Luật sư Kiều Anh Vũ cho rằng việc khởi kiện là một hành động pháp lý phù hợp để cơ quan có thẩm quyền xem xét theo quy định của pháp luật, tránh những cuộc khẩu chiến không cần thiết.

Muốn đòi bà Phương Hằng bồi thường 1.000 tỉ, bà Giàu phải chứng minh được thiệt hại

Lam Thanh | 02/06/2021, 17:00

Luật sư Kiều Anh Vũ cho rằng việc khởi kiện là một hành động pháp lý phù hợp để cơ quan có thẩm quyền xem xét theo quy định của pháp luật, tránh những cuộc khẩu chiến không cần thiết.

TAND quận 1, TP.HCM vừa chấp nhận thụ lý vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn Lê Thị Giàu - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Bình Tây, và bị đơn Nguyễn Phương Hằng - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đại Nam.

kien-tung.jpg
Bà Nguyễn Phương Hằng bị kiện đòi bồi thường 1.000 tỉ đồng 

Trong đơn khởi kiện, bà Giàu kể năm 2017 bà có quan hệ quen biết với bà Hằng khi đến viếng chùa Phước Sơn thiền viện tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Bà Giàu cho rằng bà và bà Hằng không có quan hệ làm ăn, không phải là bạn bè, nhưng thời gian này bà Hằng thường nhắn tin cho bà với lời lẽ xúc phạm, mang tính đe dọa, bà đã lập vi bằng về các tin nhắn này.

Bà Giàu cho rằng bà Phương Hằng đã xúc phạm danh dự, uy tín của bà khi bịa đặt, vu khống bà "ép bức sư Bửu Chánh trụ trì chùa Phước Sơn trả lại tiền và xe cho bà Hằng", "thùng tiền công đức của chùa là do bà Giàu quản lý", "bà Giàu là "doanh nhân siêu lừa đảo", hung dữ, mua tượng Phật và hoa không trả tiền"...

Bà Giàu cũng cho rằng bà Hằng xúc phạm uy tín thương hiệu mì Lá bồ đề, dầu Nhị thiên đường do bà Giàu làm chủ đang hoạt động là thương hiệu đểu, chứng nhận giả. Từ đó, bà Lê Thị Giàu đã khởi kiện, yêu cầu TAND quận 1 buộc bà Nguyễn Phương Hằng chấm dứt ngay hành vi xúc phạm danh dự, uy tín của bà, buộc bà Hằng gỡ bài nói về bà, công khai xin lỗi và cải chính trên mạng YouTube.

Đồng thời, bà Giàu cũng yêu cầu tòa án buộc bà Nguyễn Phương Hằng bồi thường tổn thất vật chất và tinh thần cho bà với số tiền 1.000 tỉ đồng.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới về vấn đề này, luật sư Kiều Anh Vũ cho hay theo quy định thì trong thời hạn 15 ngày sau khi nhận được thông báo thụ lý, bị đơn sẽ có ý kiến về yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Về quyền khởi kiện, nếu bà Giàu cho rằng bà Hằng có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì bà Giàu có quyền khởi kiện. Quyền khởi kiện để bảo vệ quyền dân sự được quy định rõ trong Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự.

Do vậy, việc khởi kiện là một hành động pháp lý phù hợp để cơ quan có thẩm quyền xem xét theo quy định của pháp luật, tránh những cuộc khẩu chiến không cần thiết.

Tuy vậy, cần phải nói ngay rằng quyền khởi kiện, yêu cầu khởi kiện có được chấp nhận hay không là các vấn đề khác nhau. Tòa án thụ lý vụ kiện không có nghĩa sẽ chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn mà còn phụ thuộc nhiều vào quy định của pháp luật, chứng cứ… Có quyền khởi kiện nhưng không phải kiện sao cũng được. Về phía bị đơn, họ cũng có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn.

Về yêu cầu khởi kiện của bà Giàu, theo thông báo thụ lý vụ án, bà Giàu yêu cầu tòa án buộc bị đơn: chấm dứt hành vi vi phạm uy tín, nhân phẩm và “thương hiệu sản phẩm doanh nghiệp của nguyên đơn”. Cùng với đó, buộc bị đơn gỡ bài trên mạng của bị đơn nói về nguyên đơn; buộc bị đơn công khai xin lỗi và cải chính thông tin trên YouTube; buộc bị đơn bồi thường tổn thất về vật chất và tinh thần cho nguyên đơn theo quy định của pháp luật.

Ông Vũ cho rằng bà Giàu khởi kiện thì bà Giàu phải chứng minh hành vi vi phạm của bà Hằng. Chứng cứ, hồ sơ vụ án thì tòa án sẽ xem xét. Trên cơ sở xác định có hành vi vi phạm hay không thì mới chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Và cho dù, giả định như có hành vi vi phạm thì không phải các yêu cầu khởi kiện đều được chấp nhận.

Trong các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, cần chú ý đến yêu cầu về “thương hiệu sản phẩm doanh nghiệp của nguyên đơn”, cần xác định rõ chủ thể yêu cầu là ai, người bị xâm phạm (nếu có) là ai, cần phải tách bạch tư cách cá nhân và tư cách của công ty để yêu cầu.

“Nếu có liên quan đến công ty thì về thủ tục, tôi cho rằng cần đưa công ty tham gia vụ án với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan”, ông Vũ nêu.

"Về bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần, nguyên đơn có yêu cầu 1.000 tỉ đồng hay không thì tôi không rõ. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật Dân sự, để yêu cầu bồi thường thiệt hại thì phải có thiệt hại và phải chứng minh được thiệt hại, nếu thật sự có yêu cầu 1.000 tỉ thì phải chứng minh thiệt hại chừng ấy", ông Vũ nói.

Theo điều 592 Bộ luật Dân sự, thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại khác do luật quy định.

Ngoài ra, người bị thiệt hại còn có thể được bù đắp tổn thất về tinh thần mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, tương đương 14.900.000 đồng theo mức lương cơ sở hiện nay.

Về tạm ứng án phí của nguyên đơn, theo điểm d khoản 1 điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành thì người yêu cầu bồi thường về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín thuộc trường hợp được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí.

“Tóm lại, vụ kiện đã được đưa đến tòa án, cần phải chờ đợi diễn biến tiếp theo như thế nào, chờ đợi phán quyết công minh của tòa án. Trong quá trình giải quyết vụ án, các bên vẫn có thể thương lượng, hoặc được tòa án hòa giải hoặc thậm chí nguyên đơn rút đơn khởi kiện nên sẽ còn rất nhiều khả năng xảy ra”, ông Vũ nêu.

Theo ông Vũ, vụ kiện này có thể là một tiền lệ cho nhiều vụ kiện khác vì trong thời gian qua bà Hằng đã có nhiều phát ngôn không ngại đụng chạm đến rất nhiều người. Và ngược lại, chính bà cũng là nạn nhân của nhiều người khác trong việc bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín trên mạng, nên có khả năng trong thời gian tới, nhiều vụ kiện đòi bồi thường do danh dự, nhân phẩm bị xúc phạm sẽ còn diễn ra.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Muốn đòi bà Phương Hằng bồi thường 1.000 tỉ, bà Giàu phải chứng minh được thiệt hại