“Lý tưởng của anh thật là khuấy động, Barack ạ… nhưng nếu anh không vận động được năm triệu đồng để nói trên ti vi cho người dân nghe thì anh không có cơ hội đâu.”
Chúng tôi tụ tập tại căn hộ của Valerie ở khu Hyde Park, và suốt bữa ăn muộn gộp cả ăn sáng lẫn ăn trưa hôm đó, tôi đã giải thích diễn biến tư tưởng của tôi, vạch ra các kịch bản sẽ giành được sự đề cử chính thức của Đảng Dân chủ và trả lời các câu hỏi về sự khác biệt của cuộc đua lần này với lần trước. Với Michelle, tôi không hề tránh né về việc khoảng thời gian tôi vắng nhà sẽ dài hơn. Đấy, nó diễn ra như vậy, tôi hứa, thăng tiến hay bật bãi; nếu tôi thua cuộc lần này, chúng tôi sẽ vĩnh viễn kết thúc con đường chính trị.
Với Michelle thì đây không phải là một vấn đề chiến lược, mà ý nghĩ tham gia thêm một cuộc tranh cử nữa đối với cô ấy thì cũng nhức nhối như việc lấy tủy răng vậy. Cô ấy lo nhất là chuyện này ảnh hưởng tới tài chính của gia đình, vốn chưa hồi phục sau lần tranh cử trước. Michelle nhắc tôi rằng chúng tôi còn phải lo trả các khoản vay thời đi học, tiền thuê mua nhà và nợ thẻ tín dụng. Chúng tôi chưa bắt đầu để dành tiền cho con cái vào đại học, và trên hết, tranh cử vào Thượng viện đòi hỏi tôi phải ngưng hành nghề luật để tránh xung đột lợi ích, điều này càng khiến cho nguồn thu thêm hẻo.
“Anh mà thua thì nhà ta sẽ xuống hố sâu hơn,” cô ấy bảo, “Còn nếu anh thắng thì sao? Chúng ta làm sao có thể duy trì gia đình ở hai nơi, Washington và Chicago, trong khi trên thực tế chúng ta phải chật vật lắm mới giữ nổi một cái?”
Tôi đã tiên liệu được điều này. “Nếu anh mà thắng, em yêu ạ,” tôi nói, “cả đất nước sẽ quan tâm. Anh sẽ là người Mỹ gốc Phi duy nhất trong Thượng viện. Với vị trí cao hơn, anh có thể viết thêm một cuốn sách và bán được rất nhiều bản, nó sẽ giúp trang trải chi phí phát sinh.”
Michelle cất tiếng cười to, âm cao vút. Tôi quả thực có kiếm được chút tiền từ cuốn sách thứ nhất, nhưng còn lâu mới tới được cái mức có thể trang trải các chi phí phát sinh mà tôi đề cập. Như vợ tôi thấy rõ – và hầu hết mọi người đều thấy, tôi hình dung – một cuốn sách chưa viết ra thì làm sao trở thành một kế hoạch tài chính được chứ.
“Nói cách khác,” cô ấy đáp, “anh có vài hạt đậu thần trong túi. Đó là điều anh nói với em. Anh có vài hạt đậu thần, thế là anh gieo trồng, qua một đêm thì một cái cây đậu khổng lồ vươn lên tận trời, anh leo lên thân cây đậu, giết chết gã khổng lồ sống trên mây, rồi mang về nhà một con ngỗng đẻ trứng vàng. Phải vậy không?”
“Gần giống thế,” tôi đáp.
Michelle lắc đầu và nhìn qua cửa sổ. Cả hai đều biết điều mà tôi đòi hỏi là gì. Lại thêm một sự xáo trộn nữa. Lại thêm một canh bạc nữa. Lại thêm một bước đi nữa về phía mà tôi muốn, còn cô ấy thực sự không.
“Giờ thế này, Barack,” Michelle tóm lại. “Lần cuối nhé. Nhưng đừng trông chờ em sẽ tham gia vận động tranh cử. Quả thực, anh thậm chí đừng trông chờ lá phiếu của em.”
