Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã sửa đổi hướng dẫn của mình với người Mỹ về việc đeo khẩu trang.
CDC khuyến nghị đeo "khẩu trang bảo vệ tốt nhất có thể", dù cơ quan này ngừng kêu gọi sử dụng N95 trên toàn quốc.
CDC đã làm rõ sửa đổi của mình "rằng người dân có thể chọn khẩu trang phòng độc như N95 và KN95, loại bỏ những lo ngại liên quan đến việc thiếu hụt nguồn cung về N95".
CDC nói thêm rằng người Mỹ nên "đeo khẩu trang bảo vệ tốt nhất có thể, vừa vặn với khuôn mặt của bạn và đeo thường xuyên".
Ngoài ra, CDC cho biết muốn khuyến khích người Mỹ đeo khẩu trang thay vì thúc ép họ dùng loại bảo vệ mặt cao cấp nhất.
CDC cho hay: “Đeo khẩu trang là công cụ y tế công cộng quan trọng để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 và điều quan trọng cần nhớ là bất kỳ loại khẩu trang nào cũng tốt hơn là không có”.
Cơ quan này nói thêm rằng "trong khi tất cả khẩu trang và mặt nạ phòng độc đều cung cấp một số mức độ bảo vệ thì đeo mặt nạ phòng độc đúng cách sẽ cung cấp mức độ bảo vệ cao nhất".
CDC nói các khuyến nghị sửa đổi "phản ánh tính khoa học về khẩu trang, bao gồm cả những gì chúng ta đã học được trong 2 năm qua".
Số ca mắc COVID-19 đã tăng nhanh và nhiều người Mỹ đã lựa chọn cách bảo vệ cao cấp hơn.
Mỹ đang ghi nhận trung bình 800.000 ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày với số lượng bệnh nhân nhập viện cao kỷ lục.
Theo phân tích của Reuters, Omicron dường như đang lây lan chậm lại ở những khu vực bị ảnh hưởng đầu tiên, bao gồm cả các bang Đông Bắc và Nam. Ngược lại, ở các bang phía Tây, số ca mắc COVID-19 mới đã tăng 89% trong tuần qua so với tuần trước đó.
Một số nhà sản xuất khẩu trang N95 của Mỹ nói với Reuters rằng họ đã đạt doanh thu kỷ lục sau khi chuyên gia hàng đầu bệnh truyền nhiễm Mỹ - Tiến sĩ Anthony Fauci khuyến cáo người dân "nên mua loại khẩu trang chất lượng cao nhất mà bạn có được và đó là loại khẩu trang có sẵn cho bạn".
Khẩu trang N95 được đeo đúng cách sẽ lọc ra ít nhất 95% các hạt trong không khí, ngăn không cho bất cứ thứ gì có kích thước lớn hơn 0,3 micron đi qua.
Vào ngày 17.1.2022 tới, quận Los Angeles, nơi đông dân nhất của Mỹ, sẽ yêu cầu một số chủ công ty cung cấp khẩu trang phẫu thuật, KF94, KN95 hoặc N95 cho những người lao động có nguy cơ cao mắc COVID-19 do công việc.
Khẩu trang vẫn là vấn đề gây tranh cãi ở Mỹ. Tổng thống Joe Biden thuộc đảng Đảng Dân chủ tuần này một lần nữa kêu gọi người dân đeo khẩu trang và lưu ý rằng khoảng 1/3 người Mỹ cho biết họ hoàn toàn không đeo nó. Nhiều bang nghiêng về đảng Cộng hòa không có yêu cầu về đeo khẩu trang, trong khi một số bang do đảng Dân chủ kiểm soát như California đã quy định lại đeo khẩu trang ở không gian trong nhà nơi công cộng.
Thượng nghị sĩ Bernie Sanders đã giới thiệu lại dự luật có tên là Đạo luật đeo khẩu hôm 12.1.2022, sẽ gửi cho mỗi người Mỹ một gói ba khẩu trang N95.
Vào tháng 12.2021, chính quyền Biden thông báo sẽ mở rộng quy định bắt buộc đeo khẩu trang trên máy bay, tàu hỏa và phương tiện công cộng cũng như tại các sân bay và các trung tâm trung chuyển khác đến hết ngày 18.3.2022.
Hôm 14.1.2022, CDC cho biết khẩu trang N95 có thể được xem xét sử dụng ở những nơi như quá cảnh "khi có sự bảo vệ lớn hơn”.
