Tác phẩm đồ sộ "Sông Đông êm đềm" của nhà văn Nga vĩ đại Mikhail Sholokhov đến nay vẫn còn tranh cãi ai thực sự là tác giả khi trái tim ông đã ngừng đập. Suốt một thời gian dài, giới nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học Nga đã dày công tìm hiểu, mổ xẻ, giải mã “biên niên sử lý tưởng” về một con người. Mà thực tế, số phận của ông cũng chứa chất biết bao điều không thể nào lý giải, đôi khi là nghịch lý…

Mikhail Sholokhov, Sông Đông không luôn êm đềm

09/06/2017, 10:15

Tác phẩm đồ sộ "Sông Đông êm đềm" của nhà văn Nga vĩ đại Mikhail Sholokhov đến nay vẫn còn tranh cãi ai thực sự là tác giả khi trái tim ông đã ngừng đập. Suốt một thời gian dài, giới nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học Nga đã dày công tìm hiểu, mổ xẻ, giải mã “biên niên sử lý tưởng” về một con người. Mà thực tế, số phận của ông cũng chứa chất biết bao điều không thể nào lý giải, đôi khi là nghịch lý…

Nhà văn Mikhail Sholokhov

Thời thơ ấu

Mikhail Sholokhov sinh năm 1905, là con ngoài giá thú của người thợ bình dân Alexander Sholokhov và Anastassia Chernikova, con gái của một nông nô nghèo khổ. Bà ngoại của Mikhail rất tức giận về chuyện này, bèn gả đứng “cô con gái chửa hoang” của mình cho Stefan Kuznetsov, một người côzắc đứng tuổi đã góa vợ. Ông này chấp nhận cưới cô gái đang mang bầu và đứa trẻ sinh ra cũng được lấy họ là Kuznetsov. Ngày bé, Mikhail luôn tưởng rằng mình là người côzắc chính cống. Nhưng chẳng bao lâu sau, ông Stefan Kuznetsov qua đời, bà Anastassia đến chung sống với người tình đầu tiên của mình (là cha ruột của đứa bé) và đổi họ của Mikhail từ Kuznetsov thành Sholokhov.

Dòng họ Sholokhov vốn hình thành từ thế kỷ 15 tại một vùng đất phương Bắc của nước Nga, và đến giữa thế kỷ 19, ông nội của Mikhail là Stepa Sholokhov, một thương nhân không thành đạt, đã đưa gia đình đến định cư ở vùng hạ lưu sông Đông, một khu vực mà phần đông dân cư là người côzắc. Sau này, khi đã trưởng thành, Mikhail Sholokhov, dù biết rằng mình không phải dân côzắc chính gốc, vẫn luôn coi đó là dân tộc “của mình”. Đời sống, sinh hoạt, tập quán và tính cách của người côzắc được thể hiện đậm nét trong các tác phẩm của ông.

Bộ tiểu thuyết vĩ đại "Sông Đông êm đềm" được nhiều thế hệ bạn đọc yêu mến

Kẻ đạo văn?

Nghi án “đạo văn” đeo đuổi Sholokhov suốt cả cuộc đời. Cho đến nay, nhiều người vẫn không thể tin được rằng một chàng trai mới 23 tuổi, học hành chẳng đâu vào đâu, vốn sống cũng không được bao nhiêu, lại có thể viết nên một tác phẩm đồ sộ như Sông Đông êm đềm. Sự im lặng suốt một thời gian dài của nhà văn trẻ (trước những chỉ trích, cáo buộc) càng như dầu đổ thêm vào lửa – ngày càng có nhiều lời lên án Sholokhov đạo văn. Mikhail Sholokhov không bao giờ phủ nhận sự thật rằng mình chỉ mới học hết lớp 4, và ông cũng thường ca ngợi Maxim Gorky, một người chưa qua bất kỳ trường lớp nào vẫn trở thành ngôi sao chói lọi trên bầu trời văn học Nga – Xô viết, khiến cả thế giới phải nghiêng mình kính nể.

