Một trong những giải pháp tiềm năng nhất để giảm thâm hụt thương mại với ông Donald Trump là nhắm vào các khoản trợ cấp mà chính phủ Trung Quốc hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu nước này thông qua việc duy trì các tiêu chuẩn môi trường lỏng lẻo suốt nhiều năm qua.

Muốn giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc, Mỹ phải đánh thuế phát thải

Nhàn Đàm | 09/04/2017, 16:16

Một trong những giải pháp tiềm năng nhất để giảm thâm hụt thương mại với ông Donald Trump là nhắm vào các khoản trợ cấp mà chính phủ Trung Quốc hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu nước này thông qua việc duy trì các tiêu chuẩn môi trường lỏng lẻo suốt nhiều năm qua.

Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump có ý định chấm dứt mọi cam kết về giảm phát thải của Mỹ sau khi nhậm chức, có lẽ ông cho rằng bất cứ một chính sách hạn chế khí thải nào cũng sẽ đồng nghĩa với một tác động xấu đối với tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm và tăng khả năng cạnh tranh cho nền kinh tế của mình.

Tuy nhiên, có vẻ như vị tỷ phú bất động sản này chưa nắm được hết các lợi thế mà việc cắt giảm khí thải đem lại: gia tăng sức ép lên Trung Quốc. Trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Florida cuối tuần này, một trong những mục tiêu quan trọng nhất với ông Donald Trump là tìm giải pháp để làm giảm thâm hụt thương mại với nền kinh tế số hai thế giới. Một trong những giải pháp tiềm năng nhất để thực hiện mục tiêu là nhắm vào các khoản trợ cấp mà chính phủ Trung Quốc hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu nước này thông qua việc duy trì các tiêu chuẩn môi trường lỏng lẻo suốt nhiều năm qua.

Nhìn chung, nền kinh tế thiên về sản xuất mạnh mẽ của Trung Quốc hiếm khi nào có mức sử dụng năng lượng ít hơn Mỹ, lượng phát thải khí nhà kính của Trung Quốc cũng lớn hơn Mỹ khá nhiều xét trên một đơn vị sản lượng kinh tế. Tình trạng này phổ biến ở hầu hết các lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc như thép, xi măng cho đến các sản phẩm điện tử... Đây được xem là một khoản trợ giá ngầm của Bắc Kinh cho các doanh nghiệp của mình bằng cách cho phép các hoạt động sản xuất có mức độ ô nhiễm môi trường cao, qua đó giúp các doanh nghiệp này giảm chi phí sản xuất do tiết kiệm được các chi phí khá lớn về môi trường. Chính vì thế, một trong những giải pháp hàng đầu để cân bằng thương mại Mỹ-Trung là buộc Trung Quốc phải giảm lượng phát thải carbon của mình.

Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Donald Trump lại thiết lập chiến lược điều chỉnh thương mại của mình theo một quan điểm có thể khá lạc hậu rằng Trung Quốc gian lận thương mại bằng cách thao túng tỷ giá. Ở thời điểm hiện tại, dù đồng nhân dân tệ vẫn chưa được định giá bởi thị trường nhưng tỷ giá của nó cũng đã trở nên hợp lý hơn nhiều so với cách đây vài năm.

Chính vì nhận thức sai lầm này nên kế hoạch điều chỉnh thương mại với Trung Quốc của Nhà Trắng đang là tìm cách tăng mức áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ nước này. Đề xuất này đang bị phản đối dữ dội bởi các nhà bán lẻ cũng như người dân Mỹ, do họ sẽ phải mua hàng hóa với giá cao hơn trước rất nhiều. Ngoài ra, điều này cũng làm dấy lên lo ngại Mỹ đang vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), có thể bị kiện và thua cuộc.

Một giải pháp khôn khéo hơn mà Tổng thống Donald Trump có thể làm trong vấn đề này là điều chỉnh thuế về môi trường/phát thải đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc. Điều này vừa đảm bảo đem lại lợi thế cho các công ty Mỹ, lại vừa phù hợp với các quy định của WTO. Nếu thực hiện giải pháp này, chính quyền Mỹ có thể đánh thuế môi trường/phát thải lên hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia đang có tiêu chuẩn môi trường thấp hơn Mỹ,đồng thời giảm các khoản thuế môi trường mà các công ty Mỹ đang phải gánh chịu khi xuất khẩu hàng hóa sang các quốc gia đó. Điều này giúp giảm chi phí sản xuất hoặc giảm giá thành sản phẩm. Không nghi ngờ gì việc giải pháp này sẽ giúp thu hẹp đáng kể mức thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ với Trung Quốc hiện nay.

