Ngày xửa ngày xưa, những ngày thường là những ngày buồn khâu kín một năm, chỉ vui dịp giỗ tết. Khách quê lên đông, nhậu nhẹt bài bạc tung tóe lăn lóc bạ đâu ngủ đấy. Đó là cơ hội của ma quỉ. Lễ hội của những oan hồn không siêu thoát lang thang nghĩa địa nhập lại làm người?

Mùi máu

Một Thế Giới | 06/04/2014, 06:00

Ngày xửa ngày xưa, những ngày thường là những ngày buồn khâu kín một năm, chỉ vui dịp giỗ tết. Khách quê lên đông, nhậu nhẹt bài bạc tung tóe lăn lóc bạ đâu ngủ đấy. Đó là cơ hội của ma quỉ. Lễ hội của những oan hồn không siêu thoát lang thang nghĩa địa nhập lại làm người?

Trong đêm sâu, một bóng đen tách ra khỏi bầy đàn say ngủ, chuyển động như thú hoang đến mùa giao hợp. Lý trí hoàn toàn đóng kín, bản năng tự nhiên mở ra. Đêm đen kịt bịt kín đường về.

Bị dục vọng kéo đi, nó hành động trong vô thức mê sảng, chỉ cơn hưng phấn tính dục có thực. Nó đòi được thỏa mãn. Nó bất chấp ruột thịt họ hàng. Nó nuốt chửng luân thường đạo lý. Thứ dâm lực trồi lên từ thăm thẳm hỗn mang, được sự đồng lõa của bóng tối đặc quánh hắc ám vô đáy, ngùn ngụt cháy ngay dưới bát hương thờ tổ tiên im phăng phắc như những mộ chứng câm.

Và tôi, như tình cờ, như định mệnh, tôi sinh ra trong nó, lớn lên bên khu nghĩa địa ngày người đêm ma. Trong đêm đen mù lòa ý thức, trong cơn ngủ mê dở sống dở chết, “con ma” nào đã đến? Chúng đến bất thình lình. Như kẻ trộm. Mơ hồ cảm thấy chiếc quần chun bị kéo xuống đầu gối. Chúng không cần cởi hẳn quần ra.

Cọ cọ...ươn ướt... Xong việc, chúng lười biếng kéo trả chiếc quần cho có lệ. Cảm giác khó chịu cũng nhanh chóng bị cơn mê ngủ nhấn chìm. Đôi khi diễn ra một cuộc giằng co. Chiếc quần chun con gái bị bàn tay nín thở vô hình kéo xuống, rồi lại được bàn tay con gái nặng trĩu mê ngủ kéo lên. Rồi thiếp đi... thiếp vào cơn ngủ, thiếp vào giấc chết ngắn.

Có thể, đó chỉ là những ảo giác sinh ra từ cơn mê ngủ tuổi hoa niên? Có thể, đó chỉ là những khoảnh khắc bùng phát nứt vỡ của giới tính? Có thể, không cần tin chuyện đó  nếu bảnh mắt không ngửi thấy một thứ mùi tanh tưởi sực lên từ chiếc màn xô màu nâu ố đen.

Đôi khi, đã diễn ra cuộc giằng co trong ánh sáng ý thức. Với trí tưởng tượng không giới hạn của đứa con gái mê đắm chuyện thần tiên, nó tự hỏi, bóng đen ấy là ai? Một ý nghĩ kỳ quặc hoang đường vụt đến, như giải thích như an ủi, phải chăng bóng đen ấy là người chồng? Giống như người chồng của mẹ, người chồng của nó cũng đến với nó, làm chuyện ấy vào ban đêm. Lặng lẽ và bí hiểm, chờ người vợ lớn lên, người chồng mới hiện ra ngoài ánh sáng?

Nó đã ru mình thế, ở tuổi thò lò mũi xanh chanh cốm, không ranh giới giữa thức và ngủ, giữa mộng và thực. Nó đã ru mình thế, trong mù lòa trì độn nhoi nhói câu hỏi không lời đáp. Những câu hỏi chật chội chen chúc trong cái đầu nhỏ bé, vật vã tức tưởi trong trái tim nhỏ bé. Những câu hỏi cắn xé, quấn bện vào nhau bật lên thành tiếng kêu gào đau đớn, tại sao lại thế?

Tiếng gào khan của nó, sự sợ hãi của nó, vón cục lại như tiếng gầm người câm, đục khàn nặng nề kéo dài suốt tuổi hoa niên, không vọng đáp.

