Cho rằng mức án Hội đồng xét xử phiên sơ thẩm tuyên phạt Tuấn là quá nặng, luật sư của bị cáo này đã làm đơn kháng cáo theo nguyện vọng của gia đình thân chủ.
Sáng 27.7,ông Đỗ Hải Bình (đoàn luật sư TP.HCM, người bào chữa cho bị cáo Tuấn) cho biết: “Theo yêu cầu của bị cáo và gia đình, tôi đã làm đơn kháng cáo. Theo tôi, mức án tại phiên sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Tuấnlà nặng và chưa phù hợp”.
Theo quy định, bị cáo chưa đủ 18 tuổi thì chưa được làm đơn kháng cáo,phải ủy nhiệm nguyện vọng lại cho người giám hộ hoặc luật sư của mình làm việc này. Trước đó vàongày 20.7, TAND quận Thủ Đức đã mở phiên sơ thẩm xét xử Nguyễn Hoàng Tuấn (SN 1998, ngụ Hóc Môn)và Ôn Thành Tân (SN 1998, ngụ quận 9) về hành vi Cướp giật tài sản. Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử tuyên phạt Ông Thành Tân 8 tháng 20 ngày tù (bằng với số ngày tạm giam nên Tânđược trả tự do ngay tại tòa), bị cáo Nguyễn Hoàng Tuấn 10 tháng tù.
Theo nội dung vụ án, Tuấn và Tân quen nhau được 3 tháng, thường xuyên cùng nhau đi chơi internet nhiều lần. Khoảng 22h ngày 17.10.2015, Tuấn và Tân (cùng 17 tuổi tại thời điểm gây án)gặp nhau tại một tiệm internet ở phường Tăng Nhơn Phú B (quận 9). Cả hai đã chơi internet đến sáng 18.10 thìnghỉ vì hết tiền. Cả hai bàn nhau đi xin việc làm thêm ở quận Thủ Đức. Tuy nhiêndoquá đói nên cả hainảy sinh ý định cướp đồ ăn.
Đến trước một tiệm tạp hóa trên địa bàn Thủ Đức, Tuấn hỏi mua 2bịchchuối sấy, ổ bánh mì ngọt, bịch đậu phộng rang muối và 3 bịch me trộn đường. Khi người bánhàng tới gần thì Tuấn giật mạnh túi đồ, Tân lên ga nhằm bỏ chạy nhưng bị người dân xung quanh vây bắt và giao nộp cho cơ quan chức năng. Tài sản hai thiếu niên này cướp giậtđược cơ quan chức năng định giá 45.000 đồng. Tại cơ quan điều tra, Tuấn và Tân cùng khai nhận hành vi phạm tội.
Được biết, sau khi nghe báo cáo chi tiết nội dung vụ án và quá trình xét xử, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cũng đãchỉ rõ, theo quy định tại Điều 69 Bộ luật hình sự (nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội) phải đặt ra 5 vấn đề:
Một là: Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích trong xã hội.
Trong mọi trường hợp điều tra, truy tố, xét xử hành vi phạm tội của người chưa thành niên, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải xác định khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.
Hai là: Người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự, nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục.
Ba là: Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người chưa thành niên phạm tội và áp dụng hình phạt đối với họ được thực hiện chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào tính chất của hành vi phạm tội, vào những đặc điểm nhân thân và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.
Bốn là: Khi xét xử, nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, thì Tòa án áp dụng một trong các biện pháp tư pháp được quy định tại Điều 70 của Bộ luật này.
Năm là: Khi áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội cần hạn chế áp dụng hình phạt tù.
Căn cứ vào các quy định nêu trên, việc Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giam đối với các bị cáo Ôn Thành Tân và Nguyễn Hoàng Tuấn là không cần thiết. Khi thụ lý vụ án, TAND quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh đã thay đổi biện pháp tạm giam bằng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú là đúng quy định của Điều 69 Bộ luật Hình sự, Điều 88 và Điều 303 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Nghinh Phong