Người đoạt giải Nobel Hòa bình Oscar Arias là Tổng thống của Costa Rica từ năm 1986 đến 1990 và 2006 đến 2010. Jonathan Granoff là Chủ tịch của Viện An ninh Toàn cầu, và là người được đề cử giải Nobel Hòa bình. Trên The Hill tuần trước, họ cùng kêu gọi NATO rút vũ khí hạt nhân sát nách Nga ra nếu thật sự yêu hòa bình.

Mỹ đặt vũ khí hạt nhân sát nách Nga rồi đòi Nga phải “yêu hòa bình” thì có lý không?

Anh Tú (dịch) | 25/07/2022, 08:20

Người đoạt giải Nobel Hòa bình Oscar Arias là Tổng thống của Costa Rica từ năm 1986 đến 1990 và 2006 đến 2010. Jonathan Granoff là Chủ tịch của Viện An ninh Toàn cầu, và là người được đề cử giải Nobel Hòa bình. Trên The Hill tuần trước, họ cùng kêu gọi NATO rút vũ khí hạt nhân sát nách Nga ra nếu thật sự yêu hòa bình.

Đã đến lúc cần có những nỗ lực táo bạo hơn để tạo hòa bình ở Ukraine.

Chiến tranh, giống như lửa, có thể lan rộng ngoài tầm kiểm soát, và như Tổng thống Vladimir Putin vẫn luôn nhắc nhở chúng ta, trận hỏa hoạn đặc biệt này có khả năng khơi mào một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Tại cuộc họp báo chung gần đây với Tổng thống Belarus, ông Putin tuyên bố Nga sẽ chuyển giao tên lửa Iskander M cho Belarus. Những tên lửa đó có thể mang đầu đạn hạt nhân và động thái này rõ ràng là nhằm phản ánh các thỏa thuận chia sẻ hạt nhân mà Mỹ có với 5 đồng minh NATO - Bỉ, Hà Lan, Đức, Ý và Thổ Nhĩ Kỳ.

Vũ khí hạt nhân của Mỹ đã được đưa vào châu Âu vào những năm 1950 như một biện pháp chốt chặn để bảo vệ các nền dân chủ NATO mà các lực lượng quy ước còn yếu. Số lượng vũ khí hạt nhân tại 5 quốc gia đó đạt đỉnh khoảng 7.300 đầu đạn vào những năm 1960, sau đó giảm xuống còn khoảng 150 đầu đạn lúc này, phản ánh sức mạnh quân sự cơ bản của NATO ngày càng tăng và tính hữu dụng quân sự của vũ khí hạt nhân đang giảm dần. Nhưng ngay cả 150 vũ khí hạt nhân cũng có thể là quá đủ để ngăn chặn một cuộc đối đầu nguy hiểm với Nga.

Thế giới ngày nay gần với vực thẳm hạt nhân như trong cuộc Khủng hoảng tên lửa Cuba. Trên thực tế, rủi ro hạt nhân đương đại có thể còn tồi tệ hơn. Trong khi Khủng hoảng tên lửa Cuba chỉ kéo dài 13 ngày, cuộc giao tranh ở Ukraine có thể sẽ tiếp tục và hứa hẹn kéo dài trong nhiều tháng tới.

Do đó, các cuộc đàm phán là điều cần thiết để xoa dịu căng thẳng hạt nhân. Mặc dù không có vai trò trực tiếp trong cuộc chiến Ukraine, NATO cần có vai trò trong việc khuyến khích các cuộc đàm phán kết thúc cuộc chiến này.

Vì NATO là một lực lượng quân sự cực kỳ mạnh - thậm chí còn mạnh hơn cả nước Nga của ông Putin - và vì Tổng thống Putin đã nói rằng cuộc chiến ở Ukraine một phần là phản ứng trước các hành động của NATO nên việc NATO kêu gọi đàm phán hòa bình sẽ phù hợp và có sức nặng.

