cho ​​sẽ thấy năng lực sản xuất ở Trung Quốc giảm tới 50% vào năm 2027, từ mức khoảng 70% vào năm 2023.

Báo cáo cho biết thị phần của Ấn Độ trong năng lực sản xuất đó dự kiến sẽ tăng lên 35% trong cùng thời kỳ. Thị phần của Việt Nam cũng được dự đoán sẽ tăng tới 15%.

Theo báo cáo của Nikkei vào tháng trước, Apple đang chuyển một số dây chuyền sản xuất MacBook của mình sang Việt Nam, một động thái đã được lên kế hoạch từ năm 2020. Lô máy tính xách tay của Apple đầu tiên dự kiến sẽ được sản xuất ở Việt Nam sớm nhất vào tháng 5.2023.

Với Trung Quốc, việc mất một phần hoạt động sản xuất MacBook biểu thị cho sự suy yếu rộng rãi hơn về vị thế công xưởng của thế giới. Các nhà sản xuất điện tử hàng đầu từ Apple, HP, Dell đến Google đều đã thực hiện ít nhất một số kế hoạch chuyển sản xuất và tìm nguồn cung ứng ngoài Trung Quốc kể từ khi cựu Tổng thống Mỹ - Donald Trump bắt đầu cuộc chiến thuế quan chống lại nước này.

Ví dụ, việc sản xuất hầu hết máy chủ làm trung tâm dữ liệu cho Google, Meta Platforms, Amazon và Microsoft đã chuyển sang Đài Loan, Mexico hoặc Thái Lan.

Lãnh đạo Inventec, nhà cung cấp chính cho HP và Dell, nói: “Nhìn chung, lợi ích của Trung Quốc về sản xuất chi phí thấp đang mờ dần và nhiều khách hàng Mỹ hiện muốn có một số lựa chọn thay thế địa điểm sản xuất bên ngoài Trung Quốc. Đây đã là một xu hướng tăng tốc với hầu hết thương hiệu toàn cầu và nó sẽ không có khả năng thay đổi trong tương lai".

Trong nhiều thập kỷ, Apple coi Trung Quốc là cơ sở lắp ráp quan trọng nhất của mình, nhưng công thức đó đã đạt đến điểm khủng hoảng trong năm nay.

Vào mùa xuân, các địa điểm sản xuất MacBook và iPhone quan trọng ở Thượng Hải phải đối mặt với sự gián đoạn lớn do lệnh phong tỏa kéo dài hai tháng. Hồi tháng 11.2022, Apple đã cảnh báo về sự chậm trễ trong việc giao iPhone 14 Pro và 14 Pro Max cho kỳ nghỉ lễ, với lý do thiếu lao động tại nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới ở Trịnh Châu.

Chiu Shih-fang, nhà phân tích chuỗi cung ứng của Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan, cho biết những thay đổi với chuỗi cung ứng công nghệ là không thể đảo ngược.

"Trước đây, hầu hết mọi người trong ngành luôn hy vọng rằng tình hình có thể giảm bớt và mọi thứ có thể quay trở lại những ngày xưa tốt đẹp. Song lần này, họ nhận ra rằng không có cách nào quay lại và dù thế nào cũng cần chuẩn bị các phương án thay thế ngoài Trung Quốc”, Chiu Shih-fang chia sẻ.

Chiu Shih-fang cho biết các chính sách nghiêm ngặt về đại dịch của Trung Quốc đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi. Hiện tại nó diễn ra nhanh hơn so với những gì các nhà điều hành ngành và nhà phân tích thị trường nghĩ cách đây vài năm, đồng thời căng thẳng Mỹ - Trung ngày càng gia tăng cũng đóng một vai trò nào đó.

"Không ai muốn doanh nghiệp của mình bị mắc kẹt và ảnh hưởng nặng nề chỉ vì quá tập trung sản xuất vào một chỗ. Từ lớn đến nhỏ, các nhà cung cấp giờ đây đều cần có giải pháp để đối mặt với thực tế toàn cầu mới này", Chiu Shih-fang nói thêm.

Sự đa dạng hóa của Apple tại Việt Nam bắt đầu với AirPods, được đưa vào sản xuất hàng loạt tại nước ta vào năm 2020. Công ty Mỹ cũng đã chuyển một số hoạt động sản xuất iPad và Apple Watch sang Việt Nam trong năm nay, Nikkei đưa tin đầu tiên.

Vào tháng 10, Apple thông báo đã bắt đầu sản xuất iPhone 14 ở Ấn Độ, chỉ vài tuần sau khi phát hành dòng smartphone mới. Các nguồn tin nói với Nikkei rằng Apple đặt mục tiêu tăng đáng kể sản lượng iPhone từ Ấn Độ trong năm nay và năm tới, với mục đích biến quốc gia này thành một cơ sở sản xuất quan trọng khác. Apple cũng đặt mục tiêu chuyển một số hoạt động sản xuất tai nghe AirPods và Beats sang Ấn Độ.

