Có lẽ không có một ai trong số người mộ điệu cải lương, đặc biệt là người ghiền nghe vọng cổ, khi nghe bác Bảy Bá (soạn giả Viễn Châu) bỏ cõi đời này để đi mà không có sự nuối tiếc, xót xa.

‘Một người đi, như bác Bảy, là lại thêm một khoảng trống’

Một Thế Giới | 02/02/2016, 23:53

Có lẽ không có một ai trong số người mộ điệu cải lương, đặc biệt là người ghiền nghe vọng cổ, khi nghe bác Bảy Bá (soạn giả Viễn Châu) bỏ cõi đời này để đi mà không có sự nuối tiếc, xót xa.

Bác Bảy Bá là một con người sống và viết để được hết thảy của thiên hạ. Được cả chiều rộng, số đông (70 vở cải lương và 4000 bài vọng cổ) lẫn sự tinh tế, sâu sắc.

Nghe ông, ca bài ca của ông, là để in dấu, là để nhớ. Nhớ hoài.

Cả một thế hệ – tạm gọi là thế hệ trước 1975, từ những người đầu đàn như “sầu nữ Út Bạch Lan” với bài Hoa Lan Trắng, ông đã kể về một người con gái tên Lan – suốt đời đóng vai sầu muộn – với trăm lời đưa tiễn những cuộc tình, những mong có một lần nói lời chung thủy…

Mà lời nói đó không bao giờ có được để rồi khi kết thúc bài vọng cổ ấy – khi nghe nghệ sĩ Út Bạch Lan từ lúc “tóc còn xanh” đến những năm 80 bà vẫn còn hát – và cứ mỗi lần bà hát tới câu cuối “đêm nay mưa gió ngập trời, hỏi ai còn nhớ một người tên Lan” thì tiếng vỗ tay và nước mắt… câu chuyện về người sầu nữ tên Lan và ông Bảy Bá năm sáu chục năm qua với những tràng vỗ tay và nước mắt cứ theo họ chung tình.

Ông Bảy Bá và thế hệ trước – viết một bài ca vọng cổ thực ra là kể một câu chuyện tình.

Khi thì kể về cái khoảnh khắc bị “bỏ rơi” của người đàn ông bán chiếu lẩn quẩn gặm nhắm nỗi buồn với sự cay đắng trách hờn.

“Mình dám đâu sai hẹn với người ta, mà họ bỏ nhà đi xứ khác” để rồi ngậm ngùi, vác chiếu nhớ công mình “lựa từng cọng lác sơi đay” còn người ta chỉ để lại cho mình “…

Chiếc áo lông hường khuất dạng sau mấy hàng tre” để rồi chắc chắn buông xuôi “người ta đã có đôi rồi, chiếu chăn đâu ấm bằng người tình chung”. Bài này đã gắn liền với nghệ sĩ Út Trà Ôn.

Viết cho hợp với người hát nên nghệ sĩ nào thể hiện bài ông một lần rồi cũng hát suốt 50, 60 năm qua. Tỉ như 13, 14 tuổi nghệ sĩ Lệ Thủy ca “Quan âm Thị Kính” rồi “Cô hàng chè tươi”, “Bạch Thu Hà”, “Cô gái bán sầu riêng”, “Tình đẹp mùa chôm chôm”… nghệ sĩ Diệu Hiền với “Tần Quỳnh khóc bạn”, “Trụ Vương Thiên Minh”… nghệ sĩ Ngọc Giàu với “Áo tình đắp mộ người yêu”.

Câu chuyện kể được kể bằng ca từ mộc mạc nhưng lại thể hiện được sự day dưa của luyến ái, của khách đa tình, của những cuộc tình dang dở mà chưa thể bỏ vì muốn quên mà không quên được.

Chuyện người viết đã vậy còn chuyện người ca, cũng không sao lý giải hết được tại sao có cả một thế hệ ca vọng cổ một cách sang trọng đã cùng bác Bảy Bá tôn vinh những bài ca vọng cổ.

Trừ Tình anh bán chiếu, Hoa lan trắng, phần lớn các nghệ sĩ thể hiện bài ca cổ của nghệ sĩ Bảy Bá đều nổi bật và nổi tiếng ở phần “Tân cổ giao duyên”. Đã có thời có những lời bàn ra tán vào về sự cải cách này, nhưng đến bay giờ sức sống của nó được nghiễm nhiên thừa nhận với ông vua vọng cổ Bảy Bá. Và nó thêm cơ sở khẳng định “vọng cổ, cải lương không thủ cựu, nó cho phép cải cách…” và bác Bảy Bá góp một cánh tay quan trọng trong cuộc cải cách đó.

Vài ví dụ không thể kể hết những gì bác Bảy Bá đã làm được cho vọng cổ và cải lương. Nhưng đôi chút để có thể nói về cái ông làm được là rộng, là đã tạo ra con số tác phẩm lớn – và cũng đáng kể về chiều sâu, về khả năng tạo chiều sâu cho âm nhạc, cho văn chương cải lương; và cũng để cho thấy giữa người viết và người thể hiện trong cải lương càng đồng điệu càng tạo nên sự sâu sắc lâu bền với người thưởng thức.

Giờ đây, khi bác Bảy không còn… dường như thêm một khoảng trống. Nói như vậy ít nhiều cũng gây ít nhiều phiền lòng cho những người vẫn đang viết ở lĩnh vực này.

Nhưng những gì đã có ở một số cây viết như: Hoàng Song Việt, Vương Huyền Cơ, Hữu Lộc (lĩnh vực cải lương); Thanh Vũ, Minh Thùy, Huyền Nhung, Thanh Hiền, Ngô Hồng Khanh, Trọng Nguyễn (ca cổ)… chừng đó tên tuổi để điểm sơ sự kế tục nổi bật, thế nhưng vẫn chưa thể lấp vào khoảng trống – mặc dù đó là khoảng trống của một mình nghệ sĩ Bảy Bá… bi quan, lo lắng như vậy vì ít có những tác phẩm như “Tình người hát rong” hay “Bá Nha Tử Kỳ” (Ngô Hồng Khanh).

Và người viết, người ca bây giờ hình như cũng ít có con đường nào đưa họ lại gần nhau. Những cuộc thi cùng những giọng ca rất tốt của “Chuông vàng vọng cổ” đã tìm ra những dáng dấp của tài hoa như Ngọc Đội và các bạn của cô.

Nhưng cái bộ ba làm nên tầm vóc của một bản vọng cổ, một vở cải lương là: Người viết (tác phẩm) + Người diễn xướng (người thể hiên) và Người mộ điệu (công chúng) hiện nay dường như không có sức hút lẫn nhau…

Cho nên cứ một người đi – như bác Bảy – là lại thêm một khoảng trống, một sự nuối tiếc… một sự nuối tiếc dường như không thể bù đắp được.

Theo Huỳnh Thanh Diệu/ Thế giới Tiếp Thị


Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
9 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Một người đi, như bác Bảy, là lại thêm một khoảng trống’