Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã công bố hôm 27.1 rằng sẽ nới lỏng các hạn chế hiến máu đối với những người đồng tính nam và lưỡng tính để họ được hiến máu.
Sự thay đổi này được tiết lộ trong hướng dẫn dự thảo mới, được đưa ra sau nhiều năm thúc giục bởi các chuyên gia y tế công cộng, ngân hàng máu và các nhóm vận động LGBTQ. Các chuyên gia cho biết chính sách mới sẽ giải quyết tình trạng thiếu máu trong tương lai và xóa bỏ sự kỳ thị đối với những người đồng tính nam.
Ngoài ra, Hội Chữ thập đỏ Mỹ và Hiệp hội Y khoa Mỹ đều ủng hộ cách tiếp cận dựa trên rủi ro đối với tính đủ điều kiện của người hiến tặng.
Ủy viên FDA, tiến sĩ Robert M. Califf cho biết trong một tuyên bố: "Việc hiến máu sẽ cứu sống nhiều mạng sống mỗi ngày. Việc duy trì nguồn cung cấp máu và các sản phẩm máu an toàn và đầy đủ ở Mỹ là điều tối quan trọng. Đề xuất đánh giá rủi ro cá nhân này, bất kể giới tính hay khuynh hướng tình dục, sẽ cho phép chúng tôi tiếp tục sử dụng khoa học tốt nhất để làm như vậy".
Thay vì cấm toàn bộ người đồng tính do khuynh hướng tình dục, việc nới lỏng quy định sẽ sàng lọc những người hiến tặng tiềm năng về nguy cơ nhiễm và lây truyền HIV.
FDA cho biết họ sẽ sử dụng "các câu hỏi dựa trên rủi ro cá nhân, bao gồm cả giới tính" mà không ảnh hưởng đến "sự an toàn hoặc tính sẵn có của nguồn cung cấp máu."
Bảng câu hỏi sẽ hỏi tất cả những người hiến tặng máu về bạn tình mới hoặc số bạn tình trong 3 tháng qua. Những người đã có bạn tình mới hoặc nhiều bạn tình trong 3 tháng qua sẽ được hỏi về tiền sử quan hệ tình dục qua đường hậu môn trong khoảng thời gian đó.
Lần đầu tiên, đề xuất này cũng sẽ ảnh hưởng đến những phụ nữ có quan hệ tình dục với những người đàn ông có quan hệ tình dục với nam giới.
Tiến sĩ Peter Marks, Giám đốc Trung tâm Đánh giá và nghiên cứu sinh học của FDA cho biết: "Cách tiếp cận của chúng tôi đối với công việc này luôn và sẽ tiếp tục dựa trên khoa học và dữ liệu tốt nhất hiện có. Qua nhiều năm, quy trình dựa trên dữ liệu này đã cho phép chúng tôi sửa đổi các chính sách, từ đó tăng số người đủ điều kiện hiến máu trong khi vẫn duy trì các biện pháp bảo vệ thích hợp để bảo vệ người nhận máu".
Đề xuất này sẽ được mở để lấy ý kiến công khai trong 60 ngày, sau đó FDA sẽ xem xét các ý kiến trước khi hoàn thiện dự thảo hướng dẫn.
Khi được hỏi tại sao chính sách này không ảnh hưởng đến những người đã quan hệ tình dục qua đường âm đạo, Marks giải thích rằng có nguy cơ trao đổi máu khi giao hợp qua đường hậu môn cao hơn so với giao hợp qua đường âm đạo.
Vào những năm 1980, để đối phó với cuộc khủng hoảng HIV/AIDS, FDA đã cấm tất cả các hoạt động hiến máu từ những người đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới.
Chính sách này không thay đổi cho đến năm 2015, khi các quy tắc được nới lỏng hơn một chút để cho phép nhóm người hiến máu này miễn là họ kiêng quan hệ tình dục trong một năm. Vào năm 2020, trong bối cảnh thiếu máu nghiêm trọng khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, FDA đã rút ngắn thời gian kiêng xuống còn 90 ngày.
Sự thay đổi này có nghĩa là những người đồng tính nam và lưỡng tính trong các mối quan hệ một vợ một chồng có thể hiến tặng mà không cần kiêng quan hệ tình dục miễn là họ xét nghiệm âm tính với HIV và đang có đời sống tình dục an toàn.
Trước Mỹ, một số quốc gia phương Tây, bao gồm Anh, Pháp, Hy Lạp và Hà Lan gần đây đã bỏ lệnh cấm hoặc nới lỏng các hạn chế hiến máu đối với người đồng tính.
Sarah Kate Ellis, chủ tịch và giám đốc điều hành của tổ chức truyền thông GLAAD, cho biết trong một tuyên bố: "Thông báo hôm nay sẽ giảm bớt sự phân biệt đối xử lịch sử đối với người Mỹ LGBTQ, giúp giảm bớt tình trạng thiếu máu quốc gia và mở ra cơ hội cho tất cả những người LGBTQ đủ điều kiện hiến máu".
Các chuyên gia cho biết chính sách mới cũng sẽ giúp giải quyết tình trạng thiếu máu quốc gia và từ đó cứu sống nhiều mạng người. Vào tháng 1.2022, Hội Chữ thập đỏ Mỹ cho biết nước này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu máu tồi tệ nhất trong hơn một thập niên.
Bất chấp các quy định được nới lỏng, những người đàn ông không chung thủy một vợ một chồng không được phép hiến tặng ngay cả khi họ có kết quả xét nghiệm HIV âm tính, thực hành tình dục an toàn bằng bao cao su hoặc uống thuốc dự phòng trước phơi nhiễm, hoặc PrEP - một loại thuốc hằng ngày có chứa 2 thứ thuốc ngăn ngừa HIV giúp bệnh nhân âm tính khỏi bị nhiễm bệnh.
Trong cuộc họp báo, Marks cho biết việc trì hoãn đối với những người dùng PrEP là do việc dùng các loại thuốc này làm chậm quá trình phát hiện HIV và có thể dẫn đến các mẫu máu có kết quả âm tính giả. Tuy nhiên, Marks và Califf khuyến nghị những người có nguy cơ không nên ngừng dùng các loại thuốc này để họ có thể hiến máu.