Mô hình lúa – tôm sú ở xã Trí Lực, huyện Thới Bình (Cà Mau) vừa được tổ chức Aquaculture Stewardship Council (Hội đồng quản lý Nuôi trồng thủy sản) cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế (chứng nhận ASC) về tôm sạch.

Mô hình lúa – tôm sú đạt chứng nhận ASC đầu tiên của Việt Nam

Trần Khải | 27/10/2022, 18:01

Mô hình lúa – tôm sú ở xã Trí Lực, huyện Thới Bình (Cà Mau) vừa được tổ chức Aquaculture Stewardship Council (Hội đồng quản lý Nuôi trồng thủy sản) cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế (chứng nhận ASC) về tôm sạch.

Ngày 27.10, Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) cùng UBND huyện Thới Bình phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức hội nghị tổng kết và chia sẻ mô hình tôm sú – lúa đạt chứng nhận ASC tại xã Trí Lực.

Theo đó, chứng nhận ASC là sự xác nhận cấp quốc tế đối với thủy sản nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tối đa tác động xấu lên môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và đảm bảo tốt các quy định về lao động. Đây là mô hình đầu tiên của Việt Nam đạt chứng nhận ASC.

1(2).jpg
Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau tham quan mô hình tôm lúa đạt chứng nhận ASC tại xã Trí Lực, huyện Thới Bình

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Bạo, Phó chủ tịch UBND huyện Thới Bình, nhấn mạnh: “Trong những năm qua, huyện Thới Bình đã đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Qua triển khai, hiện trên địa bàn huyện có 2 mô hình lúa tôm nổi bật. Cụ thể là mô hình xen canh lúa – tôm sú và mô hình xen canh lúa – tôm càng xanh. Đây là mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Theo ông Bạo, xã Trí Lực là một trong những đơn vị của huyện có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển mô hình lúa tôm. Địa phương quan tâm, thường xuyên chỉ đạo thực hiện nhiều mô hình về lúa sạch, lúa hữu cơ và nuôi tôm theo hướng VietGap trên địa bàn. Từ đó, giúp cho các sản phẩm nông nghiệp của nông dân được nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Huyện đã mời gọi, tạo điều kiện thuận lợi để các công ty, doanh nghiệp tham gia liên kết vào chuỗi giá trị lúa tôm trên tại địa phương.

“Qua mời gọi, hiện huyện Thới Bình có Công ty TNHH xã hội chuỗi tôm rừng Minh Phú phối hợp với Trung tâm MCD tham gia xây dựng vùng nuôi tôm Minh Phú trên địa bàn huyện Thới Bình đạt chứng nhận nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm ASC tại xã Trí Lực. Với nhiều nỗ lực của các đơn vị có liên quan nên mô hình lúa – tôm sú trên địa bàn xã Trí Lực được Hội đồng quản lý Nuôi trồng thủy sản cấp chứng nhận toàn cầu về nuôi trồng thủy sản bền vững và sản xuất có trách nhiệm ASC cho 252 hộ nuôi với diện tích hơn 557ha trên địa bàn xã Trí Lực.

Lợi ích lớn nhất khi được chứng nhận ASC chính là giải quyết vấn đề về nuôi tôm bền vững đối với việc nuôi nhỏ lẻ, giảm thiểu tác động tiêu cực của môi trường và đảm bảo lợi ích xã hội. Góp phần làm thay đổi thói quen sản xuất, cách suy nghĩ của người nuôi và doanh nghiệp về nuôi tôm bền vững. Hướng đến mục tiêu cao nhất là phát triển bền vững 4 trụ cột về môi trường – xã hội, an sinh, động vật và an toàn thực phẩm. Đây là điều kiện thuận lợi để quảng bá hình ảnh con tôm Cà Mau nói chung, huyện Thới Bình nói riêng ra thị trường thế giới, nhất là các thị trường khó tính như châu Âu”, ông Bạo chia sẻ.

2(1).jpg
Mô hình tôm sú - lúa ở xã Trí Lực, huyện Thới Bình (Cà Mau) là mô hình đạt chứng nhận ASC đầu tiên của Việt Nam

Bước đầu, UBND huyện Thới Bình đã có những chính sách khuyến khích mở rộng mô hình và định hướng sản xuất tôm lúa trên địa bàn. Chú trọng phát triển và hướng đến nhân rộng ra nhiều xã khác trong thời gian tới.

Ông Lâm Thái Xuyên, Giám đốc Công ty TNHH xã hội chuỗi tôm rừng Minh Phú, cho biết: “Chứng nhận ASC đối với mô hình tôm sú – lúa ở xã Trí Lực, huyện Thới Bình là chứng nhận đầu tiên của Việt Nam. Chúng ta hoàn toàn có thể tự hào rằng, ở vùng đất cuối cùng cực nam của tổ quốc có một vùng nuôi thủy sản đạt được chứng nhận ASC. Đây là mô hình rất được thế giới quan tâm”.

Tại hội nghị, bà Thân Thị Hiền, Phó giám đốc MCD đánh giá cao sự hợp tác của các đối tác tại tỉnh Cà Mau và các thành viên của hợp tác xã Trí Lực để mô hình tôm lúa có những thành công đến thời điểm hiện tại. “Thông qua việc vận hành mô hình tôm lúa đã thể hiện được sự quan tâm của cộng đồng về vai trò của người phụ nữ và chia sẻ trách nhiệm công việc trong gia đình và sản xuất kinh doanh. MCD mong muốn tiếp tục kết nối các đối tác và nguồn lực, công nghệ để những sáng kiến sinh kế thích ứng do phụ nữ làm chủ ngày càng được ủng hộ để nhân rộng”, bà Hiền phát biểu.       

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với trung tâm quốc gia về an ninh mạng Ba Lan
một giờ trước Theo dòng thời sự
Chiều tối 17.1 (giờ địa phương), trong chương trình thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc gia về an ninh mạng của Ba Lan (NASK) - trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển internet, chuyển đổi số, an ninh mạng và bảo mật thông tin của Ba Lan.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mô hình lúa – tôm sú đạt chứng nhận ASC đầu tiên của Việt Nam