Bình quân mỗi ngày, tổng nhu cầu oxy cho y tế các tỉnh phía nam khoảng trên 400 tấn.

Mỗi ngày, ngành y tế phía nam cần hơn 400 tấn oxy

Tuyết Nhung | 28/12/2021, 17:09

Bình quân mỗi ngày, tổng nhu cầu oxy cho y tế các tỉnh phía nam khoảng trên 400 tấn.

Hiện nay, tại các cơ sở y tế các tỉnh phía nam, đặc biệt là các vùng Tây Nam Bộ và TP.HCM đang gặp khó khăn về nguồn cung oxy so với giai đoạn trước đây. Theo số liệu thống kê sơ bộ, bình quân mỗi ngày tổng nhu cầu oxy cho y tế các tỉnh phía nam khoảng trên 400 tấn. Trong đó, nhu cầu tại TP.HCM trên 100 tấn, các tỉnh khác mỗi tỉnh khoảng 50 tấn.

Trong điều kiện bình thường, oxy chủ yếu được sử dụng cho ngành công nghiệp. Thời điểm trước tháng 11.2021, do tác động của dịch COVID-19, khi sản xuất công nghiệp tạm thời chững lại, nhu cầu oxy cho công nghiệp thấp, các cơ sở sản xuất, cung ứng có thể đảm bảo lượng oxy cấp cho y tế.

Tuy nhiên, khi nền kinh tế vận hành trở lại trong lúc dịch bệnh có diễn biến lan rộng, phức tạp, thì nhu cầu oxy cho điều trị tăng nhanh đột biến. Áp lực việc sản xuất, kinh doanh theo các đơn hàng, hợp đồng kinh tế đã ràng buộc và hạn chế việc cung ứng oxy cho y tế. Đây cũng là khó khăn lớn cho các đơn vị sản xuất, cung ứng và sử dụng oxy.

Trước tình hình này, Bộ Công Thương cho biết đã chỉ đạo rà soát, cung cấp đầy đủ số liệu về sản xuất, cung ứng oxy theo đề nghị của Bộ Y tế để cập nhật trong phần mềm và công tác điều phối của Bộ Y tế và Tổ oxy. Bộ cũng có các văn bản chỉ đạo điều hành đến Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong việc cung ứng điện phục vụ sản xuất, hỗ trợ xử lý khó khăn.

Các nhà sản xuất công nghiệp, thực phẩm…, đặc biệt là các đơn vị sản xuất thép tại khu vực miền Nam, Tây Nam Bộ giảm sản lượng tiêu thụ oxy, chia sẻ với ngành y tế vì mục đích nhân đạo, có giải pháp phù hợp để có thể tăng sản lượng khí oxy y tế, phục vụ công tác cứu chữa bệnh nhân COVID-19. Đồng thời, cơ quan này cũng đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường kiểm soát chặt chẽ, không để tình trạng găm hàng, nâng giá, ép giá đối với mặt hàng oxy lỏng.

Theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, hiện các đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã cam kết dừng toàn bộ việc cung cấp oxy lỏng cho các lĩnh vực khác để cung cấp cho y tế cho các tỉnh miền Tây Nam Bộ và TP.HCM với sản lượng 115 tấn/ngày. Ngày 28.12.2021 có khoảng 50 tấn từ miền Bắc được vận chuyển, chi viện tới TP.HCM để phân phối cho các bệnh viện.

"Bộ Công Thương mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành chia sẻ, ưu tiên cung ứng tối đa oxy cho mục đích y tế để đảm bảo hướng tới mục tiêu cung ứng 500 tấn/ngày và sẽ điều tiết trong suốt quá trình", lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho biết việc vận chuyển giữa các vùng, miền chỉ là một trong các giải pháp tạm thời, đảm bảo chia sẻ, luân chuyển trong điều kiện thiếu oxy cục bộ nhưng vẫn phải đảm bảo nhanh, an toàn, hỗ trợ điều trị cứu sống nhiều bệnh nhân. Tuy nhiên vẫn cần tính đến duy trì trong suốt quá trình chống dịch, kể cả việc vận chuyển theo chiều ngược lại.

Về lâu dài, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các địa phương để nắm bắt sát hơn nhu cầu sử dụng, thống nhất, chủ động giải pháp đảm bảo nguồn cung oxy cho các cơ sở y tế; chỉ đạo, hỗ trợ các đơn vị sản xuất sớm đưa các dự án đang xây dựng vào hoạt động, xây dựng phương án đẩy mạnh sản xuất tối đa oxy y tế theo công suất cho phép, xây dựng điều tiết phương án vận chuyển hợp lý trong và các địa phương lân cận.

Mới đây, công điện của Chính phủ do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ký, nêu rõ tình hình dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca nhiễm, ca chuyển nặng, ca tử vong có xu hướng tăng. Đặc biệt, những ngày gần đây, tại TP.HCM và một số địa phương phía nam gặp khó khăn trong đảm bảo oxy phục vụ công tác điều trị.

Do đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế, các bộ ngành và địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, không để tình trạng quá tải y tế trên diện rộng.

Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có giải pháp cụ thể để bảo đảm nguồn oxy phục vụ công tác điều trị trong các tình huống. Trước mắt, chỉ đạo giải quyết ngay đối với địa bàn TP.HCM và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Bài liên quan
Ca COVID-19 tăng cao khi siêu bão Ida ập đến, nhiều bệnh viện ở Mỹ có nguy cơ cạn kiệt oxy
Một số bệnh viện phía nam nước Mỹ có lượng oxy dự trữ chưa đến 24 giờ khi ca mắc COVID-19 tăng lên và cơn bão Ida tiến vào đất liền.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
6 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỗi ngày, ngành y tế phía nam cần hơn 400 tấn oxy