Hồi còn nhỏ, thỉnh thoảng tôi quan sát ông ngoại cố gắng bán bảo hiểm nhân thọ qua điện thoại, mặt ông hằn nét khổ sở khi thực hiện cuộc gọi cầu may từ căn hộ tầng mười trong khu vực nhà cao tầng ở Honolulu. Suốt mấy tháng đầu năm 2003, tôi thường nghĩ về ông ngoại khi tôi ngồi trong trụ sở được bài trí sơ sài của chiến dịch tranh cử vào Thượng viện mới vừa phát động, bên dưới một tấm áp phích in hình võ sĩ Muhammad Ali đang giơ tay mừng chiến thắng sau khi đánh bại Sonny Liston và cố thuyết phục bản thân thực hiện thêm một cuộc gọi nữa để gây quỹ.
Khác với lần đua tranh vào Hạ viện trước đây khá đen đủi, cuộc đua lần này như được phù hộ. Cục diện chính trị quốc gia nghiêng theo hướng có lợi cho tôi. Vào tháng 10 năm 2002, trước cả thời điểm công bố tranh cử, tôi được mời tới phát biểu phản đối việc Mỹ sắp xâm lăng Iraq trong cuộc tuần hành phản đối chiến tranh tại trung tâm Chicago. Tôi cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề trong khoảng một ngày và xác định rằng đây là thử thách đầu tiên của tôi: Có phải tôi sẽ tranh cử theo đúng những gì mà tôi đã hứa với bản thân?
Thế là tôi gõ một bài phát biểu ngắn, tầm năm hoặc sáu phút gì đấy, và khi thấy hài lòng vì nó phản ánh niềm tin chân thực của mình, tôi đã đi ngủ mà không gửi cho nhóm cố vấn xem lại. Vào ngày mít tinh, có khoảng hơn một ngàn người đổ về Quảng trường Liên bang, với Jesse Jackson lĩnh xướng. Trời lạnh, gió giật từng cơn. Tiếng vỗ tay lẹt đẹt do bị giảm âm lượng từ những bàn tay đeo găng khi tên tôi được xướng lên và tôi tiến tới phía micro.
“Xin cho phép tôi bắt đầu bằng sự minh định rằng, dù cuộc mít tinh hôm nay được định danh là cuộc mít tinh phản đối chiến tranh, tôi đứng đây trước mặt các bạn là một người không hoàn toàn phản đối chiến tranh trong mọi hoàn cảnh.”
Đám đông im lặng, không biết tôi sắp sửa đi theo hướng nào. Tôi diễn tả việc máu đã đổ để bảo vệ liên bang và dẫn lối tới sự khai sinh mới của nền tự do; tôi tự hào khi có người ông xung phong chiến đấu sau biến cố Trân Châu Cảng; sự ủng hộ của tôi dành cho hành động quân sự của chúng ta tại Afghanistan và cá nhân tôi cũng sẵn sàng cầm súng đứng lên để ngăn chặn một thảm kịch 11/9 khác. “Tôi không chống lại mọi cuộc chiến tranh,” tôi nói tiếp, “Thứ mà tôi chống lại là một cuộc chiến tranh ngu ngốc.”
Tôi tiếp tục lập luận rằng Saddam Hussein không tạo ra đe dọa sát sườn đối với Hoa Kỳ hoặc các nước láng giềng của Hoa Kỳ, và rằng “ngay cả một cuộc chiến tranh thành công nhằm vào Iraq cũng đòi hỏi Mỹ phải chiếm đóng trong thời gian không xác định, với phí tổn không xác định và những hậu quả không xác định được.” Tôi chốt lại bằng gợi ý rằng nếu Tổng thống Bush đang tìm kiếm một cuộc chiến đấu, ông ấy nên xử lý rốt ráo al-Qaeda, chấm dứt ủng hộ các chế độ áp bức và giúp nước Mỹ cai nghiện dầu mỏ Trung Đông.
Tôi ngồi xuống ghế. Đám đông reo hò. Rời khỏi quảng trường, tôi cứ đinh ninh phát biểu của tôi ít ra cũng vượt tầm một ý kiến khơi gợi nho nhỏ. Thế mà báo chí hầu như không đề cập đến sự hiện diện của tôi tại cuộc mít tinh.
Barack Obama