Các chuyên gia cho rằng nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số, muốn chuyển đổi số trước hết phải chuyển đổi nhận thức.
Chuyển đổi số sẽ thay đổi cơ bản nền kinh tế
Theo các chuyên gia, chuyển đổi số có thể làm thay đổi cơ bản nền kinh tế trên tất cả các lĩnh vực then chốt, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững.
Chuyển đổi số ở Việt Nam hướng tới 3 trụ cột là: hạ tầng số, chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Các báo cáo cho thấy 3 trụ cột này đã có những bước tiến đáng kể.
Đối với hạ tầng số, hạ tầng viễn thông đã phủ rộng khắp toàn quốc hơn 600.000km cáp quang, với tốc độ truy nhập cao (> 27 MBps). Số thuê bao băng rộng cố định hơn 13 triệu; mạng di động phát triển, tỷ lệ phủ sóng đạt 99,7%. Tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh và có đường internet cáp quang băng thông rộng chiếm tỷ trọng lớn và gia tăng trong tương lai…
Đối với chính phủ số, Cổng dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 3.699 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; hơn 2,1 triệu tài khoản đăng ký (tăng hơn 2,8 lần so với cùng kỳ); hơn 122,7 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái. 41/63 tỉnh, thành phố triển khai 36.300 tổ công nghệ số cộng đồng đến tận thôn, xóm với gần 200.000 thành viên tham gia…
Đối với kinh tế số và xã hội số, theo số liệu từ Bộ Công Thương, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ (B2C) của Việt Nam có sự tăng trưởng đáng kể (doanh thu năm 2022 đã tăng trưởng lên 16,4 tỉ USD); lượng người mua sắm trực tuyến tại Việt Nam đạt mốc 60 triệu người; tỷ trọng đóng góp của kinh tế số trong GDP tiếp tục tăng.
Về tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP, theo Bộ Thông tin - Truyền thông, năm 2022, tỷ trọng kinh tế số của Việt Nam đạt 14,26% GDP cao hơn năm 2021 (11,91%) và mục tiêu đặt ra đến năm 2025 là 20%. Số lượng DN công nghệ số đạt 67.300, tăng gần 3.500 DN so với năm 2021…
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng trong điều kiện khó khăn của hoạt động sản xuất, kinh doanh, các DN cần phải tận dụng thời cơ để tiến hành thực hiện chuyển đổi số để tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Đây là vấn đề hết sức thiết thực, cần phải thực hiện càng sớm càng tốt.
“Việc đầu tư vào công nghệ số không hoàn toàn phục vụ mục đích lợi nhuận trước mắt, mà là cơ hội cho chặng đường phát triển công ty bền vững và lâu dài”, ông Thịnh nói.
Chung nhận định, bà Bùi Thị Hải Yến, Ủy viên Ban Chấp hành VCCI, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hanel chia sẻ: Nền kinh tế ứng dụng công nghệ số để tạo ra các cơ chế tự động thông minh thay thế con người trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
“Chính vì thế, năng suất lao động trong nền kinh tế số cao hơn trung bình gấp 3 - 4 lần so với năng suất lao động trong nền kinh tế truyền thống”, bà Yến nêu.
Không ít thách thức
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng quá trình chuyển đổi này còn chưa tương xứng với tiềm năng của quốc gia và gặp không ít thách thức.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng việc thực hiện chuyển đổi số không phải dễ, bởi đòi hỏi thiết bị máy móc và nền tảng phù hợp. Ngoài ra, các DN phải có đội ngũ nhân sự công nghệ cao đáp ứng các yêu cầu trên.
“Nhu cầu này thời gian qua dù các cơ sở đào tạo đã đáp ứng được phần nào, nhưng khách quan thì vẫn còn thiếu và yếu, đặc biệt là các chuyên gia có thể ứng dụng được công nghệ cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như trong nền kinh tế”, ông Thịnh nêu.
PGS-TS Phạm Quang Thao (Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) cũng cho rằng đầu tư cho chuyển đổi số là đầu tư để thay đổi, từ nhận thức, chiến lược, nhân lực, kết cấu hạ tầng tới giải pháp công nghệ, vì vậy, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn. Tuy vậy, việc phải đầu tư lớn về tài chính và nhân lực đã tạo rào cản lớn với các DN Việt.
“Chính vì thiếu vốn, nên nhiều DN cho rằng chuyển đổi số là “cuộc chơi” của các DN lớn. Vì thiếu vốn nên các DN nhỏ và vừa tại Việt Nam thường chọn “điện toán đám mây” là công nghệ để đầu tư nhiều nhất, bởi nó cho phép các DN mở rộng nhanh chóng khi có nhu cầu mà không phải đầu tư nhiều vốn vào kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin”, ông Thao nói.
Ông Thao cũng cho rằng việc xây dựng môi trường pháp lý hiện nay vẫn rất chậm, chưa theo kịp nhu cầu xã hội phát sinh, đặc biệt trong các lĩnh vực mới khi thực hiện chuyển đổi số.
Cụ thể là thiếu hành lang pháp lý cho phát triển kinh tế chia sẻ; chia sẻ, mở dữ liệu của cơ quan chính phủ, của doanh nghiệp; bảo vệ dữ liệu cá nhân, thông tin riêng tư; vấn đề quyền, đạo đức khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo... Điều này gây cản trở rất lớn cho quá trình chuyển đổi số.
Đặc biệt, ông Thao đề cập đến một thách thức từ nhận thức của DN. Theo đó, chuyển đổi số sẽ tác động tới toàn bộ tổ chức và hoạt động của DN, gây nên nhiều áp lực cho các nhà quản trị.
Nhận thức đóng vai trò quyết định
Để quá trình chuyển đổi số đồng bộ và bao trùm, trở thành động lực phát triển bền vững nền kinh tế, các chuyên gia nhấn mạnh rằng cần hoàn thiện thể chế, tạo khuôn khổ pháp luật đẩy mạnh phát triển kinh tế số; tập trung phát triển hạ tầng số, nền tảng số là nhiệm vụ hàng đầu.
Theo ông Phạm Quang Thao, cần xây dựng nền tảng, thể chế cho các mô hình kinh doanh kinh tế số thương mại điện tử, tài chính số, ngân hàng số; cải cách thể chế để thu hút đầu tư công nghệ số trong các lĩnh vực đầu tư mạo hiểm theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho các hoạt động góp vốn, mua cổ phần, mua, bán, sáp nhập DN công nghệ số…
Đặc biệt, ông Thao nhấn mạnh rằng cần chuyển đổi nhận thức (nhận thức số). Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số, muốn chuyển đổi số trước hết phải chuyển đổi nhận thức.
“Coi số hóa nền kinh tế là cuộc cách mạng chính sách, có thái độ tích cực về công nghệ và sáng tạo, chấp nhận những công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới. Các cơ quan nhà nước có vai trò dẫn dắt, định hướng, có phương thức quản lý linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chuyển đổi số”, ông Thao nêu.
Ở góc nhìn DN, bà Bùi Thị Hải Yến cho rằng, để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam trong nền kinh tế số, quan trọng nhất là nâng cao nhận thức cho DN về bản chất thực sự của chuyển đổi số. Chỉ khi hiểu đúng thì mới làm đúng.
Ngoài ra, chuyển đổi số là quá trình tự thân, DN phải tự làm. Các chuyên gia công nghệ số chỉ cung cấp phương pháp và công cụ thực hiện, còn lại là DN tự lựa chọn con đường chuyển đổi hướng tới thông minh hóa sản xuất kinh doanh và quản lý DN của mình.