Chưa bao giờ vị thế của nước Mỹ, của nền kinh tế Mỹ lại trở nên suy yếu và bị nghi ngờ nhiều đến thế trong một hội nghị thượng đỉnh hàng đầu như APEC, và cũng không quá lời nếu nói rằng APEC 2016 tại Peru lần này là một thất bại toàn diện cho cường quốc số một thế giới.

Mỹ đã đánh mất vai trò đầu tàu tại APEC 2016

Nhàn Đàm | 22/11/2016, 09:42

Chưa bao giờ vị thế của nước Mỹ, của nền kinh tế Mỹ lại trở nên suy yếu và bị nghi ngờ nhiều đến thế trong một hội nghị thượng đỉnh hàng đầu như APEC, và cũng không quá lời nếu nói rằng APEC 2016 tại Peru lần này là một thất bại toàn diện cho cường quốc số một thế giới.

Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vừa kết thúc tại thủ đô Lima của Peru có thể sẽ là một trong những hội nghị APEC quan trọng nhất trong lịch sử của thế kỷ 21, khi nó chứng kiến một sự chuyển dịch lớn đối với các xu hướng chủ đạo của nền kinh tế toàn cầu. Mỹ, quốc gia sở hữu nền kinh tế số một thế giới, đang trở thành tâm điểm của sự chỉ trích khi tuyên bố chung của hội nghị đã chỉ đích danh nước Mỹ như một điển hình của xu hướng bảo hộ thương mại sau khi Donald Trump đắc cử tổng thống.

Trong khi đó, nền kinh tế số hai thế giới là Trung Quốc lại đang nổi lên như quốc gia ủng hộ mạnh mẽ nhất cho tự do thương mại toàn cầu. Chưa bao giờ vị thế của nước Mỹ, của nền kinh tế Mỹ lại trở nên suy yếu và bị nghi ngờ nhiều đến thế trong một hội nghị thượng đỉnh hàng đầu như APEC, và cũng không quá lời nếu nói rằng APEC 2016 tại Peru lần này là một thất bại toàn diện cho cường quốc số một thế giới.

Có thể nói, những gì diễn ra tại hội nghị thượng đỉnh APEC tại Peru lần này là phản ứng quyết liệt và dữ dội nhất của các nền kinh tế hai bờ Thái Bình Dương trước kết quảbầu cử tổng thống Mỹ 2016, nơi ứng cử viên có xu hướng bảo hộ và phản đối tự do thương mại Donald Trump là người đắc cử. Lãnh đạo 21 nước thành viên APEC đã kết thúc hội nghị thượng đỉnh diễn ra hàng năm này với lời kêu gọi chống lại chủ nghĩa bảo hộ trong bối cảnh sự hoài nghi về tự do thương mại đang ngày càng gia tăng, mà điển hình là việc Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ. Nó được thể hiện rõ ở tuyên bố chung của các nước thành viên hội nghị: “Chúng tôi tái khẳng định cam kết sẽ mở cửa các thị trường nội địa của mình và chiến đấu chống lại tất cả các hình thức của chủ nghĩa bảo hộ”.

Tuyên bố chung này không khác gì một cái tát vào chiến thắng của ông Trump, khi nó đồng nghĩa với một thông điệp chung: Tất cả các nền kinh tế ở 2 bờ Thái Bình Dương phản đối và không ủng hộ lập trường bảo hộ và phản đối tự do thương mại của vị tân tổng thống Mỹ. Bài phát biểu sau đó của tổng thống nước chủ nhà Peru, Pedro Pablo Kuczynski, càng làm nổi bật hơn vấn đề: “Chủ nghĩa bảo hộ trên thực tế là một sự phản ánh về tình trạng khó khăn mà các nền kinh tế đang gặp phải. Đây là một điều đáng lo ngại khi kết quả bầu cử tại một số nền kinh tế lớn nhất thế giới thời gian qua đã phản ánh xu hướng chống lại thương mại tự do”. Ông Kuczynski cho rằng, kết quả bầu cử tổng thống Mỹ 2016 và nước Anh bỏ phiếu Brexit rời khỏi EU theo xu hướng bảo hộ là một sự trái ngược với thực tế rằng hầu hết các nền kinh tế trên khắp thế giới đều đang chung tay hỗ trợ thúc đẩy thương mại toàn cầu để lấy lại sự thịnh vượng trước đây.

