Bây giờ, về miền Tây sông nước, người ta không còn phải chờ phà, nghe câu vọng cổ ở bến sông nữa. Nhà tường khang trang đã thay những nhà lá, đèn điện sáng choang thay ánh đèn dầu...

Miền Tây một thuở xa xôi...

Một Thế Giới | 05/12/2015, 18:40

Bây giờ, về miền Tây sông nước, người ta không còn phải chờ phà, nghe câu vọng cổ ở bến sông nữa. Nhà tường khang trang đã thay những nhà lá, đèn điện sáng choang thay ánh đèn dầu...

Cách đây khoảng 30 năm, miền Tây còn hoang sơ. Nhà lá lưa thưa, vài trăm mét mới có một nhà. Sông rạch chằng chịt, muốn đi từ nhà này sang nhà kia phải leo qua những cây cầu khỉ chênh vênh, nếu không quen đi, rất dễ rơi tõm xuống nước.
Thuở đó, xe đò chạy bằng than đá, khói xả mù mịt. Nông dân muốn "lên thành phố", phải ra quốc lộ ngoắc xe. 
Từ bến phà Mỹ Thuận, lên đến Sài Gòn, chỉ hơn trăm cây số, phải mất thời gian ít nhất khoảng 6 tiếng đồng hồ. Chưa kể  đến ngã 3 Trung Lương, tài xế còn phải ghé trạm đổ nước cho nguội máy. 
Ngồi trên xe, ngó xuống sàn, qua những khe ván lót, khách có thể nhìn thấy mặt đường đen ngòm đang di chuyển bên dưới... Xe không có máy lạnh, người ngồi trên ghế, còn gà vịt, cần xé trái cây chất lộn xộn dưới sàn. Chật chội, ngột ngạt như nêm mắm. 
Nổi tiếng chạy ẩu là những chuyến xe đò Hậu Giang. Người miền Tây chứng tỏ lòng tin, thề thốt gì, hay nói câu: "Tao nói láo, đi ra đường xe Hậu Giang cán chết".
Mien Tay, song nuoc mien Tay, cau My Thuan, cau Can Tho
 Một cảnh đẹp ở miền Tây.
Những ngày đó, về miền Tây, ngoài lòng hiếu khách của người sông nước, du khách còn được thưởng thức "đặc sản" chờ phà. Những bến phà nổi tiếng: Mỹ Thuận, Cần Thơ, Rạch Miễu... là nơi biểu trưng nhất nền văn hóa của miền sông nước.
Nông dân hái trái cây trong vườn ra, bày trong các "xề" tre, đợi khách rời xe, đi bộ xuống phà ghé mua. Trà đá bỏ sẵn bịch, cóc, ổi, mía ghim... chất trong mâm, được các má, các dì vận áo bà ba rao bán inh ỏi. Người miền Tây bộc trực, chân chất không ngại mời khách đi..tiểu tiện, đại tiện. 
Nhờ vào bến phà, nhiều người tay trắng đã trở nên giàu có. Nổi tiếng nhất là ông Nguyễn Thân (còn gọi là Ba Thân), di dân từ Quảng Ngãi vào phương Nam lập nghiệp. 
Người đàn ông này đã chọn Cái Bè, vùng đất trù phú nằm bên dòng Cửu Long của tỉnh Tiền Giang làm chỗ dừng chân. 
Hàng ngày, ông qua Lai Vung, Sa Đéc mua nem, mang về bán dạo ở bến phà Mỹ Thuận. Với tính tần tảo, chịu khó của người miền Trung nắng gió, ông bán nem từ lúc tiếng còi hụ phà cất lên, lúc 3 giờ sáng, cho đến tối mịt.
 Tích tiểu thành đại, chỉ vài năm ông đã trở thành "đại gia", mua đất cất nhà lầu, sắm xe...và bành trướng, phát triển thành chuỗi cửa hàng bán nem với thương hiệu "ông Mập" nổi tiếng. Ông Ba Thân chỉ là người mua nem, bán lại kiếm lời, chứ không phải là người tự sản xuất nem như nhiều người lầm tưởng. 
Mien Tay, song nuoc mien Tay, cau My Thuan, cau Can Tho
Cá lóc, cá trê vẫn còn rất nhiều ở miền Tây sông nước. 
 Cách đây mấy chục năm, người miền Tây không sợ đói. Thiên nhiên thuận lợi, mỗi năm chỉ làm lúa hai mùa nhưng lúa trúng bể bồ. Cây trái sum xuê ngoài vườn, không cần bón phân, xịt sâu như bây giờ. Dưới sông rạch, tôm cá lội lổm nhổm. Gà, vịt thả nuôi không sợ mất....
