Tôi tới Mù Cang Chải bao lần mà chẳng bao giờ chán. Phần vì luôn có những con người với tôi đã trở nên quá đỗi thân thuộc, nghĩa tình, phần vì phong cảnh thiên nhiên nơi đây vẫn còn giữ trong nó những thứ thuần khiết mê đắm. Một trong đó là loài hoa rừng mang tên "tớ dày”.
Hoa tớ dày thuộc loại cây thân gỗ, chỉ mọc và nở hoa ở độ cao trên 1.000 mét so với mực nước biển. Đây là loại hoa rừng thuộc họ hoa đào, người Mông ở Mù Cang Chải thường gọi là "Pằng tớ dầy” dịch theo nghĩa tiếng Việt là hoa đào rừng. Hoa thường nở vào cuối năm Dương lịch trước hoa đào khoảng 1 tháng. Là loại hoa đặc trưng ở vùng núi Tây Bắc, trong đó có huyện Mù Cang Chải...
Tôi tới Mù Cang Chải bao lần mà chẳng bao giờ chán. Phần vì luôn có những con người với tôi đã trở nên quá đỗi thân thuộc, nghĩa tình, phần vì phong cảnh thiên nhiên nơi đây vẫn còn giữ trong nó những thứ thuần khiết mê đắm.
Cuối tháng 12, bỏ lại bộn bề công việc, tôi lên Mù Cang Chải với mong muốn refresh lại bản thân, tìm nguồn năng lượng mới cho một năm mới. Nếu ai đã từng một lần đặt chân lên mảnh đất Mù Cang Chải, chắc không thể quên hình ảnh danh thắng ruộng bậc thang, do chính bàn tay khối óc của người nông dân hiền lành, chất phác đã tạc vào thiên nhiên thành một tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
Bên cạnh vẻ đẹp của ruộng bậc thang vào mùa lúa chín, hay mùa nước đổ và những nét văn hóa đặc trưng khác, thì ở Mù Cang Chải vẫn còn nhiều thắng cảnh đẹp, độc đáo. Nếu một lần được trải nghiệm, chắc hẳn không ai quên được vẻ đẹp thuần khiết, sắc hồng lung linh trong nắng xuân của một loài hoa rừng mang tên "tớ dày”.
Họa sĩ Hà Nội say mê sáng tác bên rừng hoa tớ dày.
Lên Mù Cang Chải mùa này thật đẹp. Quả đúng như người ta vẫn truyền tai nhau rằng muốn đón xuân sớm thì hãy lên vùng cao. Mùa này khắp các sườn đồi, hai bên đường đi ở Mù Cang Chải là một màu hồng rực rỡ của hoa tớ dày.
Theo sự chỉ dẫn của những người dân bản địa và chia sẻ của những tay săn ảnh, chúng tôi tới La Pán Tẩn để ngắm những vạt rừng hoa tớ dày rực sáng cả góc trời. Những người già ở bản Trống Páo Sang bảo: "Cách đây khoảng 300 năm khi người Mông đến định cư nơi đây thì đã có loại cây này. Hoa chỉ nở vào dịp đất trời chuyển sang thời tiết nắng ấm của mùa xuân; bà con sau một năm lao động vất vả, khi mùa màng đã thu hoạch xong, thóc đã đầy nhà thì trên đỉnh núi đã thấy sắc hoa tớ dày đỏ thắm núi rừng. Đó cũng là thời điểm tết Mông ngày trước của chúng tôi”.
Những người yêu Mù Cang Chải như thầy giáo Lê Trung Kiên ở Trường PTDTNT THCS thì mỗi khi mùa tớ dày về anh lại có cảm xúc xốn xang. Vốn là thầy giáo nhưng anh lại có niềm đam mê đặc biệt với nhiếp ảnh, để từ đó anh có cả kho ảnh về văn hóa, về các địa danh đặc biệt mê đắm của Mù Cang Chải.
Anh bảo, cũng chẳng nhớ đi chụp hoa tớ dày từ bao giờ nhưng chỉ nhớ mùa về là những cô gái, chàng trai trong bản lại kéo nhau ra ném pao, chơi tuôl luz; nghe tiếng lợn nhà ai kêu vang khắp bản, như báo hiệu mùa xuân về trên đỉnh Trống Páo Sang.
Anh yêu cái sắc hoa tớ dày tới mức chụp từ mùa này sang mùa khác không chán, đến mức anh còn tự mình đặt tên cho mùa hoa tớ dày là mùa nhớ. Đi dưới những tán tớ dày ở đỉnh Trống Páo Sang, anh đầy cảm xúc mà đọc thành thơ: "Có ai kể em nghe về mùa nhớ/ Loài hoa gói cả mùa xuân vào trong nhụy/ Cánh nho nhỏ màu hồng dễ thương lắm/ Con đường mòn mà lại hóa mùa xuân”.
