Một trong những “chuyện nhỏ” đã và vẫn được tranh cãi khá sôi nổi trên các mặt báo trong những ngày đầu tháng 8 này là chuyện xử phạt vi phạm vượt đèn vàng trong giao thông. Chỉ có vài giây “lấn đèn” vàng thôi, người tham gia giao thông đã có thể bị phạt cả triệu đồng, chưa kể những phiền toái chung quanh việc xử phạt.

Cơ chế 'đèn vàng' nhìn từ dòng tiền tham nhũng tuôn chảy

09/08/2016, 19:20

Một trong những “chuyện nhỏ” đã và vẫn được tranh cãi khá sôi nổi trên các mặt báo trong những ngày đầu tháng 8 này là chuyện xử phạt vi phạm vượt đèn vàng trong giao thông. Chỉ có vài giây “lấn đèn” vàng thôi, người tham gia giao thông đã có thể bị phạt cả triệu đồng, chưa kể những phiền toái chung quanh việc xử phạt.

Không chỉ

Nhiều giải thích từ phía các cơ quan quản lý rằng do có quá nhiều trường hợp vi phạm vượt đèn đỏ, nên cần phải chủ động phạt trước từ đèn vàng, như một kiểu răn đe, phòng ngừa. Luật phạt vượt đèn vàng đã có từ năm 2010 và mãi đến bây giờ mới được áp dụng nghiêm minh theo tinh thần “thượng tôn pháp luật”.

Có một vụ xử án cũng gây tranh cãi khá dữ dội, vụ án “cướp bánh mì”. Hai thiếu niên bị đói do chơi game khuya, đã giả vờ mua một bịch bánh mì khô, chuối sấy, me… trị giá 45.000 đồng rồi bỏ chạy. Vụ án đã được Tòa án nhân dân huyện Thủ Đức (TP.HCM) đưa ra xét xử với mức án 8 tháng 20 ngày và 10 tháng dành cho hai tên “cướp vặt” này. Mức án có tính răn đe theo kiểu “phạt đèn vàng” ấy được nhiều người, trong đó có cả Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, cho là quá nặng đối với hai thiếu niên lần đầu lỡ dại…

Gần nửa tháng nay, nhiều người dân hầu như “nín thở” theo dõi phiên tòa xử “đại án” Phạm Công Danh và đồng phạm. “Nín thở” vì xúc cảm bởi số tiền thất thoát quá lớn, lên đến 9.000 tỉ đồng. Như một sự “luỹ tiến”, các vụ đại án sau cứ tăng to dần so với vụ đại án trước. Cụ thể như vụ đại án Bầu Kiên mức thiệt hại khoảng 1.700 tỉ đồng, đến vụ Huyền Như đã lên đến 4.000 tỉ đồng và bây giờ đến vụ Phạm Công Danh, số thất thoát đã vọt lên đến 9.000 tỉ!

Nhiều người dân thắc mắc cơ chế “đèn vàng” trong các hoạt động kinh tế, kinh doanh ở đâu mà để các đại gia “vượt đèn đỏ” quá sâu, gây mức thiệt hại cho xã hội quá lớn. Các cơ chế phòng ngừa tham nhũng, hối lộ, “cố ý làm trái” ra sao mà không thể ngăn chặn các vụ đại án khi mức thiệt hại của chúng chỉ bắt đầu mức ở nhẹ nhàng như vài tỉ đồng chẳng hạn?

Đành rằng đám tội phạm “cổ cồn trắng” rất tinh vi, tinh tướng, không ít người có cả bằng tiến sĩ, thạc sĩ, như vụ Dương Chí Dũng của Vinalines, thế nhưng lẽ ra trình độ của pháp luật, của an ninh kinh tế cũng phải “tinh vi” tương ứng để có thể phòng ngừa loại tội phạm này.

Tuy nhiên, cũng có nhiều vụ đại án mà người ta thấy là chẳng cần phải có trình độ thâm sâu gì lắm cũng có thể phát hiện tội phạm, như vụ tử tội Dương Chí Dũng cho nhập những con tàu, ụ nổi sửa chữa tàu thuộc dạng “ve chai” khổng lồ cho Vinalines mà chẳng ai phát hiện.

Nếu xét về mặt kinh tế, việc đầu tư để nâng tầm các cơ quan an ninh, kiểm soát các hoạt động kinh doanh sản xuất “vĩ mô” thì có lợi hơn nhiều so với các lãnh vực an ninh, trật tự khác. Thậm chí đó là chuyện sống còn đối với nền kinh tế còn yếu ớt của nước ta. Bởi vì như các loại bệnh tật, ung nhọt khác, loại bệnh “đại án” này trong nền kinh tế rất cần đến phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Tinh thần “thượng tôn pháp luật” không nên chỉ được thực hiện trong các vụ vi phạm “lộ thiên” như vụ “cướp bánh mì” và các vụ vượt đèn vàng, mà còn nên ở các vụ phức tạp, nhiều ẩn khuất khác, như vụ Trịnh Xuân Thanh chẳng hạn.

Mới đây, trong buổi tiếp xúc với cử tri Hà Nội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có khẳng định là sẽ xử lý “một cách chắc chắn, chặt chẽ, thận trọng, hiệu quả… mà vụ Trịnh Xuân Thanh là ví dụ”. Tổng bí thư cũng cho biết là sau những vụ đại án của Dương Chí Dũng, Nguyễn Đức Kiên, Huyền Như… sẽ tiếp tục xử các đại án, mà vụ Phạm Công Danh và đồng phạm chỉ là một trong 8 đại án ấy.

Tin vui là cơ chế “chống” trong công tác phòng chống tham nhũng “dường như đã được cả hệ thống, bộ máy tham gia với một khí thế mới”, như lời Tổng bí thư. Thế nhưng cũng có tin buồn cho người dân là còn những 7 đại án khác với những mức thất thoát hẳn không nhỏ so với các đại án trước.

Cơ chế “phòng” trong phòng chống tham nhũng cần đạt ở một tầm mức mới. Và có lẽ, các cơ xử chế “phạt đèn vàng” các hành vi phạm luật trong các lãnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chắc chắn sẽ được người dân hoan nghênh hơn là chuyện "phạt đèn vàng" trong giao thông hiện nay.

Đoàn Đạt

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào
Với mục tiêu không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chủ động đánh giá, dự báo sát tình hình; xây dựng các phương án, kể cả phương án xấu nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cơ chế 'đèn vàng' nhìn từ dòng tiền tham nhũng tuôn chảy