Với riêng nước Mỹ, hội nghị thượng đỉnh APEC lần này có thể xem như một thất bại toàn diện. Không những vị tân Tổng thống Donald Trump bị phản ứng gay gắt thông qua tuyên bố chung của hội nghị, mà bản thân Tổng thống Obama cũng không còn được coi trọng như trước. Suốt thời gian diễn ra hội nghị, ông Obama bị chìm trong những câu hỏi từ phía các nguyên thủ APEC cũng như các phóng viên về tân Tổng thống Trump. Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng đã không còn là chủ đề được quan tâm tại hội nghị APEC lần này khi chính phủ của Tổng thống Obama cho biết đã từ bỏ mọi nỗ lực vận động Quốc hội Mỹ thông qua tại kỳ họp cuối cùng trước tháng 1.2017, còn các nước thành viên TPP khác thì tuyên bố họ có thể sẽ chuyển trọng tâm sang hiệp định thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) do Trung Quốc chủ trì có quy mô lớn không kém.

Sự sa sút vị thế của nước Mỹ lại trở thành cơ hội để Trung Quốc nổi lên như quốc gia nổi bật nhất tại hội nghị APEC tại Peru lần này. Trong bối cảnh TPP bị chững lại sau khi Donald Trump đắc cử tổng thống, thì mọi sự chú ý đổ dồn vào chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với việc tuyên bố sự cần thiết thúc đẩy Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và đặc biệt là hiệp định thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) trong đó Trung Quốc sẽ giữ vị trí chủ trì nếu như Mỹ tiếp tục xu hướng bảo hộ và phản đối các hiệp định thương mại.

Không ít những nhà lãnh đạo APEC đã công khai lên tiếng ủng hộ điều này, như Bộ trưởng Thương mại Australia Steven Ciobo tuyên bố: “Trung Quốc cần tiếp tục mở cửa nền kinh tế của mình cho thế giới, điều đó ngày càng trở nên cần thiết hơn. Chúng tôi sẽ xem xét làm việc với Trung Quốc cũng như bất cứ quốc gia nào để mở ra các cơ hội thúc đẩy trao đổi thương mại và tăng cường đầu tư”. Với quy mô khổng lồ của nền kinh tế số hai thế giới, Trung Quốc không nghi ngờ gì sẽ dễ dàng thế chỗ của Mỹ trong vai trò nền kinh tế dẫn dắt các hiệp định thương mại tại khu vực châu Á và giữa hai bờ Thái Bình Dương.

Ngoài lĩnh vực kinh tế, nước Mỹ và tân Tổng thống Donald Trump cũng bị hội nghị thượng đỉnh APEC công kích về vấn đề bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Tuyên bố chung của APEC cho biết các nước thành viên sẽ tuân thủ triệt để mục tiêu cắt giảm carbon tại hội nghị ở Paris năm ngoái để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh lương thực. Trong khi đó một trong những mục tiêu mà ông Trump đề ra sau khi đắc cử là sẽ rút nước Mỹ khỏi hiệp định cắt giảm carbon được thông qua ở Paris.

Quan điểm có phần ích kỷ này của Mỹ đã bị Trung Quốc lên tiếng khiển trách vào tuần trước. Có lẽ điều duy nhất giúp Donald Trump và nước Mỹ lấy lại chút vị thế tại hội nghị APEC lần này là lời nhận xét của thủ tướng Canada Justin Trudeau, rằng ông đang có một quan điểm khá cởi mở về vị tân tổng thống Mỹ, bất chấp việc ông Trump đang đe dọa xem xét lại hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) có liên quan đến kinh tế Canada. Trước đó, trong cuộc gặp tại New York vào ngày 18.11, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng cho rằng ông Trump là một người có thể tin tưởng được.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ đã đánh mất vai trò đầu tàu tại APEC 2016