Sau khi xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng tối 21.10, cụ thể chiếc xe hơi đắt tiền do một người đàn bà uống rượu bia cầm lái đâm vào hàng loạt xe máy gây chết người ở ngã tư Hàng Xanh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), hầu hết báo chí truyền thông đều đưa tin. Tất nhiên các báo đều chú ý khai thác những tình tiết giật gân và bi thương, chỉ có điều hầu như báo nào cũng sai.
Sai không phải ở phần nội dung, mà ở hình thức, sai về ngôn ngữ, kể cả những tờ lâu nay khá chỉn chu, chính xác tiếng Việt, như Thanh Niên, Tuổi Trẻ, VnExpress, Vietnamnet...
Các bản tin đều tường thuật, chiếc xe hơi ấy đã lao đâm liên tục vào nhiều xe máy đang chờ khi đèn đỏ, rồi lao tiếp đâm vào một chiếc taxi mới chịu dừng lại. Có nghĩa chỉ mình nó đâm vào những xe khác, nhưng báo chí đều giật tít, đều phản ánh đó là tai nạn liên hoàn, vụ đâm xe liên hoàn.
Không phải chỉ vụ này, rất nhiều vụ tai nạn giao thông khác, khi xảy ra trường hợp đâm đụng liên tiếp dạng vậy, nhiều báo thích dùng từ “liên hoàn”. Chỉ cần gõ từ này trên Google sẽ ra rất nhiều kết quả. Chẳng hạn báo Thanh Niên ngày 17.10.2018 đăng tin “Tai nạn liên hoàn trên đèo Bảo Lộc”, phần sa pô ghi rõ “Đang lên đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng), chiếc xe tải va chạm với ô tô lưu thông cùng chiều, sau đó va chạm tiếp trực diện với chiếc xe khách đang lưu thông theo chiều ngược lại”. Những va chạm ấy, phóng viên viết là liên hoàn. Vậy có phải là liên hoàn hay không?
Không cần phải rườm rà, ta vẫn biết “liên hoàn” là từ Hán Việt. Từ này gồm hai thành tố “liên” và “hoàn”. “Liên” nghĩa là tiếp với nhau, liền nhau, gắn với nhau. Liên bang là nhiều bang hợp lại với nhau thành một quốc gia. Liên Hợp Quốc để nói về tổ chức quốc tế gắn kết nhiều nước lại theo hiến chương chung. Súng liên thanh là súng bắn cả tràng đạn, tiếng nổ liên tiếp nhau. Liên lụy là cái lụy của người này lây sang, ảnh hưởng sang người khác, v.v..
“Hoàn” theo Từ điển Hán Việt của cụ Đào Duy Anh cũng như nhiều cuốn từ điển Hán Việt khác, nghĩa là cái vòng tròn, vật tròn. Trong đông y có 4 cách bào chế thuốc cơ bản: cao, đan (đơn), hoàn, tán; có nghĩa: thuốc ở dạng dẻo (cao), dạng từng vị (đan), dạng viên tròn (hoàn) và dạng bột (tán). Hoàn mỹ nghĩa là vẻ đẹp tròn trịa, đầy đủ. Liên hoàn kế để chỉ loại kế trong 36 kế sách quân sự cổ đại, gồm nhiều kế gắn với nhau, kế này tác động tới kế kia, rồi kế kia lại tác động tới kế kia nữa, cái này làm nẩy sinh cái khác. Trong thơ cổ có thể thơ liên hoàn, ý hoặc dòng cuối của khổ này thì lại được dùng làm câu đầu của khổ tiếp theo. Danh nhân Nguyễn Trãi thế kỷ 15 có bài thơ Tùng làm theo thể liên hoàn:
Thu đến cây nào chẳng lạ lùng
Một mình lạt thuở ba đông
Lâm tuyền ai rặng già làm khách
Tài đống lương cao ắt cả dùng.
Đống lương tài có mấy bằng mày
Nhà cả đòi phen chống khỏe thay
Cội rễ bền dời chẳng động
Tuyết sương thấy đã đặng nhiều ngày.
Tuyết sương thấy đã đặng nhiều ngày
Có thuốc trường sinh càng khỏe thay
Hổ phách phục linh nhìn mới biết
Dành còn để trợ dân này.
Đưa ra những ví dụ như vậy để hiểu rằng khi các bộ phận làm thành một vòng, cái này nối tiếp với cái kia thì gọi là liên hoàn; nói chung là liền nhau nhiều thành phần như dây chuyền khép kín.
Quay trở lại với những vụ tai nạn giao thông. Nếu xảy ra trường hợp xe A đâm vào xe B, xe B đâm tiếp xe C, xe C lại đâm vào xe D… thì đó là tai nạn liên hoàn. Cứ nối vào với nhau thì mới mang tính “hoàn”. Chứ ở hầu hết những vụ tai nạn giao thông mà báo chí tường thuật, một xe nào đó đâm hết xe này tới xe khác, chỉ mình nó gây ra, thì không thể gọi là “liên hoàn” được, mà phải dùng từ “liên tiếp”. Liên tiếp có nghĩa cứ vừa xong cái này thì lại tác động tiếp tới cái khác.
Điều đáng nói, phóng viên dùng từ sai vẫn không được tòa soạn chỉnh sửa cho đúng. Khi lên mặt báo, báo sai nhưng bạn đọc cũng vẫn chấp nhận, không cần biết dùng thế có đúng hay không. Tiếng Việt cứ thế bị sai và tạo thành thứ lập luận “sai mà được chấp nhận sẽ trở thành đúng”. Thực ra đó là cách làm nghèo, méo mó tiếng Việt chứ chẳng phải phát triển, mở rộng gì.
Nguyễn Thông