Tọa đàm Câu chuyện thuần phong mỹ tục và luật Xuất bản đã diễn ra sôi nổi tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, TP.HCM sáng qua 25.9 trong bối cảnh gần đây một số sách bị thu hồi vì 'vi phạm thuần phong mỹ tục', lại có cuốn dư luận cho rằng 'có vấn đề' thì được phát hành.
Mơ hồ chuyện... 'vi phạm thuần phong mỹ tục'
bai cao|26/09/2016, 08:00
Tọa đàm Câu chuyện thuần phong mỹ tục và luật Xuất bản đã diễn ra sôi nổi tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, TP.HCM sáng qua 25.9 trong bối cảnh gần đây một số sách bị thu hồi vì 'vi phạm thuần phong mỹ tục', lại có cuốn dư luận cho rằng 'có vấn đề' thì được phát hành.
Chuyện “Thúy Kiều khỏa thân” trên bìa cuốn sách Truyện Thúy Kiều (do Nhã Nam xuất bản vào năm ngoái nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh thi hào Nguyễn Du) đã được nhắc đến trong buổi tọa đàm có sự tham gia của Phó cục trưởng Cục Xuất bản Nguyễn Ngọc Bảo. Hình bìa vẽ Thúy Kiều đang tắm này hoàn toàn khác lạ so với bìa các ấn phẩm về Kiều trước đây, nên ngay khi được công bố đã lập tức gây xôn xao mạng xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng hình bìa này “dung tục”, “đi ngược thuần phong mỹ tục VN”, “không xứng tầm kiệt tác văn học của dân tộc”. Đây là tác phẩm của danh họa Lê Văn Đệ - họa sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương, in trong Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du xuất bản năm 1942, được họa sĩ Tạ Quốc Kỳ Nam thiết kế lại. Cục Xuất bản khi đó đã phải vào cuộc bằng cách thành lập Hội đồng thẩm định để lấy ý kiến về bìa sách. Kết quả: sách vẫn phát hành theo kế hoạch. Nhắc lại chuyện này, ông Bảo cho biết không dễ dàng gì trong việc dùng hình thức cứng (luật) để điều chỉnh các vấn đề mềm (thế nào là vi phạm thuần phong mỹ tục, mức độ vi phạm thế nào thì thu hồi chỉnh sửa hay cấm).
Trong luật Xuất bản năm 2012, phần liên quan đến “thuần phong mỹ tục” chỉ được quy định rất ngắn gọn trong chương I, điều 10 về Những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động xuất bản (cấm “tuyên truyền kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục”). Thế nên hiểu thế nào là “phá hoại thuần phong mỹ tục” luôn khiến người sáng tác và người làm sách băn khoăn.
Còn nhớ năm 2010, sau khi báo chí đưa tin về buổi ra mắt Sợi xích của ca sĩ Lê Kiều Như, Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã đề nghị đơn vị liên kết thực hiện sách là Công ty Youbooks tạm ngưng phát hành tiểu thuyết này, vì nhận những phản hồi rằng cuốn sách “phản cảm”, “dâm thư”, “vi phạm thuần phong mỹ tục” từ dư luận. Hay khi Sát thủ đầu mưng mủ (tác giả Thành Phong, Nhã Nam và NXB Mỹ thuật ấn hành) được tung ra năm 2011, quyển sách tranh này đã làm dấy lên tranh cãi với nhiều ý kiến trái chiều. Có người cho rằng nó làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt, vi phạm thuần phong mỹ tục; nhưng cũng có nhiều bạn đọc cho rằng quyển sách này rất hài hước, phản ánh đúng ngôn ngữ của giới trẻ lúc bấy giờ. Cuối cùng, sau khi bị tạm ngưng phát hành và thu hồi, sách đã được chỉnh sửa, bổ sung và được phát hành trở lại với tên Phê như con tê tê.
Soi” kỹ thì... truyện Kiều, cổ tích cũng vi phạm
“Trong xử lý những vi phạm liên quan đến thuần phong mỹ tục, tuy mạng xã hội hay dư luận là kênh giúp nhà xuất bản, cơ quan quản lý có những nhìn nhận đa chiều, nhưng nguyên tắc xử lý phải dựa trên căn cứ thực tiễn lẫn pháp luật”, ông Bảo cho biết. Theo ông, nếu cứ xét theo kiểu phân tích của cộng đồng mạng trong thời gian gần đây thì các chuyện cổ tích VN như Tấm Cám, Sọ dừa, Thạch Sanh… đều có bạo lực. TS Quách Thu Nguyệt, Hội Xuất bản VN (nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ) cũng cho rằng ngay cả Truyện Kiều, nếu bị cộng đồng mạng mang ra mổ xẻ từng li từng tí thì tác phẩm này không tránh khỏi bị cho rằng“vi phạm thuần phong mỹ tục”.