Quả cũng thật phi lý: không ai phiền trách Gorky là “thất học”, nhưng lại có rất nhiều người thường mỉa mai rằng Sholokhov là “nhà văn chưa học hết cấp sơ học yếu lược” (!). Tuy nhiên, cũng không ít người ra sức tôn vinh, ủng hộ ông, bằng cách viện dẫn rằng đại thi hào Mikhail Lermontov đã cho ra đời kiệt tác Trận Borodino khi chỉ mới 23 tuổi. Những người chống đối thì đòi hỏi cứ liệu: hãy cho chúng tôi xem bản thảo gốc của Sông Đông êm đềm! Những người ủng hộ: “Ngay cả Boris Pasternak cũng không giữ lại bản thảo Bác sĩ Givago”. Sholokhov “giữ quyền im lặng” suốt nhiều năm trời và rồi vượt qua giông gió, tên tuổi của ông cũng vang đội khắp toàn cầu.

Tạo hình nhân vật Gregori tác phẩm "Sông Đông êm đềm" trên phim

Hơi thở của tử thần

Quả thực, Sholokhov có ý né tránh, không nhắc đến một số sự kiện trong đời mình. Sholokhov gia nhập Hồng quân từ năm 13 tuổi, tham gia nội chiến, đến năm 16 tuổi đã trở thành chính ủy trong một đơn vị hậu cần, phụ trách quân lương. Một lần, toàn bộ đơn vị bị quân phỉ bắt sống. Chính ủy bị đưa đến gặp tướng phỉ Makhno. Sholokhov chắc mẩm mình sẽ bị giết. Nhưng nhìn thấy vẻ non choẹt của chính ủy Hồng quân, lại được nghe đến gốc gác côzắc của anh ta nên Makhno tha chết cho Sholokhov và tha bổng toàn đơn vị, chỉ tước đoạt những cỗ xe chứa đầy lương thảo mà đơn vị này đang vận chuyển.

Theo lời kể của những người chứng kiến, Makhno dọa Sholokhov là sẽ treo cổ nếu bắt được lần nữa. Nhưng bà Svetlana, con gái của Sholokhov, dẫn lại lời cha kể rằng chẳng có chuyện bị bắt làm tù binh gì ráo. Trên đường vận chuyển quân lương, một số người (trong đó có Sholokhov) bị lạc, khi nhìn thấy một ngôi nhà bên đường họ bèn gõ cửa và người ra mở cửa không ai khác mà chính là… tướng phỉ Makhno. Dù ở hai bên chiến tuyến, nhưng sau khi đàm đạo, Makhno cảm mến viên chính ủy trẻ tuổi nên thả cho về đơn vị. Lại có một giai thoại cho rằng Sholokhov (chỉ một mình, chứ không phải toàn đơn vị) bị quân thám báo của Makhno bắt đưa về gặp chủ tướng, rồi đó được tha với những tình tiết tương tự hai giai thoại trên.

Trường hợp khác: Sholokhov được một hào trưởng tặng một con ngựa tốt; thời ấy, những chuyện như thế là bình thường, nhưng sau đó Sholokhov bị cáo buộc là đã nhận hối lộ từ tay “kẻ thù của nông dân” để rồi không trừng phạt tên cường hào nọ, và suýt bị xử bắn. Quả thực, Sholokhov từng bị đưa ra tòa án binh, nhưng với lý do khác – viên chính ủy trẻ bị buộc tội “lộng quyền” vì đã tự ý sửa đổi số liệu (cho sát với thực tế) trong các văn bản tài liệu về tình hình cấp phát quân lương. May mà cha của Sholokhov đã cứu được con thoát bản án tử hình bằng cách hiến cho Hồng quân một số lượng lớn tiền bạc, tài sản và đưa ra trước tòa những bằng chứng (có thể là ngụy tạo) cho thấy khi “phạm tội”, Sholokhov chưa đầy 16 tuổi (độ tuổi thọ hình). Kết quả, Sholokhov chỉ bị phạt một năm tại đơn vị lao công khổ sai (dành cho những quân nhân đang chấp hành những án phạt dưới khung tử hình).

