Tướng thủy quân lục chiến Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis sẽ không “cự nự” lãnh đạo Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, khi ông thăm Bắc Kinh từ ngày 26 đến 28.6.

Mỹ cậy Trung Quốc gây thêm sức ép để giải trừ hạt nhân ở Triều Tiên

25/06/2018, 14:36

Tướng thủy quân lục chiến Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis sẽ không “cự nự” lãnh đạo Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, khi ông thăm Bắc Kinh từ ngày 26 đến 28.6.

Trực thăng Z-9 bắn đạn thật trên Biển Đông - Ảnh: Tân Hoa Xã

Theo hãng tin Mỹ AP ngày 25.6 (giờ Mỹ) ông Mattis có kế hoạch muốn đối thoại với lãnh đạo Trung Quốc, không lập lại việc chưa đầy một tháng trước, ông trách Bắc Kinh quân sự hóa các đảo xây trái phép trên Biển Đông.

“Đối thủ chiến lược” Mỹ-Trung ở Biển Đông

Ngày 25.6, trên máy bay đi Alaska thăm 2 căn cứ Mỹ trước khi đến Trung Quốc, ông Mattis nói chuyện với các nhà báo, cho biết ông muốn “thăm dò” tham vọng chiến lược lâu dài của Bắc Kinh về chuyện Trung Quốc quân sự hóa các đảo tranh chấp ở Biển Đông, đồng thời triển khai sự hiện diện quân sự sâu vào Thái Bình Dương.

Ông cũng nói sẽ tìm hiểu khả năng hợp tác quân sự Mỹ-Trung. Ông từ chối nói về mối quan hệ này, vì “nó có thể đầu độc giếng nước” trước khi ông gặp người đồng cấp Ngụy Phong Hòa, người mời ông Mattis thăm Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói Trung-Mỹ quan tâm phát triển quan hệ quân sự ổn định và lành mạnh.

Nhưng một quan chức cấp cao Lầu Năm Góc gọi Mỹ-Trung đang là “đối thủ chiến lược” và bóng gió rằng Mỹ cần duy trì sức ép lên Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Quan chức này nói việc không mời Trung Quốc dự cuộc tập trận hải quân RIMPAC 2018 “chỉ là bước đầu”.

Một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên nói với AP: dù ông Mattis sẵn sàng thể hiện quan điểm Mỹ là phản đối Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo xây trái phép trên Biển Đông cùng những vấn đề gây tranh cãi khác, lãnh đạo Lầu Năm Góc không muốn mở màn cuộc nói chuyện bằng những vấn đề “gây khó chịu”.

Hồi tháng 5, Mỹ quyết định hủy lời mời Trung Quốc dự cuộc tập trận hải quân RIMPAC 2018 (tổ chức mùa hè này với khoảng 20 tàu chiến cùng tập luyện các nhiệm vụ dân sự) và đó là “phản ứng ban đầu” với hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc.

Vài tuần sau, trong bài phát biểu ở Diễn đàn đối thoại Sangri-La 2018 (SLD) ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tuyên bố: “Bất chấp Trung Quốc nói điều ngược lại, việc họ dàn các loại vũ khí ở những thực thể nhân tạo liên quan trực tiếp sử dụng quân sự nhằm dọa nạt, o ép các nước trong khu vực Biển Đông”.

Tướng Mattis với tướng Trung Quốc Hà Lôi (bìa phải) ở SLD 2018 - Ảnh: Reuters

Ông Mattis khẳng định hành động của Mỹ (không mời Trung Quốc dự RIMPAC) là “một kết quả tương đối nhỏ”, nhưng trong tương lai, Trung Quốc có thể phải đối mặt với những trừng phạt mạnh mẽ hơn.

Trung Quốc đã trách ngược ông Mattis “phát biểu vô trách nhiệm đến độ không thể chấp nhận được”.

Theo AP, chắc chắn Trung Quốc sẽ nêu chuyện này ra nói với ông Mattis, cũng như phản đối mối quan hệ Mỹ-Đài Loan.

Bắc Kinh cũng phàn nàn chuyện Mỹ muốn tăng cường quan hệ với Đài Loan và bán vũ khí trị giá 1,4 tỉ USD và công nghệ tàu ngầm cho Đài Bắc, trong khi Trung Quốc xem Đài Loan là một phần lãnh thổ.