Ngôi nhà ấy, đen kịt như muôn ngàn ngôi nhà khác, lạnh lẽo như bạt ngàn mồ vô chủ khác, thoi thóp thở bên khu nghĩa địa... đã chôn sống bao tuổi thần tiên chưa lớn đã già.

***

Vẫn ngày xửa ngày xưa ấy, có một đứa con gái ngẩn ngơ sợ hãi hỏi mẹ, tại sao bụng con tự nhiên lại to lên thế này? Đứa con gái mới mười ba tuổi. Nó mặc áo sợi mùa đông màu nâu, áo khoác đen căng cứng khuy ở phần bụng. Nó đã ăn gì mà phát phì như thế?

Người Mẹ bước thấp bước cao, mò mẫm trong đêm, vắt kiệt nước mắt, kéo nó đi làm cô-vắc. Hoang thai sáu tháng. Ai đã làm cho nó bị như thế? Nhưng ngay khi xong việc, nó nhẹ nhàng bảo mẹ, con đã đẻ ra một búp bê con gái, nhưng nó chết rồi.

Đứa con gái ấy, một tiên nữ “da trắng như tuyết, môi đỏ như máu”. Ước gì nó là nàng công chúa ham chơi vô tình ngửi bông hoa lạ mà mang bầu. Ước gì, nó là người đàn bà trong cổ tích tò mò ướm chân mình vào vết chân đàn ông nên phải chửa hoang.

Ước gì đời buồn sóng sánh tiếng cười phép lạ cổ tích. Sẽ dễ dàng hóa giải được mọi thắc mắc ngây thơ khiến Người Mẹ uất hộc máu: Tại sao tự nhiên bụng con lại to lên thế này?Ai đã làm cho nó bị như thế?

Ai? Ai? Ai? Ai? Ai? Ai? A....ai..i....?

Đứa con gái câm nín.

Câm nín.

Câm.

***

Một lần, câm mãi đến không nín được nữa, như bị ma làm, mắt nó long sòng sọc bầm máu. Dưới ánh nắng nhức nhối tràn trề đầu xuân, nó ngồi bên cửa sổ, tay nắm chặt khung cửa, người quằn quại, như muốn bẻ gãy các thanh chắn.

Từ chỗ nó phát ra một thứ âm thanh rinh rích rin rít thin thít, không ra khóc không ra cười, như thể tiếng các nữ thần sắc đẹp, tình yêu, trí tuệ, thù hận... đang chí chóe cãi nhau. Từ xó tối hồn mình, tôi quan sát nó trong hoang ảo chơi vơi.

Nó đã nhận thức ra điều gì ghê gớm? Nó cũng bị những đấng cha anh chú bác đạo cao đức trọng ban ngày, dâm tặc ban đêm săn đuổi???

Rồi mọi chuyện chìm vào bóng tối, thứ bóng tối có thể làm xóa sạch, lật nhào, nổ tung cái gọi là đạo lý gia phong. Rồi mọi chuyện tan vào ánh sáng,  thứ ánh sáng của giáo điều, giả dối, sợ hãi và cam chịu…

Để tiếp tục sống, sự thật máu thịt ô nhục này cần phải quên đi, phải được đào sâu chôn chặt như chưa từng xảy ra. Riêng với tôi, sự thật ấy bén sắc như một lưỡi kiếm xuyên gần chạm tim.

Nó có thể đã xảy ra với tôi. Nó có thể đã xảy ra với những chị em gái của tôi. Nó có thể đã xảy ra với những đứa con gái hàng xóm, với bạn học cùng lớp, với tất cả bọn con gái khắp gầm trời u mê khốn khổ này, những sinh vật cái tươi non hơ hớ...

Từ đó, suốt một thời gian dài, tôi không dám ngủ đêm. Sợ bóng đen lẫn lộn người ma trùng trùng hoang mộ. Sợ bầy thú nín thở, rình rập. Sợ người đang chết, sợ con đang sống...

Đêm đêm, thoát khỏi căn nhà không ánh sáng, tôi vật vờ bước đi không đích hướng. Siêu thức nổi loạn kéo theo cuộc quyết chiến giữa linh hồn nhỏ bé đau khổ với các thế lực đen tối chập chờn hiện hữu. Cứ đi qua ba hồ nước đen ngòm tanh tưởi và ba nghĩa địa  lập lòe ma trơi sẽ đến con ngõ dài dẫn ra đường lớn.

