PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục Trưởng Cục Y tế Dự phòng ( Bộ Y tế) đã cho biết như thế về một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng dịch bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng ở các tỉnh phía Nam.
Theo ông Phu, muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết sống xung quanh chúng ta, chúng thường đẻ trứng ở những chỗ nước trong. Ổ lăng quăng (bọ gậy) - nguồn truyền bệnh sốt xuất huyết tập trung ở những vật dụng chứa nước trong như: chậu, lọ cắm hoa, cây cảnh, những dụng cụ chứa nước trên tất cả các tầng, sân thượng, lan can... tại các hộ gia đình. Vào mùa hè các ổ lăng quăng thường tập trung ở các khay nước thải điều hòa, dụng cụ chứa nước thải tủ lạnh. Ngoài ra còn có trong các dụng cụ và đồ vật chứa nước như: bể nước ăn, giếng nước, chum, vại, thùng phuy, bể nước nhà vệ sinh, xô, chậu, máng gia súc, gia cầm, bể cây cảnh, các đồ vật hoặc đồ phế thải, bát kê chạn, hốc cây, lon, hũ, chai, lọ phế thải, mảnh vỡ chum, vại, lốp xe, vỏ dừa...
“Thực tế, người dân vẫn chưa biết tác nhân gây sốt xuất huyết sinh sống ở đâu. Nhiều người dân cứ nghĩ muỗi vằn sinh sống và đẻ trứng ở những nơi bụi rậm, ao tù, nước đọng... Do đó, không ít người dân phòng, chống sốt xuất huyết là phát quang bụi rậm, làm sạch môi trường xung quanh. Đó là một sai lầm rất cơ bản. Muỗi vằn chỉ sống và sinh sản trong nước sạch, chứ không sống và sinh sản trong nước dơ bẩn, ao tù.”, ông Phu cho biết.
Cũng theo ông Phu, thời thời gian qua, ngành y tế cùng người dân đã tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết. Tuy nhiên, nhiều người dân chưa tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Người dân còn để các vật dụng chứa nước không thau rửa, các phế thải quanh nhà không được thu gom xử lý nên là ổ chứa lăng quăng của muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết.
Bên cạnh đó, một số hộ gia đình chưa hợp tác, chưa tạo điều kiện cho phun hóa chất diệt muỗi hoặc chỉ cho phun ở tầng 1 không cho phun ở các tầng trên nên không diệt được hết đàn muỗi mang mầm bệnh.
Hiện sốt xuất huyết là bệnh do muỗi vằn truyền, bệnh chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, để đảm bảo không có nơi sản sinh ra muỗi truyền sốt xuất huyết, Cục Y tế Dự phòng đề nghị, mọi người xung quanh, từng cá nhân ý thức, thay đổi từ những hành vi nhỏ hàng ngày nhằm loại trừ ổ lăng quăng ngay trong hộ gia đình, không có chỗ trú đậu cho muỗi, phối hợp với các cơ quan y tế trong các chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi phòng, chống dịch bệnh đảm bảo 100% các hộ gia đình và 100% các tầng, phòng trong nhà được phun hóa chất là yếu tố tiên quyết để hướng tới một môi trường sống lành mạnh không có sốt xuất huyết.
Theo Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, trong tháng 7 vừa qua đã có đến 848 trường hợp mắc sốt xuất huyết tăng 68% so với tháng trước (583 trường hợp). Điều đáng nói, số phường – xã ở TP.HCM có số người mắc sốt xuất huyết cũng tăng lên đáng kể, từ 129 phường – xã ở tháng 6 lên đến 139 phường – xã trong tháng 7.
Theo dự báo của Trung tâm tế dự phòng TP, số người mắc sốt xuất huyết còn sẽ tiếp tục gia tăng trong những tháng tới, đặc biệt là trong tháng 9 và tháng 10 tới.
Hồ Quang