Dân số khá đông giúp Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn cho các sản phẩm cuối cùng cũng như cơ sở sản xuất. Hơn nữa, lực lượng lao động ở Việt Nam chiếm ít chi phí hơn Trung Quốc.

Apple chọn Foxconn (Đài Loan), nhà sản xuất thiết bị điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới, để lắp ráp MacBook tại Việt Nam, theo trang Nikkei.

Trước động thái này, MacBook vẫn là sản phẩm chính duy nhất của Apple chỉ được sản xuất tại Trung Quốc. Nikkei cho biết việc di chuyển các dây chuyền lắp ráp MacBook ra bên ngoài Trung Quốc sẽ mất nhiều thời gian hơn do chuỗi cung ứng phức tạp của sản phẩm này.

"Sau khi thay đổi sản xuất với MacBook, tất cả sản phẩm chủ lực của Apple về cơ bản sẽ có thêm một địa điểm sản xuất ngoài Trung Quốc... iPhone ở Ấn Độ; MacBook, Apple Watch và iPad tại Việt Nam. Những gì Apple muốn bây giờ là tùy chọn 'ra khỏi Trung Quốc' với ít nhất một phần sản xuất cho tất cả sản phẩm của mình", một người có kiến ​​thức trực tiếp về vấn đề này nói với Nikkei.

samsung-co-the-ngung-san-xuat-smartphone-ng-o-trung-quoc-5-nam-toi-1.jpeg
Trước khi chuyển hướng sang Việt Nam, MacBook vẫn là sản phẩm chủ lực của Apple được sản xuất duy nhất tại Trung Quốc - Ảnh: Shutterstock

Vào tháng 11.2020, Foxcon đã lên kế hoạch chuyển một số hoạt động lắp ráp iPad và MacBook từ Trung Quốc sang Việt Nam theo yêu cầu của Apple vì cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang. Foxconn trước đó công bố khoản đầu tư 270 triệu USD để thành lập công ty con mới tại Việt Nam.

Theo trang SCMP, các dây chuyền lắp ráp MacBook được đặt tại nhà máy Foxconn ở tỉnh Bắc Giang, phía đông bắc Việt Nam. Tính đến tháng 6.2022, Foxconn đã tuyển dụng khoảng 60.000 người tại Việt Nam, hiện là cơ sở sản xuất lớn nhất của công ty này bên ngoài Trung Quốc.

Trước đó, Foxconn đã đặt địa điểm sản xuất MacBook ở thành phố Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc trong vòng khép kín, với dây chuyền lắp ráp có 110.000 công nhân tuân thủ nghiêm ngặt lịch trình công việc nhất định và các tuyến đường đi lại trong khu phức hợp để giúp giảm thiểu rủi ro nhiễm nCoV, theo một báo cáo được công bố hồi tháng 9 bởi Tạp chí Global Views. Những nhân viên Foxconn khác sống bên ngoài khu phức hợp được yêu cầu làm việc tại nhà.

Việc sản xuất MacBook thuộc Nhóm kinh doanh B của Foxconn, chịu trách nhiệm về thiết bị đeo tay, máy tính bảng, máy tính xách tay và loa thông minh. Foxconn có cơ sở hoạt động tại các thành phố của Trung Quốc như Thành Đô, Thượng Hải, Thâm Quyến, Hàng Châu và Hành Dương.

Dù vẫn chưa chắc chắn bao nhiêu sản lượng MacBook sẽ được chuyển ra ngoài Trung Quốc, một báo cáo gần đây từ hãng nghiên cứu Counterpoint Research chỉ ra rằng Foxconn có kế hoạch chuyển tới 30% tổng công suất sản xuất của mình sang Ấn Độ, Việt Nam và Brazil.

Theo hãng nghiên cứu Counterpoint Research, đã có 21 nhà cung cấp của Apple hoạt động tại Việt Nam tính đến tháng 9.2022.

Tổng số lô hàng MacBook dự kiến đạt 22,18 triệu chiếc trong năm 2022, theo Digitimes. Con số đó sẽ giảm 1,4% so với 2021. Trong khi các thương hiệu máy tính cá nhân lớn khác như HP, Dell và Lenovo Group chứng kiến mức giảm hai con số.

Bài liên quan
TSMC bắt đầu sản xuất chip thế hệ tiếp theo mà nhiều nước tranh giành
TSMC đã bắt đầu sản xuất hàng loạt chip thế hệ tiếp theo từ ngày 29.12, đảm bảo Đài Loan vẫn là trụ cột của công nghệ quan trọng mà chính phủ các nước muốn có.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với trung tâm quốc gia về an ninh mạng Ba Lan
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Chiều tối 17.1 (giờ địa phương), trong chương trình thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc gia về an ninh mạng của Ba Lan (NASK) - trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển internet, chuyển đổi số, an ninh mạng và bảo mật thông tin của Ba Lan.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngưng dùng chip từ Trung Quốc, Dell đẩy nhanh việc tách rời và mở rộng sản xuất ở Việt Nam