Mộng du.

Gần sáng thì về.

Vật ra ngủ.

Là lúc ma dâm hết giờ dạo chơi dương thế.

***

Lớn chút nữa, nghe mơ hồ trong gió, rằng trinh tiết là cái quý giá nhất đời con gái. Tôi tự nhồi vào đầu một mặc định, tôi đã đánh mất cho bóng đen hắc ám cái quý giá nhất rồi.

Suốt thời thiếu nữ, tôi sống với mặc cảm bị vấy bẩn, bị nguyền rủa. Tôi tự vấy bẩn tôi. Tôi tự nguyền rủa tôi. Hãi hùng nghĩ đến ngày lấy chồng.

Người đàn ông nào đó sẽ phát hiện ra tôi không còn trinh tiết? Nếu bị gặng hỏi chuyện ấy đã xảy ra thế nào, tôi sẽ trả lời ra sao? Nỗi sợ như cái dằm nằm lún tụt mút vào da thịt, chạm nhẹ lại nhói buốt suốt thời con gái ngây ngô, ngờ nghệch.

Sẽ không lấy chồng. Sẽ đào thoát. Sẽ đi xuất khẩu lao động đến thiên đường xã hội chủ nghĩa. Lũ con gái hồi hộp nộp đơn. Nghe đồn khám phụ khoa đứa mất trinh sẽ bị đánh trượt. Chết điếng. Cái trinh là cái gì mà quan trọng khủng khiếp thế! Sao không ai nói cho tôi biết phải giữ gìn nó, không được để cho bất  kỳ ai chạm đến nó.

Ký ức bóng đen tuổi thơ trĩu nặng lại trở về. Không biết tôi có còn cái trinh không?

Rời mái trường, cái đầu u mê chứa đầy bóng tối của tôi chỉ ghi khắc được nằm lòng mấy câu “kinh nhật tụng”: phải đời đời nhớ ơn những  tài năng vĩ đại, phải bỏ qua thời kỳ này để tiến thẳng lên thời kỳ kia, phải sống và hành động theo kim chỉ nam xuyên suốt mà cha ông truyền dạy...

Cứ thế gắng sống sót qua thời kỳ khó khăn. Thì sẽ có cơm no áo ấm. Thì sẽ được học hành. Thì sẽ hưởng thụ đỉnh cao loài người. Thì sẽ sung sướng, sẽ hạnh phúc. Chấm hết.

Ở đâu cái ngàn vàng của tôi??? Nó liên quan gì đến thiên đường vời xa đó mà phải thăm phải khám???

Mon men hỏi người lớn, liền bị mắng lấy chồng khắc biết, con gái nứt mắt đã động cỡn! Không hỏi được, tôi chỉ còn cách duy nhất, tự tìm câu trả lời.

Nửa đêm, mò dậy khi cả nhà đang trong cơn chết ngắn, tôi quyết tâm xem bằng được cái trinh của mình mặt ngang mũi dọc ra sao. Tôi lấy một tấm gương to bằng quyển vở, chong đèn dầu, tụt quần, dạng rộng chân, soi vào... .

Cái mà tôi nhìn thấy là một đám lông tơ màu nâu mềm mại phủ lên bộ phận sinh dục trông giống hình con bươm bướm.  Thảo nào nó được gọi là bướm. Nom nó chẳng đẹp đẽ hay hớm gì. Tôi săm soi nó, toát mồ hôi, căng thẳng nín thở, cố nhìn vào bên trong của cánh bướm. Tôi muốn xem cái của tôi nó đã rách thủng thế nào. Nhưng tôi chẳng thấy cái gọi là màng trinh đâu cả.

Mù tịt. Hoang mang. Muốn hóa điên. Hoang mang hơn cả khi chưa được nhìn nó. Một bộ phận đáng ghê tởm nhất của cơ thể. Nó xấu xí đến mức chỉ được gọi tên khi cần dùng để thề bồi, để ví von với những gì đáng khinh bỉ nhờm tởm.

Mà sao lại được “chúa dấu vua yêu” như lời thơ Hồ Xuân Hương? Tôi thắc mắc với  cô bạn học y tá. Nàng bảo thơ bà này tả cảnh ấy nhau hay nhỉ, rồi cười hi hi, giảng giải, “Cái ấy nó nằm sâu tít bên trong cơ, chỉ khi nào bị cái của bọn con trai cho vào sâu bên trong mới chạm được vào nó. Bọn  nó phải đưa đi đưa lại nhiều lần thì mới chọc thủng được màng trinh. Nếu chỉ chạm vào bên ngoài thì không làm sao cả”.

