Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, nhiều tỉnh miền Trung đã có mưa lớn vào sáng nay (18.9). Các địa phương trong khu vực chịu ảnh hưởng đang khẩn trương triển khai biện pháp ứng phó nhằm hạn chế tối đa thiệt hại khi áp thấp nhiệt đời hình thành bão tác động trực tiếp vào đất liền.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, vào hồi 10 giờ sáng nay (18.9), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới vào khoảng 16.9 độ vĩ bắc; 113.2 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 190km. Sức gió mạnh nhất cấp 7 (50 - 61km/h), giật cấp 9.
Dự báo trong 3 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây, tốc độ khoảng 10 - 15km/h.
Quảng Bình cấm biển từ 0 giờ ngày 19.9
Trước dự báo áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, UBND tỉnh Quảng Bình đã có công điện chỉ đạo các địa phương, đơn vị tập trung ứng phó.
Theo đó, Quảng Bình cấm biển từ o giờ ngày 19.9 cho đến khi biển an toàn theo thông báo của cơ quan khí tượng thủy văn.
Các đơn vị thuộc lực lượng Bộ đội Biên phòng, Sở NN-PTNT, UBND các huyện, thị xã ven biển… tập trung rà soát, kiểm đếm tàu hàng, tàu cá đang hoạt động trên biển, đặc biệt lưu ý các loại thuyền nan, thuyền nhỏ.
UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các đơn vị chức năng bằng mọi biện pháp, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để không đi vào hoặc thoát ra khu vực nguy hiểm, về nơi tránh trú an toàn.
Chỉ đạo các tổ, đội đánh bắt trên biển duy trì liên lạc và hỗ trợ nhau khi có sự cố, tổ chức, hướng dẫn gia cố và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn về người, tài sản trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản…
Hà Tĩnh có mưa lớn trên diện rộng từ đêm 17.9
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ chiều tối 17.9, trên địa bàn xảy ra một đợt mưa lớn trên diện rộng.
Trước nguy cơ cao xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở các khu vực trũng, thấp, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải đã yêu cầu tổ chức lực lượng trực ban 24/24h tại các cơ quan, đơn vị để chủ động xử lý các tình huống có thể xảy ra, kịp thời báo cáo về UBND tỉnh và Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh.
UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị chức năng tiến hành kiểm tra, rà soát ngay tất cả các vị trí có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt sâu để kịp thời thông báo cho người dân chủ động, phòng tránh có hiệu quả.
Tổ chức rà soát các hộ dân, số điện thoại chủ hộ nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra ngập lũ, lũ quét, sạt lở đất để sẵn sàng liên lạc, ứng cứu nếu có thiên tai xảy ra.
Đối với các công trình hồ chứa (thủy lợi, thủy điện), Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các chủ đập cần theo dõi diễn biến mưa lũ, cân đối nguồn nước và chủ động xả sớm để đón lũ, vừa đảm bảo an toàn công trình, hạn chế đến mức tối đa thiệt hại vùng hạ du.
Quảng Trị ban hành công điện hỏa tốc ứng phó áp thấp nhiệt đới
Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành công điện hỏa tốc yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, giám đốc các sở ngành, thủ trưởng các ban ngành, đoàn thể, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo về diễn biến áp thấp nhiệt đới và các hình thế thời tiết nguy hiểm khác có thể xảy ra trong những ngày tới, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu các huyện ven biển và huyện đảo Cồn Cỏ phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở NN-PTNT, Cảng vụ Hàng hải Quảng Trị tiếp tục hướng dẫn, kiểm đếm, quản lý các tàu thuyền, phương tiện (bao gồm cả tàu du lịch) còn hoạt động trên biển, ven biển chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn. Thông tin, tuyên truyền và có biện pháp đảm bảo an toàn cho khách du lịch trên đảo Cồn Cỏ.
Rà soát, hoàn thiện kịch bản ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão, ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, tập trung bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản của nhân dân, vận hành khoa học, an toàn hồ đập thủy điện, thủy lợi...
Tỉnh Quảng Trị có 2.280 tàu thuyền/5.582 thuyền viên, đến nay đã cơ bản vào neo đậu an toàn tại các bến; có 56 chiếc/406 thuyền viên ngoại tỉnh đã vào bờ tránh áp thấp nhiệt đới.
Đà Nẵng mưa trắng trời, nhiều tuyến phố bị ngập
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ, trong 24 giờ qua, tại TP.Đà Nẵng đã có mưa vừa, có nơi mưa to, mưa rất to và dông, mưa lớn tập trung từ gần sáng 18.9.
Tổng lượng mưa tính từ 7 giờ ngày 17.9 đến 7 giờ ngày 18.9 phổ biến 20 - 60mm, có nơi lớn hơn như Suối Đá 134mm, Chùa Linh ứng 128,2mm, Sơn Trà 80,2mm, Cẩm Lệ 77,4mm…
Dự báo từ nay (18.9) đến trưa 20.9, tại các quận, huyện thuộc thành phố có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Tổng lượng mưa tại thành phố phổ biến 100 - 300mm, có nơi trên 450mm.
Cơ quan khí tượng cảnh báo từ chiều và đêm 20.9, tại TP.Đà Nẵng có mưa, rải rác mưa vừa, có nơi mưa to với lượng mưa phổ biến 10 - 30mm, có nơi trên 50mm.
Đề phòng mưa lớn với cường độ lớn tập trung trong thời gian ngắn, có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại các vùng trũng thấp và đô thị. Trong cơn dông cần đề phòng có sét và gió giật mạnh.
Trong sáng nay (18.9), do mưa lớn, nhiều tuyến đường trung tâm TP.Đà Nẵng ngập sâu, phương tiện đi lại khó khăn. Nhiều tuyến đường khu vực trung tâm thanh phố như Lê Duẩn, Hàm Nghi, Nguyễn Văn Linh, Quang Trung...
Lốc xoáy làm tốc mái 12 căn nhà ở Hà Tĩnh
Sáng 18.9, ông Nguyễn Khắc Phong, Bí thư Đảng ủy xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh cho biết trên địa bàn xã này vừa xảy ra một trận lốc xoáy khiến 12 ngôi nhà và mái che sân bị tốc mái.
Theo đó, trận lốc xoáy xảy ra vào khoảng 1 giờ sáng nay (18.9), tại thôn Nam Sơn, xã Thịnh Lộc khiến mái che sân và mái nhà của 12 hộ gia đình tại thôn này bị hư hỏng nặng. Rất may, vụ việc không gây ra ảnh hưởng về người.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đã nhanh chóng huy động lực lượng rà soát, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả.