Nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ tại khu vực Đông Á mới đây cho biết chính quyền Washington có thể trừng phạt các quan chức và doanh nghiệp Trung Quốc liên quan đến hành vi chèn ép ở Biển Đông.

Mỹ có thể trừng phạt Trung Quốc vì gây sự ở Biển Đông

15/07/2020, 08:45

Nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ tại khu vực Đông Á mới đây cho biết chính quyền Washington có thể trừng phạt các quan chức và doanh nghiệp Trung Quốc liên quan đến hành vi chèn ép ở Biển Đông.

Trợ lý ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương David Stilwell - Ảnh: Brookings

Phát biểu tại Hội thảo Biển Đông thường niên lần thứ 10 diễn ra ở Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), ông David Stilwell, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương hôm 14.7 cho biết: "Mọi phương án đều được cân nhắc. Trừng phạt là một hành động hữu hình, thể hiện rõ ràng quan điểm mà Trung Quốc có thể hiểu được".

Bình luận trên được ông Stilwell đưa ra một ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chính thức phản đối yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, đánh dấu một bước ngoặt từ Washington khi công kích trực tiếp tham vọng của Bắc Kinh. Ông Pompeo khẳng định Trung Quốc "không có cơ sở pháp lý nào" cho yêu sách "đường 9 đoạn" ở Biển Đông.

"Những yêu sách của Bắc Kinh đối với nguồn tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông, cũng như chiến dịch bắt nạt nhằm kiểm soát chúng, là hoàn toàn phi pháp", ông Pompeo cho hay.

Tuyên bố trên được đăng lên trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ đã nhắc lại phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) hồi năm 2016, theo đó vô hiệu hóa các yêu sách hàng hải của Trung Quốc, xem các yêu sách này là không có cơ sở trong luật quốc tế. "Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế chế hàng hải của mình", Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh.

Philippines lên tiếng ủng hộ

Bộ Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana hôm 14.7 cũng đã lên tiếng ủng hộ lập trường của Mỹ về việc cần phải có một trật tự trên Biển Đông dựa trên các quy tắc được quốc tế chấp nhận.

"Chúng tôi đồng ý với lập trường của quốc tế rằng cần phải có một trật tự dựa trên các quy tắc ở Biển Đông", ông Lorenzana nhấn mạnh, đồng thời khẳng định lợi ích tốt nhất với sự ổn định của khu vực sẽ đạt được khi Trung Quốc thực hiện lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế trong việc tuân thủ luật pháp quốc tế và tôn trọng các thỏa thuận hiện hành.

Ngoài ra, trong một thông báo được đưa ra hôm 12.7 nhân dịp kỷ niệm 4 năm phán quyết của PCA về Biển Đông, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr cũng tái khẳng định lập trường không thỏa hiệp và kêu gọi Trung Quốc nghiêm túc tuân thủ phán quyết này.

"Tòa đã phán quyết rằng các đòi hỏi chủ quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên trong vùng biển… không có cơ sở pháp lý. Phillipines – với tư cách là một quốc gia luôn tuân thủ luật pháp, yêu hòa bình và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, nhân dịp này tái khẳng định việc giữ vững phán quyết và thực thi mà không có khả năng thỏa hiệp hay thay đổi", ông Locsin nói.

Trung Quốc phản ứng gay gắt

Phản ứng trước tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ cũng cho rằng cáo buộc từ phía Washington là "hoàn toàn vô căn cứ", "can thiệp vào vấn đề Biển Đông" mặc dù không phải là quốc gia liên quan trực tiếp đến vùng biển tranh chấp.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên sau đó cũng chỉ trích động thái của Mỹ này là "hành vi cố tình kích động tranh cãi về các tuyên bố chủ quyền trên biển, phá hủy sự hòa bình và ổn định trong khu vực, thể hiện sự vô trách nhiệm".

Trên mạng xã hội Twitter, nữ phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đăng tải 10 dòng tweet chỉ trích tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ, đưa ra hàng loạt ý kiến bảo vệ Trung Quốc, nhưng hầu hết không có căn cứ.

"Tuyên bố của ông Pompeo về Biển Đông tiếp tục là một bằng chứng nữa cho thấy Mỹ đang cố gắng gieo rắc sự bất hòa giữa Trung Quốc và các nước ven Biển Đông", bà Oánh viết và cho rằng Trung Quốc, với tư cách là một quốc gia độc lập có chủ quyền, có quyền chống lại sự bất công và các thói bắt nạt.

Theo bà này, "đường 9 đoạn" không được công bố vào năm 2009 mà "bản đồ Biển Đông đầu tiên với những đường đứt đoạn được chính phủ Trung Quốc đưa ra năm 1948 và được truyền lại cho chính phủ kế tiếp mà không có sự tranh chấp của nước nào".

"Chính phủ Trung Quốc" mà bà Oánh nhắc tới là Trung Hoa dân quốc dưới sự lãnh đạo của Tưởng Giới Thạch, vốn đã chạy sang đảo Đài Loan sau khi bị đảng Cộng sản Trung Quốc đánh bại trong cuộc nội chiến kết thúc năm 1949.

Hoàng Vũ (theo Reuters, Inquirer)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ có thể trừng phạt Trung Quốc vì gây sự ở Biển Đông