Rồi nó hí hí cười, ấy thử chưa? Cô bạn mắt một mí, miệng cười ngoác hết cỡ, chẳng còn nhìn thấy mắt nàng đâu nữa. Tôi há hốc, vô cùng thán phục kiến thức cô bạn, liều hỏi, “Thế mất trinh có đau lắm không?”. Nàng vênh mặt, cao giọng, “Đau chứ, chảy máu nhiều lắm”, rồi sau đó tiu nghỉu hạ giọng, “nhưng tớ cũng chưa biết nó đau đến mức nào”.

Chiều cuối hè sang thu ấy, hai đứa ngồi trên tấm phản hóng gió từ cái hồ hợp tác xanh ngắt rau muống, ăn ngô nướng. Hai đứa ngoắc tay nhau thề, đứa lấy chồng trước phải có trách nhiệm kể cho đứa kia nghe cái lần đầu ấy là đau hay thích.

Sau cuộc nói chuyện cam kết tuyệt mật, tôi cứ ngạc nhiên mãi sự bạo miệng bất ngờ của cô bạn vốn nhu mì kín tiếng hay thẹn nhất lớp. Nàng không chỉ dùng từ ngữ diễn tả lưu loát chuyện ấy mà còn dùng tay minh họa động tác. Hai đứa mặt đỏ gay, cười sặc sụa lấp liếm nỗi ngượng ngùng. Ngô nướng bắn tung tóe ra phản. Hạt ngô mềm thơm thế bỗng nhiên khô khốc như nhai rơm trong miệng khi bị một cảm giác nhoi nhói ẩm ướt lẻn vào...

Cự tuyệt khám trinh, tôi rũ bỏ giấc mơ được xuất khẩu đến xứ sở tuyết trắng thiên đường. Bù lại, cuối mùa thu, tôi được dự tiệc cưới cô bạn thân. Cô lấy chồng mà không hề yêu, thậm chí rất sợ hãi. 

Xấu trai nhưng cao to vạm vỡ, chồng cô khiến tôi  nghĩ đến Thằng Gù nhà thờ Đức bà Paris. Cái khác là, thằng gù Pháp xấu người mà đáng yêu, “Thằng gù” Việt thì dọa đem lựu đạn đến nổ tung tại nhà cô bạn, nếu bị từ chối.

Chìa bộ ảnh cưới ra, nàng dâu mới hớn hở:“Lấy chồng thích lắm, thích nhất là chuyện ấy. Lần đầu tiên chỉ đau một tí thôi, có một tí máu. Các lần sau cứ gọi là thích mê tơi, cả ngày người cứ lâng lâng như là đi trên không khí ấy. Thích thì thích thật nhưng không dám nói với chồng, chả lẽ lại bảo, anh ơi,“ấy” em đi à! Ngượng chết!”…

Cô bạn cười tít, mắt xếch ngược, nhìn tôi không thèm che giấu vẻ thương hại.                                                

***

Rồi cũng đến lượt mình. Mùa hè năm sau, tôi đã biết “nó”… là thế nào khi “cái ngàn vàng” của tôi được cưỡng hiến cho “mối tình đầu”.

Máu!

Gã trai “của tôi” thốt lên, hơi thở tanh tanh, không ngờ em vẫn còn trinh trắng!

Lẽ nào tôi vẫn trinh? Nhưng tôi chẳng trắng nữa!

Mắt tôi hoa lên, chới với. Cái ngàn vàng đấy ư? Tôi lạnh tanh, thè lưỡi nếm thử máu mình. Không vị. Không mảy may xúc động. Máu trinh bôi bẩn tấm ga trải giường nhà nghỉ rẻ tiền ven sông mùa lũ. Tôi ngồi bó gối ngắm “cái quí giá nhất đời con gái” của mình theo tấm ga giường bị ném vào phòng tắm hôi hám, bị biến mất sau tấm nệm lật úp giấu nhẹm trên giường. Cảm giác hẫng hụt băm vụn trái tim.

Chỉ là vài giọt huyết. Thế mà nó, cái trinh tiết khốn kiếp, nó đã cầm tù mình trong hoang mang khổ đau suốt thời thiếu nữ. Nó, cùng bọn ma dâm, con cái các lực đen tối vô luân, đã nhấn chìm bao tuổi hoa niên xuống đáy bùn lo âu, sợ hãi, tuyệt vọng. Nó, cái trinh tiết cùng mớ giáo điều gông cùm gian trá, đã khiến tâm hồn mình đóng kín ngầu đục hoang dại, như nước phù sa dòng sông  đang sùi lên ngoài kia...

