Việc thực hiện hạn chế phương tiện cá nhân cần xem xét tới việc tổ chức giao thông, lộ trình thực hiện, khả năng đáp ứng của vận tải công cộng, đảm bảo nguyên tắc đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nói.

Muốn hạn chế phương tiện cá nhân phải đảm bảo nhu cầu đi lại cho dân

29/03/2019, 11:10

Việc thực hiện hạn chế phương tiện cá nhân cần xem xét tới việc tổ chức giao thông, lộ trình thực hiện, khả năng đáp ứng của vận tải công cộng, đảm bảo nguyên tắc đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nói.

Bộ GTVT họp báo quý 1/2019 - Ảnh: LT

Cát Linh - Hà Đông hoàn thành trong tháng 4.2019

Tại cuộc họp báo quý 1/2019 của Bộ GTVT chiều ngày 28.3, trả lời báo chí về vấn đề tiến độ của dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đặc biệt là những hình ảnh một số hạng mục đã hư hỏng, kính nứt vỡ, lan can thang cuốn hư hỏng, nhiều lớp vữa chát đã bong tróc để hở nhiều ốc vít…, Phó giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án (QLDA) Đường sắt Vũ Hồng Phương cho biết, dự án vẫn trong quá trình thi công và chưa được nghiệm thu nên chưa hoàn thiện.

Nguyên nhân, theo ông Phương là trong quá trình thi công các hạng mục đã gây va đập và người dân đi lại gây ra, tại một số điểm thì có dấu hiệu bị phá hoại. Ban QLDA đã giao cho tổng thầu sửa chữa toàn bộ trước khi bàn giao.

Đại diện tổng thầu Trung Quốc cũng cho hay, một số tấm kính lan can lối lên xuống tại một số ga đã bị phá hoại do hạng mục này nằm ngoài khu vực bảo vệ của nhà ga. Có những tấm kính ở ga Vành đai 3 đã phải thay 5 lần do hư hỏng. Tuy nhiên, việc thay thế chưa thể làm ngay do phải đặt kính tại Trung Quốc.

Ông Vũ Hồng Phương cũng khẳng định, hiện chỉ còn 1% hạng mục phụ như mái che, thang cuốn, hệ thống cảnh quan cây xanh. “Ban QLDA đang chỉ đạo tổng thầu, quyết tâm hoàn thành trong tháng 4.2019”, ông Vũ Hồng Phương nói.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, để dự án đi vào khai thác thương mại còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó, có việc đánh giá an toàn hệ thống, đăng kiểm các phương tiện, thiết bị, nghiệm thu, bàn giao từ các cơ quan liên quan và từ tổng thầu.

Hạn chế phương tiện cá nhân là cần thiết

Liên quan đến đề xuất cấm xe máy ở Hà Nội và TP.HCM, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, việc Chính phủ giao Hà Nội và TP.HCM xây dựng đề án hạn chế phương tiện cá nhân là cần thiết.

“Tuy nhiên, việc thực hiện cần xem xét tới việc tổ chức giao thông, lộ trình thực hiện, khả năng đáp ứng của vận tải công cộng, đảm bảo nguyên tắc đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh đồng thời cho biết, Hà Nội cũng đang trong quá trình xây dựng đề án. Còn rất nhiều vấn đề cần được nghiên cứu, đánh giá, phân tích trước khi đưa ra được phương án cuối cùng.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng khẳng định quan điểm của Bộ GTVT là phải có lộ trình rõ ràng, phải song song với việc tổ chức giao thông tốt và phải đảm bảo sao cho người dân đi lại thuận lợi.

Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) Trần Bảo Ngọc cũng cho rằng, việc hạn chế xe máy, thậm chí là cấm hoạt động đã triển khai ở một số đô thị trên thế giới. Đây được coi là một trong những giải pháp để đảm bảo an toàn giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

“Tuy nhiên, giải pháp này phải đi kèm việc đáp ứng khả năng của vận tải công cộng, kết nối tốt các loại hình vận tải trong đô thị, có không gian giao thông tĩnh để đi bộ, bãi đỗ xe để gửi xe cá nhân đi phương tiện công cộng”, Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc khẳng định.

Kết nối dữ liệu bằng lái với CSGT vào 1.6

Đối với những câu hỏi liên quan đến việc kết nối dữ liệu bằng lái xe với Cục Cảnh sát giao thông, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện khẳng định Tổng cục Đường bộ vừa lập tổ công tác liên ngành thực hiện rà soát các vấn đề cần phối hợp, xử lý.

“Tổ công tác được thành lập với nhiệm vụ xây dựng và thực hiện giải pháp kết nối, chia sẻ dữ liệu quản lý giấy phép lái xe và dữ liệu bằng lái bị tạm giữ, tước quyền sử dụng theo quy định pháp luật, phục vụ công tác quản lý nhà nước của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) và Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), ông Nguyễn Văn Huyện cho biết đồng thời khẳng định vào ngày 1.6 tới, hệ thống sẽ được kết nối trên toàn quốc. Sau đó, các bên sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng dùng chung để quản lý bằng lái xe.

Không dùng gầm cầu vượt làm bãi đỗ xe

Bộ GTVT không đồng tình với việc sử dụng khu vực lưu không dưới chân cầu vượt để làm bãi đỗ xe, giải thích cho điều này, Phó Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông Bộ GTVT Lê Thị Thu Hà khẳng định, gầm cầu là phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nhằm giữ an toàn giao thông và đảm bảo khai thác hiệu quả, an toàn công trình.

“Theo mọi thiết kế các dự án xây dựng cầu vượt không có hạng mục cho trông giữ xe. Bên cạnh đó, các quy định cũng yêu cầu các kho chứa vật liệu nổ phải để xa công trình giao thông theo những khoảng cách nhất định. Trong khi đó, phương tiện giao thông đều chứa nhiên liệu dễ cháy nổ”, bà Lê Thị Thu Hà khẳng định.

Cũng theo bà Hà, các công trình giao thông cũng cần được bảo trì bảo dưỡng thường xuyên nên việc trở thành bãi xe sẽ khiến công tác này gặp khó, không đảm bảo tuổi thọ cũng như công năng của công trình.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng chia sẻ thêm, việc sử dụng gầm cầu vượt làm bãi đỗ xe không phải chưa từng có trên thế giới, ví dụ như tại Đài Loan. “Về vấn đề này, trong quá trình sửa đổi Luật chúng tôi sẽ đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
9 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Muốn hạn chế phương tiện cá nhân phải đảm bảo nhu cầu đi lại cho dân