Mỹ đã bất ngờ đưa ra một dự thảo mới để trừng phạt hành động thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên nhẹ hơn những tuyên bố trước đây lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, với mục đích khiến Trung Quốc và Nga không bác bỏ nghị quyết này.
Ban đầu, Mỹ đòi cấm vận nghiêm ngặt việc xuất khẩu dầu sang Triều Tiên, phong tỏa tài sản của các quan chức và lãnh đạo nước này là ông Kim Jong-un.
Tuy nhiên, vào tối 10.9 (giờ Mỹ) các nhà ngoại giao nước này cho biết dự thảo nghị quyết trừng phạt mới đã được giảm nhẹ mức đóng băng tài sản và chỉ tập trung kiểm soát các kho dầu của Triều Tiên thay vì cấm vận xuất khẩu toàn diện.
Ngoài ra chính quyền Mỹ cũng loại bỏ đề xuất cấm người Triều Tiên lao động ở nước ngoài và kiểm tra bằng vũ lực đối với tất cả tàu hàng nghi đang chở hàng cấm theo tinh thần nghị quyết trừng phạt của LHQ. Biện pháp cấm xuất khẩu hàng dệt may của Triều Tiên thì vẫn được giữ nguyên.
Như vậy, Mỹ đã nhượng bộ bằng cách giảm hoặc hủy bỏ 4/5 đề xuất trừng phạt ban đầu, nhằm tìm kiếm sự ủng hộ đến từ Nga và Trung Quốc hai nước có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Nga và Trung Quốc cảnh báo rằng họ sẽ không cho phép bất cứ hành động nào có thể dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ Triều Tiên được thông qua. Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) cho biết mỗi ngày Triều Tiên nhập khoảng 10.000 thùng dầu thô chủ yếu là từ Trung Quốc.
Ngoài ra, theo Trung tâm Thương mại Quốc tếTriều Tiên đã nhập khẩu tới 115 triệu USD sản phẩm dầu tinh chế - xăng dầu và nhiên liệu máy bay từ Trung Quốc trong năm ngoái. Nga xuất khẩu khoảng 1,7 triệu USD xăng dầu sang Triều Tiên mỗi năm.
Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-Wha tuyên bố rằng: "Chúng tôi đã nói rõ với Mỹ rằng dầu mỏ phải được đưa vô gói trừng phạt này".
Dù cơ hội thông qua dự thảo trừng phạt này là chưa rõ ràng nhưng bà Kang nói bà hy vọng sẽ "có những hiệu quả đáng kể gây áp lực kinh tế lớn lên Triều Tiên".
Ái Vi (theo Daily Mail)