Theo trang tin của Hạm đội Thái Bình Dương, Hải quân Mỹ (CPF.navy), tàu tác chiến ven bờ USS Gabrielle Giffords (LCS 10) và tàu hộ vệ RSS Steadfast (FFS 70) của Singapore đã tiến hành một cuộc tập trận trên Biển Đông trong 2 ngày 24 và 25.5.

Mỹ bất ngờ tập trận trên Biển Đông giữa lúc căng thẳng với Trung Quốc

27/05/2020, 16:44

Theo trang tin của Hạm đội Thái Bình Dương, Hải quân Mỹ (CPF.navy), tàu tác chiến ven bờ USS Gabrielle Giffords (LCS 10) và tàu hộ vệ RSS Steadfast (FFS 70) của Singapore đã tiến hành một cuộc tập trận trên Biển Đông trong 2 ngày 24 và 25.5.

Tàu chiến Mỹ và Singapore cùng nhau tập trận trên Biển Đông hôm 25.5 - Ảnh: Hải quân Mỹ

“Việc gặp gỡ các đối tác trên biển giúp lực lượng hải quân của chúng tôi có cơ hội huấn luyện thành thạo các kỹ năng hàng hải và giúp tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước Mỹ - Singapore. Đây là điều cần thiết để duy trì một Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, Đại úy Ann McCann thuộc Hạm đội 7, Hải quân Mỹ nói.

Sĩ quan chỉ huy của tàu USS Gabrielle Giffords (LCS 10), ông Dustin Lonero cho biết: “Đây là lần đầu tiên đội tàu Gabrielle Giffords đi cùng với Hải quân Singapore trên biển và họ đã thể hiện chuyên môn chiến thuật cao trong suốt cuộc tập trận. Làm việc với Steadfast là một cơ hội học tập tuyệt vời cho chúng tôi nhằm củng cố và nâng cao tính chuyên nghiệp”.

Sĩ quan chỉ huy của tàu RSS Steadfast, Trung tá Carlin Song cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiến hành cuộc tập trận. “Cuộc tập trận này cung cấp cho hải quân hai nước cơ hội trau dồi năng lực chuyên môn và khả năng tương tác. Cuộc tập trận đã diễn ra một cách suôn sẻ dựa trên sự hiểu biết tốt mà chúng tôi đã xây dựng trong nhiều năm qua”, Song nói.

Đây là lần thứ 3 trong tháng Mỹ triển khai tàu tới vùng biển chiến lược này, động thái được cho là nhằm thách thức các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại khu vực. Tàu USS Gabrielle Giffords hôm 12.5 cũng đã có mặt ở phía nam Biển Đông để tiến hành hoạt động tự do hàng hải. Trước đó, vào cuối tháng 4, Mỹ đã điều 4 tàu chiến bao gồm USS America (LHA 6), USS Bunker Hill (CG 52) và USS Barry (DDG 52) đến tập trận chung với Hải quân Hoàng gia Úc ở Biển Đông.

Cuộc tập trận diễn ra không lâu sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ (Lầu Năm Góc) tiết lộ quân đội Mỹ có các cuộc chạm trán "không an toàn" với các lực lượng vũ trang Trung Quốc ở Biển Đông trong mùa dịch COVID-19.

Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chuyên trách các vấn đề Đông Nam Á, ông Reed Werner tuần trước tiết lộ có ít nhất 9 sự cố liên quan tới máy bay chiến đấu của Trung Quốc và Mỹ trên không phận Biển Đông kể từ giữa tháng 3.

"Trung Quốc liên tiếp có các hành động mạo hiểm dẫn đến leo thang căng thẳng", ông Werner nói và đưa dẫn chứng về một trường hợp tàu hộ tống Trung Quốc đi cùng với nhóm tàu sân bay, di chuyển một cách "không an toàn và không chuyên nghiệp" gần tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Hải quân Mỹ USS Mustin hoạt động trên Biển Đông vào tháng trước.

Vị quan chức quốc phòng Mỹ nói thêm rằng Lầu Năm Góc nhận thấy “xu hướng hiện tại là rất đáng lo ngại”, nhấn mạnh Mỹ đã đưa ra một số khiếu nại chính thức lẫn không chính thức liên quan tới các sự cố gần đây.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Dave Eastburn cho biết trong một tuyên bố mới đây rằng Bộ Quốc phòng Mỹ quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc gia tăng các hành động cưỡng ép các nước láng giềng, cũng như đưa ra các yêu sách hàng hải phi pháp trên Biển Đông giữa lúc khu vực và thế giới đang tập trung xử lý đại dịch COVID-19.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định các đối thủ của Washington đang cố gắng lợi dụng tình hình dịch bệnh toàn cầu để tìm kiếm ảnh hưởng nhưng quân đội Mỹ luôn sẵn sàng đối phó với các thách thức nhằm bảo vệ lợi ích của Mỹ.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã không ngừng khai thác và quân sự hóa các rạn san hô ở Biển Đông. Bắc Kinh cũng gia tăng sự hiện diện của các máy bay và tàu quân sự trên tuyến đường biển chiến lược mà Trung Quốc tự coi là lãnh thổ của mình, mặc dù phán quyết của Tòa án Trọng tài quốc tế đã vô hiệu hóa yêu sách phi lý này vào năm 2016.

Là một phần trong sự thay đổi chiến lược nhằm ngăn chặn Trung Quốc, chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã tăng cường các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông khiến Bắc Kinh nhiều lần lên tiếng phản đối.

Trang Nhung (theo CPF.navy)

Bài liên quan
Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông vi phạm chủ quyền của Việt Nam
Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa mà còn vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế được xác định theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
5 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ bất ngờ tập trận trên Biển Đông giữa lúc căng thẳng với Trung Quốc