Việc Trung Quốc quyết định quân sự hóa các đảo nhân tạo xây trái phép trên Biển Đông đã khiến khắp vùng Đông Nam Á quan ngại. Nhiều nước lo sợ Trung Quốc sẽ dùng các đảo nhân tạo để bành trướng sự hiện diện quân sự và có thể toan tính hạn chế hoạt động hàng hải trên Biển Đông.

Vài tháng gần đây, Trung Quốc đã tăng cường hiện diện quân sự trên Biển Đông. Không quân Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAAF) hồi giữa tháng 5 đã tổ chức một sư đoàn máy bay ném bom hạng nặng, có thể mang đầu đạn hạt nhân H-6K tập cất-hạ cánh trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp.

Trung Quốc còn dàn tên lửa chống hạm và tên lửa phòng không cùng các khí tài trên quần đảo Hoàng Sa, bào chữa số vũ khí này chỉ để phòng thủ và bảo vệ “chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ” của Trung Quốc.

Mỹ không “cà khịa” với Trung Quốc vì cần Bắc Kinh giúp chuyện Triều Tiên

Ông Mattis đã thăm châu Á 7 lần trong 17 tháng, sẽ là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đầu tiên trong chính phủ Tổng thống Trump thăm Trung Quốc.

Theo Reuters, chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 26 đến 28.6 của ông Mattis vào lúc quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng vì nhiều vấn đề. Ví dụ Mỹ chỉ trích Trung Quốc về vấn đề thương mại, ăn cắp bí mật công nghệ và đe dọa an ninh mạng.

Mỹ đang chuẩn bị áp mức thuế 34 tỉ USD lên hàng hóa Trung Quốc trong hai tuần tới, trong khi Bắc Kinh cũng dọa sẽ áp thuế lên hàng hóa Mỹ để trả đũa.

Trên máy bay, Lãnh đạo Lầu Năm Góc tránh chỉ trích Trung Quốc, thay vào đó ông nhấn mạnh sẽ nói chuyện với lãnh đạo Trung Quốc, chú trọng vào những vấn đề an ninh chiến lược lớn hơn.

Chuyến đi của ông Mattis vào lúc Mỹ-Trung căng thẳng gia tăng nhưng Mỹ cũng cần Bắc Kinh ủng hộ cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều, và Mỹ đang dựa vào Trung Quốc giúp ép CHDCND Triều Tiên thực hiện lời hứa giải giáp vũ khí hạt nhân, khi ông Trump gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un ngày 12.6 ở Singapore.

Ông Mattis hy vọng sẽ thuyết phục Trung Quốc cam kết duy trì sức ép thương mại, buộc CHDCND Triều Tiên từ bỏ chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân (VKHN) sau cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 12.6 ở Singapore.

Ông Mattis nói: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc có mục tiêu chung là hoàn toàn phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược” (CVID).

Theo các quan chức, chủ đề chính của cuộc đối thoại giữa ông Mattis với các quan chức quốc phòng Trung Quốc sẽ là vấn đề phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.

Một quan chức quốc phòng giấu tên nói: Mỹ sẽ sớm trình một khung thời hạn với Triều Tiên, với “những câu hỏi đặc biệt” để Bình Nhưỡng trả lời về sự cam kết giải trừ chương trình tên lửa và VKHN.

Chuyến đi trấn hai đồng minh Nhật-Hàn

Trong chuyến đi châu Á một tuần, ông Mattis cũng sẽ đến Hàn Quốc gặp người đồng cấp Song Young-moo hôm 28.6, qua ngày 29.6 thì ông đến Nhật Bản gặp Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera.

Hai cuộc gặp này đều nhằm trấn an các đồng minh, rằng Mỹ vẫn cam kết bảo vệ họ, dù tại cuộc gặp thượng đỉnh, ông Trump tuyên bố Mỹ sẽ ngưng các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn mà từ lâu Trung-Triều đều phản đối, còn ông Kim tái khẳng định cam kết tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên.

Ông Mattis cho biết hàng ngày đều bàn chuyện đàm phán thương mại với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, trưởng đoàn đàm phán Mỹ-Triều. Và ông xác nhận các quan chức Mỹ đang chờ Bình Nhưỡng trao trả hài cốt lính Mỹ tử trận ở cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

Ông Pompeo nói Mỹ hy vọng hoàn tất chương trình giải giáp VKHN của Triều Tiên trong 2 năm rưỡi, trong nhiệm kỳ của ông Trump vốn sẽ kết thúc ngày 20.1.2021.

Trung Trực (theo Reuters, AP)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
5 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ cậy Trung Quốc gây thêm sức ép để giải trừ hạt nhân ở Triều Tiên