Tôi cố gắng kìm nén nỗi giận sôi sùng sục đến muốn nổ tung. Muốn giết người. Giết hết bọn đàn ông đạo đứa giả mặt người dạ thú.

Các bà, các mẹ, các chị, tôi và các con gái cháu gái tôi sẽ còn phải chịu đựng, phải mò mẫm đi trong bóng tối hỗn mang của “phẩm tiết phẩm hạnh” đến bao giờ? Cái bóng tối được nuôi dưỡng bởi những bóng đen quỷ ám đổ ụp xuống đầu con trẻ. Cái thứ bóng tối nhân danh ánh sáng để bịt chặt miệng bao kiếp người mòn mỏi.

Ban ngày chúng cao giọng rao giảng, bó buộc người phụ nữ phải giữ gìn phẩm hạnh thì ban đêm chúng lén lút cướp bóc, chà đạp cái phẩm hạnh ấy không mảy may thương tiếc.

Phải sống, với cuộc đời bị chôn vùi dưới tầng tầng lớp lớp những thứ gọi là luân thường đạo lý đã bị gặm nhấm nham nhở. Phải sống, với cuộc đời bị thống trị bởi sự  giả dối đê tiện ghê tởm đến tối đa được mạo danh là hình mẫu cao đẹp phải phấn đấu noi theo...

Phải sống, bởi đó là lẽ thường hằng, như ngày đêm như sáng tối, như nắng như mưa, như gió như bão, như mặt trời như mặt trăng, như đất đai như mùa màng, như niềm vui như nỗi buồn... đến rồi đi, tuần hoàn viên miễn...

Cho đến thời khắc tự ngộ nào đó, tất cả nỗi đắng cay oán giận tự nhiên biến mất. Chỉ còn lại nỗi buồn.

Nỗi buồn vương vấn như vệt nhòe nước mắt trên má, khi chợt gặp một ánh nhìn mến thương nụ cười thân thiện, một vạt nắng ban mai ấm áp trong trẻo, một nét nhạc rưng rưng gợi về quá khứ.

Và nước mắt cứ tự nhiên chảy dài.

Và nước mắt cứ tự nhiên gột rửa.

Tôi biết, tôi đã có thể tha thứ.

Tha thứ cho quá khứ ngủ yên giấc chết ngắn, để hòa nhịp cùng cơn đau tái sinh và nỗi buồn của sự trưởng thành.

Nỗi buồn người lớn.                                              

***

Thưa bạn đọc.

Câu chuyện trên là những lời cuối của một người đàn bà trước lúc lâm chung. Biết mình không còn thời gian, chị đã gọi tôi đến bên giường, nhờ tôi viết lại câu chuyện này.

Dự định mang nó xuống mồ không thành, chị bảo:

“Thế là xong, giờ tôi có thể yên lòng nhắm mắt”.

“Còn cô bé bị làm cô-vắc thì sao?”. Tôi hỏi vội vàng.

“Nó bỏ nhà đi biệt tích. Người nói nó đi làm gái, người nói thấy nó trong trại tâm thần. Hình như nó đã tự sát”. Người đàn bà nhăn mặt vì đau đớn, khép mắt, quay mặt vào tường, tỏ ý muốn dừng câu chuyện.

Tôi muốn hỏi thêm một số thông tin dường như được cố tình làm nhòe mờ đi trong câu chuyện không dễ kể của chị, đặc biệt về một bóng đen, hay nhiều bóng đen, nhưng rồi lại ngại…  

Lẽ nào chị không biết đó là ai?

Tôi nghiêng về khả năng chị biết mà không muốn nói, không cần nói, không thể nói...

Nghe xong câu chuyện của chị giống như chất lên vai cái gánh nặng trĩu trịt chỉ có toàn bóng tối.

Thành thật xin lỗi bạn, người đang đọc những dòng này, người bất đắc dĩ phải chia sẻ gánh nặng cùng tôi.

        Warrnambool  20.5.2013- 31.3.2014

Trò chuyện cùng tác giả:
Người phụ nữ đã quyết định mở miệng

Bùi Mai Hạnh là một nhà thơ.

