Thứ trưởng Bộ KH-ĐT cho biết các tập đoàn, quỹ đầu tư quốc tế cho nếu thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam được nâng hạng thì dòng vốn vào Việt Nam tăng lên rất nhiều.
Khẩn trương hoàng thành nâng hạng TTCK
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2024, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cho hay năm 2024, còn nhiều khó khăn thách thức hơn so với năm 2023. Theo đó, việc huy động vốn thông qua TTCK được xác định là một trong những kênh quan trọng.
Bộ KH-ĐT kiến nghị khẩn trương hoàn thành nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
“Thời gian gần đây, khi tiếp xúc với các tập đoàn, quỹ đầu tư quốc tế, họ đều bày tỏ nếu TTCK Việt Nam được nâng hạng thì dòng vốn vào Việt Nam sẽ tăng lên rất nhiều”, bà Ngọc nói.
Tiếp theo, Thứ trưởng Ngọc cho rằng Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán cần khẩn trương ban hành kế hoạch hành động để triển khai chiến lược phát triển TTCK năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 29.12.
“Kế hoạch này được xây dựng sớm, ban hành sớm sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng để tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả, không bị chồng chéo”, bà Ngọc nói.
Bà Ngọc cũng nhấn mạnh cần phải chuyên nghiệp hơn nữa hoạt động của TTCK. Hiện nay, TTCK chủ yếu là các nhà đầu tư cá nhân và một số quỹ, thiếu vắng các công ty đầu tư chuyên nghiệp.
“Luật Chứng khoán ban hành rồi nhưng cho đến nay các công ty đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hầu như chưa được thành lập. Đã đến lúc cần phải đánh giá, rà soát vì sao Luật Chứng khoán đã quy định như vậy nhưng các công ty, các nhà đầu tư không mặn mà trong việc thành lập nhà đầu tư chuyên nghiệp, công ty đầu tư chuyên nghiệp”, Thứ trưởng Ngọc nêu.
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT cũng nhấn mạnh, việc tăng hàng hóa có chất lượng để huy động thêm nguồn lực tạo sản phẩm mới cho TTCK đóng vai trò rất quan trọng. Trong đó, cần chú trọng đến tài chính xanh và phát triển bền vững. Nội dung này gần đây được các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ, các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm.
Bộ KH-ĐT cũng kiến nghị khẩn trương cho phép các DN FDI có điều kiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán được niêm yết trên sàn chứng khoán.
“Lãnh đạo Chính phủ đã nhận được rất nhiều văn bản của các DN có vốn đầu tư nước ngoài đề nghị sớm triển khai nội dung này vì Luật Chứng khoán năm 2019 đã có hiệu lực từ ngày 1.1.2021. Ngoài ra, cần phải xem xét để phân biệt điều kiện về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các DN niêm yết để có thể có một số điều kiện mở hơn so với các DN không niêm yết”, bà Ngọc nói.
Lãnh đạo Bộ KH-ĐT cũng kiến nghị cần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, công tác kiểm tra, giám sát và đặc biệt là công tác cảnh báo sớm, tránh những việc kéo dài dẫn đến hệ lụy không tốt cho TTCK. Để làm được việc này, vai trò của hệ thống dữ liệu rất quan trọng.
Tăng quy mô thị trường
Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Quân đội MB cũng đề nghị tăng quy mô của thị trường. Hiện nay, quy mô của TTCK chiếm khoảng 56 - 58% GDP các nước đang phát triển.
“Tôi thấy chỉ số lên trung bình từ 50 - 80%, vì vậy chúng ta ở mức khá. Vấn đề đầu tiên là tăng được quy mô của thị trường”, ông Thái nói.
Vấn đề tiếp theo là cần tăng số lượng hàng hóa cũng như tăng số lượng và chất lượng các DN tham gia niêm yết; tăng khả năng tiếp cận vốn cho các DN tốt trên thị trường bằng cách phân loại và xếp hạng độc lập các DN niêm yết theo các tiêu chí ngành, hiệu quả hoạt động, để tăng sức mạnh thương hiệu, thị phần trong ngành; minh bạch thông tin, thúc đẩy các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp tiềm năng tham gia TTCK.
Ngoài ra, áp dụng các chuẩn mực quốc tế và thông lệ quốc tế (ví dụ OECD) cho các DN niêm yết để giúp các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn thông qua thị trường tốt hơn.
Ông Thái cũng kiến nghị tiến tới nâng hạng thị trường. Theo đó, chất lượng hàng hóa trong thị trường là quan trọng. Khi chất lượng thị trường tốt, giá trị cao thì nhà đầu tư nước ngoài đến đây để tìm kiếm lợi nhuận, tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Việt Nam.
Tham tán công sứ Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam khuyến nghị đa dạng hóa cổ phiếu niêm yết trên HOSE bằng cách chuyển sàn các cổ phiếu UPCOM, 50% vốn hóa ở đó thuộc ngành hàng hóa và dịch vụ công nghiệp, thực phẩm và đồ uống. Hiện tại, ngành ngân hàng và bất động sản đang chiếm phần lớn vốn hóa của sàn HOSE.
Ngoài ra, nới lỏng giới hạn sở hữu nước ngoài để tăng nguồn cung cổ phiếu cho các nhà đầu tư nước ngoài, bằng các chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết để phù hợp với mục tiêu quản lý nhà nước đặt ra đối với từng nhóm ngành, nghề; tạo điều kiện thuận lợi cho việc niêm yết các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp FDI để cải thiện sự đa dạng của thị trường.
Song song với đó, khuyến khích các ngân hàng và công ty bảo hiểm đầu tư vào cổ phiếu, thúc đẩy chiến lược quản lý tài sản đa dạng và lợi suất cao; triển khai quỹ hưu trí nhằm khuyến khích người dân chuẩn bị nghỉ hưu thông qua kế hoạch đầu tư dài hạn.
Đặc biệt là nới lỏng giới hạn sở hữu nước ngoài, cung cấp quyền bình đẳng cho nhà đầu tư nước ngoài, tự do hóa thị trường ngoại hối và các quy định thị trường bằng tiếng Anh; không ngừng nâng cao hệ thống giao dịch để xử lý an toàn các lệnh khác nhau, bao gồm cổ phiếu, hợp đồng tương lai và quyền chọn.