Từ việc làm mất chìa khóa nhà, kêu thợ tới mở và phải bấm bụng trả 5 phân vàng tiền công, ông Tống Minh đã học sửa khóa và hành nghề hơn 35 năm qua.

Mở 3 ổ khóa mất 5 phân vàng, người đàn ông tức tối đi học nghề sửa khóa

Thanh Nguyên | 06/12/2020, 07:35

Từ việc làm mất chìa khóa nhà, kêu thợ tới mở và phải bấm bụng trả 5 phân vàng tiền công, ông Tống Minh đã học sửa khóa và hành nghề hơn 35 năm qua.

Trước chiếc bàn gỗ cũ kỹ và tủ kiếng chất đầy chìa, ổ khóa cùng đồ nghề, ông Minh cẩn thận dũa lại chiếc chìa khóa, đưa lên trước mắt so sánh với chìa gốc rồi giao cho khách. Ông mở hộc tủ để 25.000 đồng tiền công vào rồi ngồi dựa ghế rít hơi thuốc dài, kể về cái duyên với nghề sửa khóa và những câu chuyện nghề theo ông suốt một hành trình dài…

3(1).jpg
Chân dung ông lão Tống Minh, người thợ khóa thuộc hàng lâu đời ở đất Tây Đô - Ảnh: Thanh Nguyên

Giận quá hóa sự nghiệp

Năm nay 70 tuổi, ông Minh sở hữu 1 thân thể rắn rỏi, mái tóc dài và bộ râu trắng phau chiếm hết nửa mặt, làm nổi bật khuôn mặt phúc hậu. Chỗ làm việc hiện tại của ông là góc đường 30 tháng 4 và Trần Hoàng Na (P.Hưng Lợi, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ). Ông bảo mấy chục năm trước khi bắt đầu làm nghề trên con đường này, bề ngang nó chỉ chừng 3-4 mét, giờ đã là đường 2 chiều, rộng hơn chục mét.

Gia đình ông Minh vốn theo nghề thợ mộc, đến ông là đời thứ 3. Ông cũng học xong nghề thợ mộc và có tay nghề khá. Nhưng rồi duyên số không chọn nghề nên ông Minh đi học sửa xe máy. Tuy nhiên đến khi mở tiệm sửa xe ông thấy cũng không hợp. Bôn ba đủ thứ nghề mà chưa gắn bó với nghề nào, cuộc đời của ông cứ thế lênh đênh. Cơ duyên để ông đến với nghề sửa khóa cũng rất tình cờ. Đó là 1 ngày hơn 35 năm trước, một lần nhà ông bị mất chìa khóa phải kêu thợ tới sửa.

Ông Minh không nghĩ rằng mình phải trả tiền công cho lần mở khóa đó đến nhiều như vậy, tận 5 phân vàng. Ông móc hầu bao trả mà tức anh ách trong lòng. “Ông đó phải mở 3 lớp ổ khóa mới hết cửa nhà tôi và lấy tiền công 5 phân vàng. Tôi phải trả thôi, thỏa thuận rồi mà. Trả xong mà tức trong bụng. Lỗi mình làm mất chìa khóa rồi phải trả cái giá đúng đắt”, ông Minh kể.

Vậy là ngay hôm đó, người đàn ông này lôi hết ổ khóa trong nhà ra mày mò ngồi mở. Ông vật lộn với đống ổ khóa mấy ngày trời và không thiết tha làm gì khác. Nhờ sự tự học, mày mò từng chút một, ông cũng nắm bí quyết ẩn trong từng ổ khóa. Vậy là ông chính thức có nghề mới - nghề sửa khóa. Ông ra mở tiệm, làm việc có tâm, có uy tín nên được nhiều người biết đến. Rồi ông cảm thấy yêu cái nghề này.

Người ta giận quá thì mất khôn và đôi khi có những hành động nông nổi. Còn đối với ông Minh, lần giận dỗi ấy đưa ông đến với một ngã rẽ mới, một nghề mới và gắn bó phần sau này của cuộc đời ông.

“Thời trước ổ khóa còn đơn giản lắm. Làm chìa cũng không có máy móc gì, chỉ dũa bằng tay. Sau này xã hội phát triển, trộm cắp nhiều hơn, người ta mới làm ra những ổ khóa phức tạp và có máy cắt chìa. Mình phải học, phải cập nhật mới bám nghề được”, ông Minh kể.

Hơn 35 năm làm nghề, ông Minh cho biết bản thân chưa từng sa ngã. Sự sa ngã mà ông muốn nói đến ở đây là lòng tham và sự tỉnh táo trong nghề. Ông nói: “Có nhiều người gọi mình đến mở khóa không phải của nhà họ. Họ âm mưu trộm đồ của nhà đó. Lúc trước tôi gặp trường hợp này nhiều lắm. Để an toàn mình phải hỏi hàng xóm của nhà đó trước, chắc ăn đúng chủ nhà rồi mới mở, còn không phải thì mình từ chối khéo”.

Những lần va vấp như vậy giúp ông biết được trong nghề vẫn còn đâu đó những cạm bẫy, cám dỗ mà bản thân phải tự ý thức. Có những câu chuyện mà ông nhớ mãi và lấy đó làm điều răn cho mình. Đó là vào mấy năm trước, 1 người đàn ông ngoài 30 tuổi đến nhờ ông đến tận nhà mở cửa. Đến nơi, nhìn người đàn ông rồi nhìn ngôi nhà khang trang, ông Minh không khỏi nghi ngờ nhưng cũng không thể “bóc phốt” người này mà không có chứng cứ. Ông mượn cớ quên đồ nghề để đi hỏi thêm hàng xóm xung quanh ngôi nhà. Ông muốn xác định chủ nhà này có thực là người đàn ông kia không.