Nhân vật Aksinia nồng nhiệt, sẵn sàng chiến đấu với định kiến để có tình yêu

Tình em - duyên chị

Đầu năm 1923, Sholokhov giải ngũ, lên thủ đô Matxcơva học bổ túc công nông và kiếm sống bằng đủ mọi nghề như bốc vác, thợ nề, phu xe… Những lúc rỗi rãi, anh tập tễnh làm thơ, viết văn, tham gia sinh hoạt sáng tác với những cây bút trẻ thủ đô. Cuối năm 1924, Sholokhov trở về quê nhà để cưới vợ. Anh yêu cô Lidia, con gái thứ của một phú nông trong vùng. Nhưng khi đặt vấn đề hôn nhân, cha cô gái lại khuyên Sholokhov nên cưới cô chị cả là Maria và hứa sẽ giúp anh phát triển công danh sự nghiệp. Sholokhov xiêu lòng, cưới Maria làm vợ (lúc đó cô đang là nhân viên kế toán dưới quyền chú rể tương lai). May mắn sao, đó là cuộc nhân vô cùng hạnh phúc, họ sinh được gốn người con, hai trai hai gái và sống mãn nguyện bên nhau suốt 60 năm trời, cho đến khi xuôi tay nhắm mắt.

Natalia trên phim là mẫu phụ nữ hiền lành, yếu đuối, rất mực thủy chung

Chiếc mũ “phản cách mạng”

Năm 1926, mới 21 tuổi, Sholokhov bắt đầu viết Sông Đông êm đềm. Năm 1928, phần Một của tác phẩm được xuất bản, lập tức bị các nhà văn Xô viết chỉ trích, nhưng lại lại được các phần tử Bạch vệ đang sống lưu vong ở nước ngoài hoan nghênh nhiệt liệt. Sếp của Cục chính trị thuộc Dân ủy nội vụ lúc đó là Henrich Yagoda nói nửa đùa nửa thật với Sholokhov: “Này Mikhail, cậu trở thành phần tử phản cách mạng từ lúc nào thế? Cuốn Sông Đông êm đềm của cậu được đám Bạch vệ rất mê, còn quân ta thì chê”.

Nhưng tác phẩm này lại được Stalin ủng hộ. Về sau, Stalin cũng ủng hộ cả bộ tiểu thuyết Đất vỡ hoang của Sholokhov (tác phẩm viết về phong trào tập thể hóa nông nghiệp ở Liên Xô trong thời kỳ trước Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại). Ông phát biểu: “Chúng ta có chủ trương tập thể hóa nông nghiệp. Có gì là xấu nào? Tại sao lại phải né tránh việc phản ánh phong trào này trong các tác phẩm văn học nghệ thuật?!”. Sau khi được Stalin “bật đèn xanh” bộ sử thi này được ấn hành rộng rãi, tuy nhiên, tựa đề “dữ dội” Bằng máu và nước mắt được đổi thành Đất vỡ hoang cho nó “êm đềm” hơn.