Để thực hiện được giải pháp đánh thuế phát thải đối với hàng hóa nhập khẩu một cách phù hợp với các quy định của WTO, Mỹ cũng sẽ phải đánh thuế phát thải với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa trong nước.

Tuy nhiên, do lượng khí phát thải của các doanh nghiệp Mỹ thấp hơn đáng kể so với các doanh nghiệp Trung Quốc nên điều này đồng nghĩa với việc gia tăng lợi thế cạnh tranh đáng kể cho Mỹ. Nhưngđến thời điểm hiện tại, nó vẫn đang gây lo ngại cho các nghị sĩ của đảng Cộng Hòa và kể cả những nghị sĩ bảo thủ của đảng Dân Chủ, khi cho rằng việc đánh thuế phát thải với các doanh nghiệp trong nước sẽ làm sụt giảm tăng trưởng kinh tế và giảm tạo việc làm mới.

Điều này có thể đúng, nhưng những lợi ích khác mà kinh tế Mỹ nhận được nếu thực hiện giải pháp này cũng là rất nhiều: ngoài việc tăng sức cạnh tranh với Trung Quốcthì nó cũng sẽ thúc đẩy tiến bộ công nghệ và đầu tư cơ sở hạ tầng mới, cung cấp cho các doanh nghiệp Mỹ đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng một sự ổn định và hợp lý về giá thành sản phẩm. Đó là nền tảng để Mỹ tiến tới nền kinh tế đổi mới, công nghệ cao hơn, sạch hơn.

Ở thời điểm hiện tại, hầu hết các công ty Mỹ đều hiểu rằng cuộc cách mạng công nghệ sạch đang được tiến hành hiện nay sẽ có thể thúc đẩy tăng trưởng, tạo thêm nhiều việc làm và mang đến sự thịnh vượng cho tương lai. Nếu Mỹ chọn cách giảm thiểu các quy định về môi trường của mình theo kiểu Trung Quốc trong khi các nền kinh tế phát triển khác thúc đẩy điều này, thì kinh tế Mỹ sẽ nhanh chóng rơi vào tụt hậu và đánh mất vị trí số một thế giới.

Kết quả là khi Tổng thống Donald Trump quay lưng lại với các chính sách giảm ô nhiễm và cải thiện môi trường của Barack Obama, Trung Quốc đã rất nhanh chóng tỏ ý muốn lấp vào khoảng trống để nắm giữ vị trí nhà lãnh đạo toàn cầu về chống biến đổi khí hậu, mặc dù phần lớn công nghệ sản xuất của nước này vẫn còn tương đối lạc hậu và có nguy cơ ô nhiễm môi trường khá cao.

Việc nắm giữ vị trí lãnh đạo thế giới về vấn đề khí hậu và môi trường, Trung Quốc có thể thu được nhiều lợi ích cho nền kinh tế của mình thông qua việc cải thiện môi trường nói trên. Bằng cách theo đuổi chính sách ngược lại, ông Trump có thể làm suy yếu toàn bộ ngành sản xuất của Mỹ hiện tại trên danh nghĩa bảo hộ và thúc đẩy phát triển, đồng thời tự vứt bỏ đi vị trí dẫn đầu vốn có của mình trong lĩnh vực khí hậu môi trường và trao nó cho một Trung Quốc không xứng đáng.

Ông Donald Trump đã từng tuyên bố rằng, các tiêu chuẩn về môi trường của Mỹ hiện nay cao hơn Trung Quốc nhiều lần, sự khác biệt này giữ vai trò quan trọng đối với các ngành công nghiệp của Mỹ.

Giải pháp thông minh trong trường hợp này không phải là tự hạ thấp thứ vốn là điểm mạnh của mình,mà là từ vị trí dẫn đầu để trừng phạt các đối tác thương mại có tiêu chuẩn môi trường thấp hơn. Đó là một lợi thế lớn trong cuộc cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung đồng thời lại không vi phạm các quy định của WTO mà ông Donald Trump đang sở hữu, nhưng có vẻ như vịTổng thống lại không mấy mặn mà.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Muốn giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc, Mỹ phải đánh thuế phát thải