Thơ chị tràn ngập một nỗi ám ảnh giữa hư-thật, hồn-xác, như cái gì đó không thể tách rời, không thể phân cách rạch ròi.

Truyện ngắn đầu tay này của chị cũng thế. Có gì đó cứ lửng lơ giữa hư và thật, giữa cái nói ra và cái còn giữ lại, giữa sự phá vỡ và sự kìm nén… Có lẽ do chị vẫn là một phụ nữ, mà lại là phụ nữ Việt Nam…

   Mui mau
 

*Dục tính là một thứ gần như cấm kỵ trong văn chương Việt. Vì sao chị lại chọn viết đề tài này?

-Có lẽ, vì tôi cứ bị lôi cuốn bởi những thứ cấm kỵ chăng?

*Những nhân vật của chị hầu như đang bị giam trong một thế giới lẫn lộn hư thực. Không có cách nào để họ thoát ra sao?

-Không phải là tất cả chúng ta đang sống trong một xã hội lộn tùng phèo “lẫn lộn hư thực” hay sao? Ở đó, con người được dạy dỗ phải biết nín nhịn, đẹp đẽ phô ra xấu xa đậy lại. Nhân vật  xưng tôi trong truyện đã quyết định mở miệng, phải chăng đó là một cách thoát...

*Bàn về trinh tiết theo chị có muộn quá không so với cách sống khá phóng túng của thế hệ trẻ Việt ngày nay?

-Có thể là muộn quá so với cách sống của thế hệ trẻ Việt, nhưng mong là chưa quá muộn nếu đặt vào mảng “đề tài cấm kỵ” mà chị nói. Chuyện dù xảy ra trong quá khứ nhưng những bóng đen vẫn đang tiếp tục phủ bóng tối lên hiện tại.

Thực ra, trinh tiết ở đây chỉ là cái cớ gợi mở một chủ đề khác. Sự nhân nhượng, bất lực trước cái ác. Nhân thể bàn về trinh tiết, ngày nhỏ, nghe ông ngoại lẩy Kiều, tôi cứ ấn tượng với câu “Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường”. Biết cách bảo vệ và làm chủ  “trinh tiết” để giảm bớt tổn thương cả về tâm lý lẫn thể xác là sự lựa chọn tự do của mỗi cá nhân, ngày nay.

*Cách nhìn nhận vấn đề này đã thay đổi thế nào khi chị chuyển từ cuộc sống gò bó ở Việt Nam sang một xã hội phương tây phóng khoáng hơn?

-Tôi lại nghĩ, xã hội Việt Nam hiện nay không ít “phóng khoáng” hơn xã hội phương tây. Hiện tượng “bồ công sở”, một thứ mốt, một cánh thoát khỏi “cuộc sống gò bó” đang phát triển mạnh đến nỗi người ta phải nghĩ, cần thiết phải có “luật ngoại tình”. Người ngoại tình phải chịu sự kiềm chế của luật pháp để ngăn chặn làn sóng “phóng túng” của xã hội Việt những ngày này, bảo vệ gia đình Việt.

Ở Úc, tôi quen một chị bạn góa chồng, đã sáu lăm tuổi mà vẫn “tơn tớn” lên mạng tìm kiếm người tình. Nếu gọi thế là “phóng khoáng” thì tôi thấy nó rất hay, bởi điều ấy giúp chị tràn ngập niềm vui sống khiến tôi cũng vui lây.

Nhưng chị ấy đang độc thân chứ không phải có chồng.

*Chị sẽ “giáo dục” con thế nào, nếu chị có con gái?

-Tôi sẽ nói thật tất cả những gì cần thiết mà nó có thể gặp trong đời để nó tự suy nghĩ và chọn lựa, rồi sau đó quẳng cho nó một hộp condom hay cái gì đại loại thế. Liệu có thể làm cách khác hay không?

Ngô Thị Kim Cúc

Tác giả Bùi Mai Hạnh đã tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du, là đồng tác giả tự truyện Lê Vân- Yêu và sống. Năm 2012, chị đã ấn hành tập thơ Hồn Xác (NXB Hội Nhà văn). Hiện chị đang định cư ở Úc".

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
AI chống gian lận trong thương mại điện tử thế nào?
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
Trong bối cảnh bảo mật thông tin đe dọa trực tiếp đến quyền lợi của người dùng, trí tuệ nhân tạo (AI) nổi lên như một giải pháp đầy tiềm năng, góp phần bảo vệ người tiêu dùng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mùi máu