Hồi tháng 5.2021, CDC đã thông báo rằng những người được tiêm vắc xin đầy đủ có thể không cần che mặt vì số ca COVID-19 đang giảm. Song đến tháng 7.2021, CDC cho biết những người Mỹ đã tiêm vắc xin đầy đủ nên đeo khẩu trang ở những nơi công cộng trong nhà tại những khu vực mà vi rút SARS-CoV-2 đang lây lan nhanh chóng.
CDC cho biết hiện tại 99,5% các quận của Mỹ khuyến nghị đeo khẩu trang.
Mỹ đang trải qua tháng hỗn loạn nhất trong đại dịch, các bang tranh giành thuốc Paxlovid của Pfizer khi bệnh viện quá tải. Xem chi tiết tại đây.
Mỗi hộ ở Mỹ có thể đặt miễn phí 4 kit xét nghiệm COVID-19 từ 19.1
Mỗi hộ gia đình Mỹ có thể đặt 4 kit xét nghiệm nhanh COVID-19 tại nhà miễn phí từ trang web COVIDTests.gov bắt đầu từ ngày 19.1.2022 với thời gian giao hàng dự kiến trong vòng 7 đến 12 ngày, Nhà Trắng cho biết hôm 14.1.2022.
Đợt đặt miễn phí này nhằm mục đích giảm bớt sự thiếu hụt xét nghiệm COVID-19 trên toàn quốc trong bối cảnh nhu cầu tăng lên khi biến thể Omicron lây lan cực nhanh.
Nhà Trắng cho biết chính phủ Mỹ đã ký hợp đồng mua hơn 420 triệu kit xét nghiệm COVID-19.
Tổng thống Joe Biden đã cam kết trao 1 tỉ kit xét nghiệm COVID-19 miễn phí cho người Mỹ và nhiều hơn nữa có thể được đặt hàng trong tương lai.
"Chúng tôi không nói rằng chúng tôi đang dừng lại ở đó", một quan chức chính quyền cấp cao nói với các phóng viên trong một cuộc gọi hội nghị.
Chính quyền Biden cũng có kế hoạch triển khai một đường dây điện thoại cho những người không thể truy cập vào web nêu trên để đặt kit xét nghiệm.
Các kit xét nghiệm sẽ được Bưu điện Mỹ (USPS) gửi đến các hộ gia đình nước này từng đặt hàng. Mỗi hộ gia đình bị giới hạn ở 4 kit xét nghiệm.
Chủ tịch Liên minh Nhân viên Bưu điện Mỹ - Mark Dimondstein cho biết công đoàn đã đồng ý cho phép USPS sử dụng tới 7.000 nhân viên tạm thời để dán nhãn và đóng gói các kit xét nghiệm tại 43 cơ sở hiện có. Nhiều người trong số đó là những nhân viên đang phải làm việc trong kì nghỉ.
Mark Dimondstein nói các kit xét nghiệm này có thể được gửi tới 160 triệu địa chỉ ở Mỹ. USPS đã đưa vào sử dụng một số máy dán nhãn. “Chúng tôi đang khởi động và chạy”, ông nói.
Chính quyền Biden đã ký hợp đồng mua hơn 420 triệu kit xét nghiệm và các hợp đồng bổ sung sẽ được thực hiện trong những tuần tới.
Chính phủ Mỹ dự kiến sẽ trả khoảng 4 tỉ USD cho 500 triệu kit xét nghiệm đầu tiên mà ông Biden đã hứa gửi trao miễn phí đến dân.
Chiến đấu với đại dịch là một trong những ưu tiên hàng đầu của ông Biden. Đại dịch kéo dài cùng với sự mệt mỏi của công chúng đã làm ảnh hưởng đến xếp hạng tín nhiệm của Biden khoảng một năm sau khi ông nhậm chức và hứa sẽ làm tốt hơn người tiền nhiệm là Donald Trump.
Các nhà phê bình nói rằng, trong khi tập trung chú ý vào việc tiêm vắc xin COVID-19 cho người Mỹ, chính quyền Biden không thực hiện đủ để khuyến khích việc đeo khẩu trang và thúc đẩy xét nghiệm. Đây là vấn đề mà Nhà Trắng dường như đang cố gắng giải quyết bằng việc cung cấp miễn phí kit xét nghiệm tại nhà và cam kết đưa nhiều khẩu trang hơn đến công chúng.