Từ góc độ quản lý, ông Bảo cho rằng: “Với những chuyện cổ tích mà giá trị nhất định của nó đã được định hình và lưu truyền bao đời nay, có sửa chữa cũng bị lên án, mà không chỉnh sửa khi đưa vào sách cũng sẽ bị lên án. Mỗi một địa phương có những dị bản khác nhau, mỗi nhà xuất bản có những ấn phẩm khác nhau, nên khi cấp phép, chúng tôi sẽ xem xét dị bản nào phù hợp nhất sẽ cho xuất bản. Còn lại, những tác phẩm bị phản ánh sai phạm, thì sai phạm khâu nào sẽ xử lý khâu đó”.
Một vấn đề khác khá thú vị được đặt ra tại buổi tọa đàm: trong khi những tác phẩm trong nước bị cho rằng vi phạm thuần phong mỹ tục VN (như Sợi xích) thì bị thu hồi, còn các tác phẩm nước ngoài có những trang viết liên quan tới tình dục khá mạnh (như 50 sắc thái, Lolita...) thì vẫn được phổ biến, vậy có phải là không công bằng? Ông Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng so với bản gốc, những tác phẩm này, cụ thể như 50 sắc thái, đã được biên tập “nhẹ” đi nhiều, nên vẫn được phép xuất bản.
Từ những trường hợp cụ thể trên, nhiều bạn đọc và người sáng tác đã đặt vấn đề rằng nên đặt hẳn ngưỡng nào để người sáng tác, người làm sách nhận biết được thế nào là vi phạm “thuần phong mỹ tục”, nhất là trong thời đại hội nhập mạnh mẽ như hiện nay, để tránh những thiệt hại về tinh thần, vật chất trong trường hợp sách bị thu hồi. “Liên quan đến thuần phong mỹ tục, dù luật Xuất bản có quy định nhưng không cụ thể. Vì thế, tuy tác giả có quyền sáng tạo nhưng người làm công tác xuất bản phải tự thẩm định. Mỗi nhà xuất bản có những quan điểm, cảm nhận riêng, nên thế nào là vi phạm thuần phong mỹ tục cũng là chuyện... khó nói lắm”, bà Huỳnh Thị Xuân Hạnh, Giám đốc Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ cho biết.
Trước mong muốn cần cụ thể hóa mức độ vi phạm thuần phong mỹ tục trong xuất bản ở các văn bản pháp luật, ông Nguyễn Ngọc Bảo cho biết: “Càng lượng hóa càng thấy bất cập vì chúng ta không thể định hình được, mà phải tùy theo từng vấn đề trong từng tác phẩm tại từng thời điểm để xử lý”.
Một số người làm sách cho rằng Cục Xuất bản nên công bố rộng rãi kết luận sai phạm của những cuốn sách để người làm nghề rút kinh nghiệm từ những trường hợp cụ thể, khỏi phải làm đến đâu mò mẫm đến đó như hiện nay. “Vấn đề công bố những sai phạm cụ thể trong các trường hợp vi phạm, chúng tôi đang cân nhắc”, ông Bảo nói.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Elon Musk (Giám đốc điều hành Tesla và SpaceX) đã nhắm vào Jeff Bezos (nhà sáng lập Amazon) một lần nữa, khơi lại mối bất hòa giữa hai tỷ phú giàu nhất thế giới.
Đài CNN cho biết Trump Media & Technology - tập đoàn quản lý mạng xã hội Truth Social của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump - dường như chuẩn bị lấn sân sang lĩnh vực tiền ảo.
Chiều 22.11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về việc điều động, phân công, bổ nhiệm Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải giữ chức Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Liệu pháp gương (Mirror Therapy - MT) là một trong những phương pháp triển vọng giúp cải thiện khả năng phục hồi cảm giác và vận động cho bệnh nhân đột quỵ.
Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) thông báo cung ứng thêm hơn 650.000 ghế, tương đương hơn 3.000 chuyến bay trên các chặng bay nội địa Việt Nam dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.