Năm 1965, Sholokhov trở thành nhà văn Xô viết đầu tiên được phép nhận giải thưởng Nobel văn học mà không gặp phải bất cứ sự cản trở nào từ chính quyền Liên Xô. Thực tế, từ năm 1958, khi Ủy ban giải thưởng Nobel lựa chọn nhà văn Xô viết Boris Pasternak để trao giải Văn chương, các nhà lãnh đạo Liên Xô đã đề nghị thay thế Pasternak bằng Sholokhov. Nhưng ủy ban này vẫn nhất quyết bảo lưu quyết định của mình. Về sau, trả lời phỏng vấn một tạp chí uy tín của Pháp, Sholokhov đã tôn vinh Pasternak là một cây bút xuất sắc và phát biểu hoàn toàn thành thật: “Đúng ra, không nên cấm mà phải ấn hành kiệt tác Bác sĩ Givago”. Dưới thời Xô viết, những ý kiến có tính “phản kháng” như thế thường bị trừng phạt nặng nề, nhưng Sholokhov, với uy tín và những cống hiến lớn lao của mình, đã được “bình an vô sự”. Cũng cần nói thêm, toàn bộ tiền thưởng nhận được (từ giải thưởng Nobel và giải thưởng Lenin) Sholokhov đều hiến cho quỹ phát triển trường học; riêng giải thưởng Stalin (được trao trong thời gian diễn ra Chiến tranh Vệ quốc), ông đã gửi tặng các chiến sĩ ngoài tiền tuyến.

Chân dung nhà văn Sholokhov đang làm việc với tác phẩm

“Con cưng” của Stalin

Sholokhov trở thành tác gia kinh điển ngay từ khi còn đang sống. Tên tuổi của ông vượt ra xa bên ngoài biên giới Liên Xô. Người ta gọi ông là “con cưng của Stalin”, nhưng cũng không ít người gọi ông như thế với ý mỉa mai là “kẻ cơ hội”. Quả thực, Stalin rất quý trọng Sholokhov và yêu cầu các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội phải “tạo điều kiện tốt nhất cho Sholokhov làm việc, sáng tác”. Sholokhov là một trong số rất ít người có thể nói thẳng, nói thật với Stalin những suy nghĩ của mình. Trong một số tác phẩm của mình, ông đã không ngần ngại mô tả những nét tính cách đời thường khá dung tục của “lãnh tụ vĩ đại”, hoặc mô tả nạn đói khốc liệt dưới thời Stalin, chẳng hạn “cả trẻ em lẫn người lớn đều phải ăn tất tật những gì kiếm được, từ miếng vỏ dưa ai đó đánh rơi cho đến vỏ cây sồi”.

Có những lời đồn đoán cho rằng Sholokhov sáng tác theo “đơn đặt hàng” hay chí ít là những “gợi ý” của Stalin. Không hề có điều đó! Một lần, trong một bữa tiệc, Stalin chúc Sholokhov viết nên những tác phẩm mà trong đó “thể hiện một cách trung thực và chói lọi những người lính Xô viết anh hùng và những vị tướng lĩnh Liên Xô vĩ đại”, tương tự như từng thể hiện các nhân vật của mình trong hai phần đầu của Sông Đông êm đềm. Nhưng khi phần thứ ba của tác phẩm này ra đời vào đúng dịp sinh nhật thứ 60 của Stalin, không hề có một dòng nào về “lãnh tụ Stalin vĩ đại”, trong khi các nhân vật lịch sử khác như Lenin, Trotsky, Kutuzov… được nhắc đến rất nhiều.

Từ thập niên 1950, Sholokhov dần lánh xa “giới thượng lưu Xô viết”, từ chối chức vụ Tổng thư ký Hội nhà văn Liên Xô, về sống ở quê nhà vùng sông Đông, chuyên tâm sáng tác. Nhưng từ sau khi ông được trao giải thưởng Nobel văn học năm 1965, ông được hưởng rất nhiều ưu đãi, chẳng hạn đi lại giữa thị trấn Veshensk quê hương với Matxcơva đều bằng trực thăng của nhà nước dành riêng cho ông. Năm 1999, bản thảo gốc Sông Đông êm đềm được tìm thấy sau bao năm chiến tranh ly loạn, đã giải tỏa hoàn toàn nghi án “đạo văn” mà người đời từng gán cho Mikhail Sholokhov…

Phạm Bá Thủy

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
một giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mikhail Sholokhov, Sông Đông không luôn êm đềm