Mặc dù hoa "Tớ dày” phân bố tự nhiên và mọc ở các điểm như Nậm Khắt, Púng Luông, Dế Xu Phình, hay tận Lao Chải, dọc theo suối Nậm Kim, nhưng mật độ hoa tự nhiên mọc ở trên đỉnh Trống Páo Sang của xã La Pán Tẩn nhiều hơn cả. Khi hoa bung nở là một màu hồng rực, dường như chẳng còn thấy màu xanh của lá.
Theo những con đường nhỏ ngược núi là cả một rừng hoa tớ dày ngút tầm mắt. Những cây tớ dày nằm san sát đua nhau vươn về phía mặt trời làm sáng rực cả một góc rừng. Người ta bảo, sức sống của loài hoa tớ dày trở nên mãnh liệt như chính những người dân nơi đây. Bởi, có khi đông qua xuân về, nhiệt độ ở đây có những lúc xuống dưới 5 độ, băng giá phủ trắng trên sườn đồi. Nhưng chỉ sau một ngày nắng, cây tớ dày trở nên lạ thường, rực rỡ khoe sắc, lung linh đến diệu kỳ giữa không gian rộng lớn, khiến cho cái lạnh của mùa đông tan biến; những khoảnh rừng bỗng chốc được khoác lên mình bộ áo rực rỡ.
Thời điểm hoa nở rộ, nhuộm hồng đỉnh Trống Páo Sang là từ đầu tháng 12 đến tết Dương lịch. Hoa chỉ nở rộ trong thời gian khoảng 1 tháng rồi lụi, những ai đã một lần được ngắm hoa tớ dày nở trong một không gian rộng lớn chắc hẳn sẽ có được khoảnh khắc tuyệt diệu khi chứng kiến những chùm hoa lay động trong gió.
Những triền hoa tớ dày là điểm đến hấp dẫn với du khách.
Anh Giàng Súa Rùa - Phó Chủ tịch HĐND xã La Pán Tẩn chia sẻ: "Những năm gần đây, chính quyền xã tuyên truyền mạnh mẽ tới người dân về việc bảo vệ hoa tớ dày. Những chế tài xử lý mạnh mẽ theo đúng quy định trong Luật Lâm nghiệp được áp dụng đã hạn chế tối đa việc đào cây tớ dày mang ra khỏi rừng. Nhờ vậy, La Pán Tẩn có rừng tớ dày gần như lớn nhất ở Mù Cang Chải”.
Với rất nhiều ý nghĩa gắn với đời sống văn hóa tinh thần của người Mông nơi này nên trong những năm qua, huyện đã có nhiều những hành động quyết liệt bảo vệ những rừng hoa tớ dày tự nhiên và vận động nhân dân trồng mới. Trong đó, phải kể đến cuộc vận động mỗi cán bộ đảng viên trồng từ 2 - 5 cây hoa tớ dày, mỗi trường học, đơn vị công sở trồng 30 cây; các xã, thị trấn trồng tại trụ sở, hai bên đường đi...
Đặc biệt, trong xây dựng mô hình "Bản hạnh phúc” tại bản Dế Xu Phình, xã Dế Xu Phình, mỗi cặp vợ chồng trước khi kết hôn thì tới rừng trồng một cây hoa tớ dày với mong ước cảm tạ trời đất, cầu cho hạnh phúc đôi lứa bền lâu, tươi đẹp như loài hoa tớ dày. Bà Lương Thị Xuyến - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: "Cùng với xây dựng các lễ hội như lễ hội mùa hoa cải vào tháng 2, mùa nước đổ vào tháng 5 và kéo dài đến khi lúa chín - mùa vàng thì huyện đang có ý tưởng xây dựng lễ hội mùa hoa tớ dày vào tháng 11, 12 bởi những cánh rừng tớ dày đang rất thu hút sự quan tâm của du khách”.
Đất trời Mù Cang Chải hôm nay ôm trong mình muôn màu sắc rực rỡ. Màu vàng của sự no ấm nơi những thửa ruộng bậc thang mùa lúa chín bát ngát, sắc xanh của trời cao lồng lộng, màu xanh non mướt tràn nhựa sống của thảm thực vật và cả muôn vàn sắc hoa đặc trưng nơi đây. Khai thác muôn vàn sắc màu ấy, cấp ủy, chính quyền và người dân Mù Cang Chải đang quyết tâm xây dựng huyện du lịch vào năm 2025.
Thanh Ba - Mai Linh