Coca-Cola trong chiến dịch quảng cáo mới đã dùng cụm từ “Mở lon Việt Nam”. Slogan này có lẽ không được mấy ai chú ý nếu không có sự việc Cục Văn hoá cơ sở (Bộ VH-TT-DL) ra công văn chấn chỉnh hoạt động quảng cáo không rõ nội dung của doanh nghiệp...
Hiện cụm từ khoá "mở lon Việt Nam" trên Google đã đạt số lượng tìm kiếm là 355.000.000 trong 0,41 giây. Trên PLO tối 1.7, một bạn đọc là giám đốc doanh nghiệp cho biết, ông không tán thành slogan đó của Coca-Cola vì nó "không phù hợp, nếu không muốn nói là cảm thấy khó chịu" khi gắn từ “lon” trước 2 từ “Việt Nam”.
Ông lý giải rằng từ xưa đến nay khi nghĩ đến từ “lon”, người ta nghĩ ngay đến lon sữa, lon nước ngọt, còn Việt Nam vốn dĩ là tên của một quốc gia, mà tên gọi một quốc gia thì không thể sử dụng một cách tùy tiện.
Nhìn nhận ở góc độ hoạt động marketing và quảng bá sản phẩm, ông nhận thấy thời gian gần đây nhiều doanh nghiệp, nhãn hàng đã sử dụng những đoạn phim quảng cáo hoặc khẩu hiệu gây sốc, thậm chí gây phản cảm đối với người nghe và người xem.
Một mặt có thể là sự vô ý, nhưng mặt khác có doanh nghiệp đang cố tình dùng thủ thuật truyền thông nhằm gây sự chú ý của báo chí, mạng xã hội… đặc biệt là của người tiêu dùng dù là ở góc độ tích cực hay tiêu cực.
Nói riêng về chiến lược quảng cáo mới của Coca-Cola, giám đốc này nghĩ rằng nhãn hàng ngoại quốc này đủ thông minh để biết cụm từ trên sẽ gây ra những phản ứng trái chiều.
Trên thực tế thì khi cụm từ nói trên được đưa ra đã thật sự gây nên làn sóng tranh cãi lớn, Cục Văn hóa cơ sở cũng đã có phản ứng rất mạnh mẽ trước slogan “Mở lon Việt Nam”.
Điều này cho thấy Coca-Cola dù vô tình hay cố ý thì họ cũng đã đạt được những kết quả mong muốn khi đưa ra một slogan không rõ nghĩa mà lại được dư luận chú ý đến rất nhiều..., độc giả này nhận định.
Dù không tán đồng chiến lược quảng bá trên của Coca-Cola nhưng giám đốc này vẫn cho rằng, việc giải thích của Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở khi thêm dấu thêm mũ rồi cho rằng slogan đó phản cảm, mất thuần phong mỹ tục là không nên.
Bởi vì đó "chỉ là suy diễn cá nhân của Cục trưởng". Thay vào đó, "Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở hãy cứ gọi thẳng tên rằng câu từ quảng cáo tối nghĩa, không rõ ràng để yêu cầu Coca-Cola chỉnh sửa lại cho rõ hơn; không việc gì phải thêm dấu thêm mũ vào chữ lon rồi vô tình lại bị mắc bẫy".
Và đó là "một cái bẫy rất đau", độc giả kết luận.
Coca-Cola đổi slogan chỉ trong "một nốt nhạc"
Ngay sau khi nhận được công văn từ Cục Văn hoá cơ sở vào ngày 22.6, Coca-Cola Việt Nam đã nhanh chóng thay đổi cụm từ “Mở lon Việt Nam” thành “Cơ hội trúng vàng mỗi ngày” cho chương trình khuyến mãi sản phẩm của hãng trên truyền hình và các phương tiện quảng cáo khác, "nhanh chóng làm việc cùng các bộ phận liên quan để có sự điều chỉnh phù hợp, nhanh chóng, đảm bảo tính tuân thủ cao trong các nội dung quảng cáo sản phẩm của mình".
Phía công ty giải thích rằng, chương trình khuyến mãi với thông điệp ban đầu được thiết kế chỉ nhằm đưa ra hướng dẫn cụ thể về cách thức xem mã khuyến mại dưới nắp khoén sản phẩm Coca-Cola và đã không xét đến các yếu tố ngữ văn khác trong cụm từ...
Như vậy thì xem ra mục đích muốn người tiêu dùng xem khuyến mại dưới nắp khoén lon Coca-Cola đã thành công, vì slogan được thay sau đó đã "vô tình" làm rõ nội dung của slogan ban đầu. Chứ nếu để slogan "Cơ hội trúng vàng mỗi ngày" ngay từ đầu thì chẳng người tiêu dùng nào để ý vì nó na ná các chương trình khuyến mại của nhiều hãng hàng khác.
Chiến lược này của Coca-Cola hoàn toàn có thể trở thành một "case study" tiếp theo trong ngành marketing.
Tạo trend, hút quảng cáo từ sự vô lý
Xét về mặt ngôn ngữ, cụm từ "mở lon Việt Nam" trong tiếng Việt nghe rất không hợp lý. Vì như đã phân tích, khi nói đến lon, người Việt thường nghĩ ngay đến "lon sữa", "lon nước ngọt" hay "lon bia" chứ không ai lại gắn cái địa danh hay cái tên người vào, nó sẽ trở thành... bất hợp lý ngay. Nhưng chính nhờ sự bất hợp lý của cụm từ đó, dựa theo bản năng ngôn ngữ của người Việt, đã giúp Coca-Cola tạo ra từ khoá mới.
Thực ra, việc gây ra sự bất hợp lý trong quảng cáo để tạo trend không có gì là lạ. Một ví dụ điển hình ở Việt Nam là chiến dịch quảng cáo thành công ngoài mong đợi của Biti s với nhãn hàng Biti s Hunter.
Tại một diễn đàn kinh doanh của Forbes Việt Nam, người phụ trách chiến lược marketing năm đó của Biti s cho biết đã tận dụng sự bất hợp lý trong một MV cổ trang mới của Sơn Tùng M-TP đi kèm là đôi giày Biti s Hunter kiểu dáng hiện đại để tạo "hạt sạn", thu hút sự chú ý bàn luận của giới trẻ trên mạng xã hội, báo chí... cùng một số yếu tố khác. Chiến dịch lần đó đã đưa nhãn hàng này trở lại với người tiêu dùng Việt một cách... huy hoàng.
Anh Thư