Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, khả năng tính toán lượng tử của nước này đã có bước nhảy vọt với việc giao chip lượng tử siêu dẫn đầu tiên được phát triển trong nước cho một viện nghiên cứu khoa học giấu tên ở Trung Đông.
Việc bán hàng này do SpinQ, công ty có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến thực hiện. Việc này diễn ra ngay sau khi các chip lượng tử của Trung Quốc được bán cho các nước phương Tây. Điều này thể hiện sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong lĩnh vực lượng tử.
Được thành lập vào năm 2018, SpinQ đã tự lập một trung tâm R&D (nghiên cứu & phát triển) máy tính lượng tử siêu dẫn và dây chuyền sản xuất chip lượng tử siêu dẫn.
Chip được giao có tên QPU, đại diện cho một dự án thành công trong việc sản xuất hàng loạt công nghệ theo tiêu chuẩn, một thành tựu quan trọng cho ngành công nghiệp.
“Chúng tôi rất vinh dự vì sự hợp tác này. Việc cung cấp chip lượng tử siêu dẫn cho thấy kỹ năng và sự đổi mới của chúng tôi trong lĩnh vực điện toán lượng tử. Nó cũng thể hiện cam kết của chúng tôi với sự hợp tác toàn cầu trong lĩnh vực này”, Xiang Jingen, người sáng lập và Giám đốc điều hành SpinQ, chia sẻ với tờ Nhật báo Khoa học và Công nghệ do nhà nước sở hữu.
Điện toán lượng tử là lĩnh vực trong ngành khoa học máy tính và vật lý, liên quan đến việc sử dụng các hiệu ứng lượng tử để thực hiện các phép tính. Trong khi máy tính truyền thống sử dụng bit để biểu diễn dữ liệu (bit có thể là 0 hoặc 1), máy tính lượng tử sử dụng qubit, đơn vị thông tin lượng tử có khả năng tồn tại ở cả hai trạng thái 0 và 1 cùng lúc. Điều này dẫn đến một số đặc tính độc đáo của điện toán lượng tử, như khả năng thực hiện nhiều phép tính đồng thời, giải các bài toán phức tạp nhanh chóng hơn so với máy tính truyền thống trong một số trường hợp cụ thể. Các ứng dụng tiềm năng của điện toán lượng tử gồm việc giải các vấn đề tối ưu hóa, mô phỏng phân tử và vật liệu, phân tích dữ liệu lớn.
Sự cạnh tranh ngày càng tăng trong công nghệ thông tin lượng tử được phản ánh qua việc Bộ Thương mại Mỹ đưa một số doanh nghiệp và tổ chức công nghệ lượng tử Trung Quốc vào danh sách đen hồi tháng 11.2021.
Danh sách này gồm các đơn vị như Hefei National Laboratory for Physical Sciences at Microscale (HFNL, đã phát triển chiếc vệ tinh khoa học lượng tử đầu tiên trên thế giới là Micius), QuantumCTek Co (có nguồn gốc từ HFNL, chuyên sản xuất các sản phẩm liên quan đến an toàn lượng tử trong truyền thông) cùng công ty con của nó ở Thượng Hải.
SpinQ là một trong những công ty ngành điện toán lượng tử Trung Quốc đạt được sự hiện diện nhanh nhất trên thị trường quốc tế. Trong giao dịch bán chip lượng tử siêu dẫn, SpinQ cũng tham gia trao đổi kỹ thuật với người mua.
Zou Hongyan, Phó chủ tịch SpinQ, cho biết trên trang web của công ty: “Đây là một quá trình học tập cùng có lợi, cung cấp cho chúng tôi những hiểu biết toàn cầu vô giá và thông tin tiên tiến”.
Theo Nhật báo Khoa học và Công nghệ, SpinQ đã mở rộng các sản phẩm điện toán lượng tử của mình tới 5 châu lục với các khách hàng ở Mỹ, Canada, Úc, Anh, Đức, Thụy Sĩ, Na Uy, Slovenia, Nga, Brazil, Nhật Bản cũng như các quốc gia và khu vực khác.
“Từ góc độ toàn cầu, Mỹ dẫn đầu ngành thông tin lượng tử, trong đó Trung Quốc xếp hạng cao ở vị trí thứ hai. Tuy nhiên, khoảng cách phát triển công nghệ không quá lớn”, Xiang Jingen nói với tờ 21st Century Business Herald vào tháng 9.
Điện toán lượng tử bao gồm nhiều cách triển khai vật lý khác nhau, như siêu dẫn, chất bán dẫn, lưới ion và hệ thống lượng tử photon, mỗi loại đều có những ưu điểm và hạn chế riêng. Điện toán lượng tử siêu dẫn, dựa trên các mạch siêu dẫn, là công nghệ phát triển nhanh nhất và sẵn sàng nhất cho ngành.
Chip lượng tử, giống như CPU trong máy tính cổ điển, là trụ cột của máy tính lượng tử. Chúng chứa nhiều bit lượng tử (qubit) và sử dụng các chuỗi xung được gửi bởi hệ thống đo lường và điều khiển lượng tử để thực hiện các hoạt động cổng lượng tử giữa các qubit, cho phép thực hiện các tính toán lượng tử cụ thể.