“Tôi hỏi thăm thì biết người đàn ông kia từng làm thuê cho nhà này rồi bị đuổi. Anh ta biết rõ tình hình của ngôi nhà nên tìm cách quay lại trộm đồ. Tôi lén báo công an và sau đó anh này bị đưa về đồn. Nếu mình lúc đó ham mấy đồng tiền công mở khóa thì coi như là đồng phạm với kẻ trộm rồi. Tệ hại hơn là giả sử lúc mình mở khóa xong thì chủ nhà về, còn người đàn ông đó thì cao chạy xa bay, mình có mười cái miệng cũng không cãi được”, ông Minh nói.

Những nguyên tắc trong nghề

“Những thợ khóa khác không biết thế nào nhưng tôi có những nguyên tắc riêng của mình, tuyệt đối không vi phạm. Thứ nhất là lòng tham, làm nghề tuyệt đối không tham lam. Phía sau cánh cửa tủ, cửa két sắt là tài sản lớn lắm, nếu mình tham lam, trong đầu sẽ dễ bị dẫn dắt những suy nghĩ xấu. Chính vì vậy không được tham lam là điều tiên quyết trong nghề. Thứ hai là chỉ mở khóa khi biết chính xác người kêu mình mở khóa là chủ nhà, hoặc là chủ của tài sản bị khóa. Thứ ba là không vì bất cứ điều gì mà làm sai trái. Cạm bẫy nghề sửa khóa rất nhiều, nếu không kiên định thì rất dễ sa ngã”, ông Minh bày tỏ.

4(1).jpg
Gian hàng đơn giản của thợ sửa khóa Tống Minh - Ảnh: Thanh Nguyên

Thế nhưng thực tế hành nghề của ông Minh cũng gặp rất nhiều chuyện oái ăm. Ông kể: “Người kêu mình tới mở cửa xác định đúng là chủ nhà đó rồi, nhưng câu chuyện thực chất không phải vậy. Đó có thể là vợ nhờ mở khóa két sắt để lấy tài sản của chồng, hoặc con nhờ mở tủ để lấy tiền vàng của cha mẹ. Vì vậy, tất cả các trường hợp mình cần tỉnh táo quan sát, khi nghi ngờ thì phải tìm hiểu, không giải đáp thắc mắc thì mình phải từ chối khéo.

Tôi chỉ mở tủ, két sắt khi có đủ thành viên trong gia đình. Và khi cánh cửa đã được phá, người mở cánh cửa đó phải là chủ nhà. Ngoài ra người dưới 18 tuổi kêu tôi đi mở khóa, tôi phải xác nhận có cha mẹ ở nhà không. Quá trình làm việc, tôi cũng học hỏi được một số mẹo, chỉ cần hỏi một số câu là mình có thể biết người kêu mở khóa có thật sự là chủ nhà hay không”.

Ông Minh kể có nhiều người lạ mặt từng đến tiệm ông trả giá cao nhờ làm chìa khóa vạn năng. Nhưng ông biết rõ mục đích của họ nên từ chối ngay. Hay có những kẻ trộm xe máy người khác rồi dẫn đến nhờ ông làm chìa khóa mới, nhìn thái độ, nhìn ổ khóa xe, nếu nghi ngờ, ông cũng từ chối. “Tôi chỉ biết từ chối chứ không thể báo công an hay làm gì được vì không có chứng cứ. Hơn nữa tôi làm việc công khai như vậy, nếu đụng chạm thì cũng khó sống”, ông lão chia sẻ.

Đối với việc lựa chọn đệ tử để dạy nghề, ông Minh cũng có những nguyên tắc riêng. Ông chỉ chọn người trên 30 tuổi vì cho rằng qua độ tuổi này người ta đã chín chắn, không dễ bị sa ngã. Ngoài ra, ông phải biết chính xác gia cảnh và tính tình của người đó. Ông Minh cũng ưu tiên dạy nghề cho những người khuyết tật. Ông bảo rằng những người khuyết tật lương thiện và ít khả năng sa ngã, phạm tội.

Có một câu chuyện vui mà ông lão này đúc kết, xem như là kinh nghiệm sau nhiều năm làm nghề, rằng khi mở ổ khóa cho khách thì không nên mở quá nhanh. Thà làm chậm nhưng chủ nhà họ thích thì vẫn hay hơn. Ông cười rồi kể: “Có mấy ổ khóa đơn giản, mình chỉ mất vài giây là mở được. Nhưng mở nhanh quá thì chủ nhà họ ngại, không muốn trả tiền. Họ sẽ nghĩ dễ như vậy mà lấy giá đó là mắc. Suy nghĩ này cũng giống tôi hồi xưa. Họ đâu biết rằng để mở nhanh được như vậy, chúng tôi phải học và rút kinh nghiệm trong hàng chục năm trời”.

Ông Minh chia sẻ rằng nghề sửa khóa tuy không giàu nhưng cũng không khiến ông phải thiếu thốn. Còn sức khỏe, ông còn làm, còn đóng góp cho đời một công việc thầm lặng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
1 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mở 3 ổ khóa mất 5 phân vàng, người đàn ông tức tối đi học nghề sửa khóa