Mỗi lần nhà có đám giỗ, người ta hay tát mương, bắt cá lóc, cá trê, tôm...làm món đãi khách. Khách đi giỗ  thường có tục mang theo cái quả (miền Bắc gọi là cái tráp- PV), bên trong đựng bánh ngọt, làm quà cho gia chủ cúng vong hồn người đã mất. Ai không khá giả, có thể mang theo lít rượu đế. Tàn đám giỗ, khách lấy quả mang về, gia chủ "lại quả" cho khách bằng bánh tét, bánh ít, xôi... 
Ở miền Tây, đám cưới, đám giỗ, đám tang... cả xóm "xúm" nhau mỗi người một việc, chia sẻ với gia chủ, thể hiện tình làng nghĩa xóm. Có khi đám tiệc kéo dài 3, 4 ngày, nhậu nhẹt tưng bừng, khi nào hết "xà bần" ("xà bần" là thức ăn đãi khách còn thừa, gia chủ gom lại nấu thành một nồi hỗn đốn) mới thôi. Những ngày có đám, cả xóm không cần nấu ăn, cứ qua nhà có đám "ăn chực".
Mien Tay, song nuoc mien Tay, cau My Thuan, cau Can Tho
 Cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu những chiếc phà trở thành dĩ vãng. Miền Tây sông nước bước vào một thời kỳ phát triển mới.
Mấy chục năm trước, các má, dì có thói quen vận áo bà ba, quần lãnh, đội khăn rằn bắt chéo và ăn trầu, xỉa thuốc rê. Đàn ông vấn điếu thuốc rê bự chảng, chứ không hút thuốc có đầu lọc như bây giờ. 
Tác giả bài viết đã có một tuổi thơ êm đềm ở miền sông nước Nam Bộ.  Đêm nằm trên bộ ván ngựa bóng lưỡng, nghe cải lương phát ra từ chiếc radio rè rè, có bàn tay thô cứng của bà ngoại mằn tóc, bắt chí. Thời đó, ở nông thôn không có dầu gội như bây giờ, đầu con nít là nơi trú ngụ của nhiều con chí đực, chí cái. Chúng đẻ trứng bám đầy tóc. Có đứa bị trứng chí làm trắng cả một khoảnh tóc. Mấy ông bà già hay hù con nít: "Mày ở dơ, coi chừng tối chí tha xuống sông đó". Đám con nít sợ hãi lắm.
Nói đến miền Tây, không nhắc đến cải lương là một thiếu sót. Người miền Tây mê các giọng ca: Lệ Thủy, Minh Vương, Minh Phụng, Bạch Tuyết, Út Bạch Lan, Phượng Liên, Thanh Sang, Bạch Lê, Thanh Tòng, Trọng Hữu, Thanh Điền, Thanh Kim Huệ...sắm vai trong các tuồng: Phụng Nghi Đình, Lưu Kim Đính, Tô Ánh Nguyệt, Đời Cô Lựu, Ngao sò ốc hến...
Thời đó, không có nhiều đài truyền hình và nhà đài không phát sóng 24/24 như bây giờ. Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long gần như chỉ có duy nhất đài Cần Thơ. Mỗi ngày đài Cần Thơ phát từ 18 giờ, kéo dài đến 22 giờ 30 thì xướng ngôn viên Thy Cúc xuất hiện chào tạm biệt: "Chúc các bạn ngủ ngon. Hẹn gặp lại vào tối mai".
Chương trình của đài truyền hình Cần Thơ mở đầu bằng chương trình tiếng Khơ-me, đến 19 giờ mới phát phần tiếng Việt, khơi mào bằng chương trình Những bông hoa nhỏ. Vào thứ Bảy, nhà đài phát tuồng cải lương, chương trình được bà con mong đợi nhất.
Không phải nhà nào cũng có điều kiện mua một cái tivi trắng đen chạy bằng bình ắc-quy. Mấy chục nóc nhà mới có một cái tivi. Vào mỗi tối thứ Bảy, cả xóm đốt đuốc, kéo đến nhà có điều kiện sắm tivi, trải chiếu, ngồi chật sân. Hàng chục đôi mắt chăm chăm ngó vô màn hình 14 inch để xem Lệ Thủy, Minh Vương, Bạch Tuyết sắm tuồng. 
Hơi ca của cô Lệ Thủy dài thậm thượt, bà con mê lắm. Chính vì mê giọng ca Lệ Thủy, khi người miền Tây chờ đợi ai, thường càu nhàu: "Mày để tao chờ mút mùa Lệ Thủy". Câu đó có nghĩa trách: Sự chờ đợi dài, lâu, mất thời gian như hơi ca của...Lệ Thủy. 
(Còn tiếp)
Lê Ngọc Dương Cầm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
một giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Miền Tây một thuở xa xôi...