Việc sản xuất chip lượng tử siêu dẫn tiêu chuẩn rất khó khăn vì thiết kế phức tạp, cần đảm bảo các qubit hoạt động ổn định và những thách thức về vật liệu, công nghệ được sử dụng để chế tạo và điều khiển chúng.
Thông qua nghiên cứu và phát triển độc lập, SpinQ cho biết đã làm chủ được các công nghệ chủ chốt, từ thiết kế chip đến máy móc hoàn chỉnh và thuật toán ứng dụng. Dây chuyền sản xuất chip độc quyền của SpinQ có khả năng sản xuất chip lượng tử siêu dẫn ổn định.
Công ty có ba dây chuyền sản xuất chính gồm máy tính lượng tử siêu dẫn lớn dành cho các kịch bản công nghiệp, máy tính lượng tử nhỏ dành cho mục đích giáo dục và nền tảng đám mây lượng tử đa năng.
Xiang Jingen cho biết: “Trong tương lai, SpinQ đặt mục tiêu tăng cường chiến lược quốc tế hóa, thúc đẩy sự thịnh vượng chung ở chuỗi công nghiệp điện toán lượng tử toàn cầu thông qua việc tăng cường hợp tác và trao đổi kỹ thuật quốc tế”.
Theo báo cáo mới nhất của công ty tư vấn toàn cầu McKinsey &Co, giá trị thị trường ước tính của điện toán lượng tử có thể đạt tới 93 tỉ USD vào năm 2040, trong khi tổng tiềm năng của thị trường công nghệ lượng tử dự kiến sẽ đạt 106 tỉ USD cùng năm đó.
Khi SpinQ đang phát triển mạnh trong ngày này, Alibaba vừa đóng cửa phòng thí nghiệm nghiên cứu điện toán lượng tử. Không những thế, Alibaba tặng luôn phòng thí nghiệm này lẫn trang thiết bị cho Đại học Chiết Giang ở thành phố Hàng Châu, Trung Quốc.
Việc Alibaba đóng cửa phòng thí nghiệm nghiên cứu điện toán lượng tử sẽ dẫn đến việc cắt giảm khoảng 30 việc làm. Một số người trong đó được Alibaba giúp tìm việc tại Đại học Chiết Giang.
Người phát ngôn của Học viện DAMO, sáng kiến nghiên cứu nội bộ của Alibaba gồm cả phòng thí nghiệm, cho biết học viện sẽ tiếp tục tập trung vào nghiên cứu công nghệ với mục tiêu trở thành người đi đầu trong nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI).
Một người am hiểu vấn đề nói với Reuters rằng phòng thí nghiệm này với 30 nhân viên chỉ đại diện cho một phần nhỏ trong đội ngũ R&D tổng thể của Alibaba.
Nguồn tin Reuters cho biết Đại học Chiết Giang sẽ cố gắng tuyển dụng những nhân viên bị ảnh hưởng để thực hiện nghiên cứu lượng tử của riêng mình.
Học viện DAMO được Alibaba thành lập vào năm 2017 nhằm khám phá, nghiên cứu các công nghệ tiên tiến như AI và học máy. Học viện từng được thúc đẩy nghiên cứu các lĩnh vực như metaverse, robot và thiết kế chất bán dẫn.
Việc đóng cửa phòng thí nghiệm là thay đổi nội bộ mới nhất của Alibaba. Gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc đang trong quá trình tái cơ cấu dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Joseph Tsai và Giám đốc điều hành Eddie Wu, hai người bạn thân tín của Jack Ma (đồng sáng lập Alibaba).
Tuần trước, rộ tin Alibaba đã bắt đầu cải tổ hoạt động kinh doanh điện toán đám mây của mình bằng cách đưa các chuyên gia kỳ cựu vào vị trí lãnh đạo mới.
Eddie Wu cho biết mỗi hoạt động kinh doanh của Alibaba sẽ đối mặt với thị trường một cách độc lập hơn và họ sẽ tiến hành đánh giá chiến lược để phân biệt giữa hoạt động kinh doanh "cốt lõi" với "không cốt lõi".
Khoảng hai tuần trước, Alibaba mất khoảng 20 tỉ USD giá trị thị trường do thông báo sẽ không tiến hành tách toàn bộ đơn vị điện toán đám mây sau khi đạt mức tăng trưởng doanh thu 9% trong quý 3/2023, với lý do không chắc chắn về việc Mỹ có hạn chế xuất khẩu chip dùng trong các ứng dụng AI sang Trung Quốc hay không.
Trước thông báo từ bỏ kế hoạch tách bộ phận đám mây, Alibaba đang trong quá trình tái cơ cấu để chia công ty thành 6 phần, điều này được tiết lộ vào tháng 3.
Để kiểm soát chi phí, Alibaba đã giảm lực lượng lao động kể từ năm 2022 và sa thải hơn 30.000 nhân viên trong các quý vừa qua. Song trong bức thư nội bộ hôm 22.11, Alibaba đã bác tin đồn có kế hoạch sa thải 25.000 nhân viên.