Nó cũng sẽ tuân thủ các nghĩa vụ của các quốc gia thành viên NATO theo Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân. Các nhà lãnh đạo NATO họp tại Madrid gần đây đã tái khẳng định rằng “Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân là bức tường thành thiết yếu chống lại việc phổ biến vũ khí hạt nhân và chúng ta vẫn cam kết mạnh mẽ thực hiện đầy đủ, bao gồm Điều 6 (điều khoản cam kết các quốc gia có vũ khí hạt nhân theo đuổi giải trừ hạt nhân quân bị)”. Cam kết này, theo báo cáo Hội nghị đánh giá năm 2000 về Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, bao gồm “vai trò giảm dần của vũ khí hạt nhân trong các chính sách an ninh nhằm giảm thiểu rủi ro mà những vũ khí này từng được sử dụng và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình loại bỏ hoàn toàn chúng”.

NATO theo truyền thống duy trì khả năng răn đe và phòng thủ mạnh mẽ, trong khi NATO cũng chủ trương hướng tới hòa hoãn và đối thoại. Cam kết hiện tại của NATO trong việc răn đe và phòng thủ là rất rõ ràng. Nhưng để khởi động lại các cuộc đối thoại, NATO hiện cũng phải tìm ra cách để khuyến khích hòa hoãn và đối thoại.

Đưa cả hai bên trở lại đối thoại sẽ đòi hỏi một cử chỉ đột phá. Do đó, chúng tôi đề xuất kế hoạch của NATO và chuẩn bị cho việc rút tất cả các đầu đạn hạt nhân của Mỹ khỏi châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ, dọn đường cho các cuộc đàm phán. Việc rút vũ khí sẽ được thực hiện sau khi các điều khoản hòa bình được thống nhất giữa Ukraine và Nga. Một đề xuất như vậy sẽ thu hút sự chú ý của Tổng thống Putin và có thể đưa ông ấy đến bàn đàm phán.

Việc loại bỏ vũ khí hạt nhân của Mỹ khỏi châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không làm suy yếu NATO về mặt quân sự, vì vũ khí hạt nhân có rất ít hoặc không có tính hữu dụng thực tế trên chiến trường. Nếu chúng thực sự là vũ khí cuối cùng phải dùng, không cần thiết phải triển khai chúng đến gần biên giới của Nga. Theo đề xuất này, Pháp, Vương quốc Anh và Mỹ sẽ giữ lại các kho vũ khí hạt nhân quốc gia của họ và nếu điều tồi tệ nhất xảy ra, họ vẫn có thể sử dụng chúng thay mặt cho NATO.

Dù 70 năm không có một cuộc chiến tranh lớn, nhưng không thể để khả năng đe dọa hạt nhân tồn tại mãi. Nó chỉ hữu ích khi con người có những lựa chọn đúng đắn. Tuy nhiên, chúng ta đều biết con người có sai sót và tất cả chúng ta đều mắc sai lầm.

Do đó, chúng tôi đồng tình với Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres, người đã nói: "Thứ vũ khí này đưa ra những ảo tưởng sai lầm về an ninh và răn đe - trong khi chỉ đảm bảo sự hủy diệt, chết chóc và chủ nghĩa phiêu lưu vô tận" và với Giáo hoàng Francis, người đã nói, "Vũ khí hạt nhân) tồn tại nhằm phục vụ việc tâm lý sợ hãi không chỉ ảnh hưởng đến các bên xung đột mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ nhân loại", cũng như với cố Thượng nghị sĩ MỹAlan Cranston, người đã nói đơn giản: "Vũ khí hạt nhân là không xứng đáng với nền văn minh".

Kho vũ khí hạt nhân của NATO không ngăn chặn được cuộc tấn công của Nga vào Ukraine và hầu như không có công dụng như một vũ khí chiến tranh. Nhưng vũ khí hạt nhân của NATO vẫn có thể được sử dụng tốt, không phải bằng cách đe dọa khởi động chúng và leo thang chiến tranh, mà bằng cách triệt thoái để nhường chỗ cho các cuộc đàm phán mới và cuối cùng là hòa bình.

Bài liên quan
Thái độ của Nga tại Ukraine khiến Mỹ rơi thế kẹt: kiểm soát hạt nhân hay mất mặt với đồng minh?
Hal Brands là thành viên của Ban Chính sách Đối ngoại của Bộ Ngoại giao Mỹ. Ông vừa có bài viết khá bi quan cho vị thế của Mỹ trên trang Bloomberg.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ đặt vũ khí hạt nhân sát nách Nga rồi đòi Nga phải “yêu hòa bình” thì có lý không?