Nữ đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley nói Mỹ ‘lên đạn’ trừng phạt Trung Quốc vì Bắc Kinh không tích cực ép CHDCND Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICMB) có thể đe dọa Mỹ. Nhưng liệu có hiệu quả ?

Mỹ ‘lên đạn’ trừng phạt Trung Quốc, liệu có hiệu quả ?

11/07/2017, 16:05

Nữ đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley nói Mỹ ‘lên đạn’ trừng phạt Trung Quốc vì Bắc Kinh không tích cực ép CHDCND Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICMB) có thể đe dọa Mỹ. Nhưng liệu có hiệu quả ?

Tổng thống Donald Trump hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình - Ảnh: AP

Bà Haley nói Mỹ “có nhiều dạng đạn” để ngăn chặn mối đe dọa ngày càng lớn từ ICBM và hạt nhân của Triều Tiên, sau khi Bình Nhưỡng phóng 1 quả ICBM “làm quà" mừng Lễ Độc Lập 4.7 của Mỹ.

Theo trang Christian Science Monitor ngày 10.7, trong số vũ khí mà Mỹ đang "giương cung tên” là trả đũa thương mại đối với Trung Quốc.

Nếu Bắc Kinh không ép Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân và ICBM, thì Mỹ sẽ áp các biện pháp trừng phạt kinh tế Trung Quốc, để buộc Bắc Kinh phải suy nghĩ lại.

Vừa "xúi giục", vừa trả đũa

Khi tham gia bình luận trên các kênh tin tức Mỹ ngày 9.7, bà Haley ra tối hậu thư với Trung Quốc kiểu “nếu không tích cực chặn Triều Tiên thì chúng tôi sẽ truy anh”.

Bà nói với kênh CBS như một cách khuyến khích Trung Quốc hành động: “Các biện pháp trừng phạt là để Trung Quốc biết: Chúng tôi cần quí vị tích cực hơn ."

Nhưng trên CNN, bà mô tả các biện pháp cấm vận kinh tế là để trả đũa, trong trường hợp Trung Quốc dùng quyền phủ quyết ở Hội đồng bảo an LHQ để “giết” nghị quyết trừng phạt Triều Tiên mà Mỹ sẽ trình HĐBA trong những ngày tới.

Nga - Trung Quốc đều có quyền phủ quyết vì là thành viên thường trực HĐBA, đã nói sẽ cực lực phản đối những lệnh trừng phạt mới hoặc hành động quân sự đối với Triều Tiên.

Nga - Trung đề nghị kế hoạch chung là đối thoại và tất cả các bên gồm Mỹ ngưng các hoạt động quân sự và tập trận.

Với chương trình “Diễn văn liên bang”, bà Haley nói: “Mỹ có nhiều dạng đạn dược” và nhấn mạnh Mỹ có nhiều “chọn lựa trên bàn” khi cần phải thúc ép Trung Quốc:

“Trung Quốc cần phải có một lựa chọn, là họ đi cùng chúng ta và phần còn lại của cộng đồng quốc tế, và nói Chúng tôi nghĩ Triều Tiên đã làm sai , hoặc là họ không đồng ý với nghị quyết. Tổng thống đã nói rõ là ông ấy sẽ bắt đầu xem xét trả đũa thương mại đối với Trung Quốc”.

Lời khuyên "xé trang sách giáo khoa của chính phủ Obama"

Dù bà Haley nói thế, nhưng không có nghĩa Tổng thống Donald Trump có ý theo đuổi các hành động này. Trong tuần qua, ông Trump lúc thì khen, khi lại chê Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chưa sẵn sàng cứng rắn với Bình Nhưỡng.

Mặt khác, các quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ vài ngày qua đã nhận ra: Chớ nên quảng bá các ý tưởng của vị lãnh đạo hay đổi ý.

Ví dụ, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cũng tham gia phát biểu trên các kênh TV hôm 9.7, ca ngợi việc ông Trump có ý tưởng lập một đơn vị an ninh mạng với Nga - khi ông nói chuyện với Tổng thống Vladimir Putin - là “một thành tựu rất có ý nghĩa của Tổng thống Trump”.

Đến khuya 9.7, sau khi nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa chỉ trích ý tưởng của ông Trump là “đưa cáo vào chuồng gà”, ông Trump phải đính chính rằng ông không nghĩ có thể có sự hợp tác với Nga.

Một số cựu quan chức có kinh nghiệm trừng phạt thời Tổng thống Barack Obama nói có thể cấm vận Trung Quốc, khi nhắc lại biện pháp “trừng phạt phụ” từng áp dụng đối với các ngân hàng và công ty làm ăn với Iran.

Đó là cách cắt các quan hệ của Iran với các nền kinh tế và các thị trường tài chính quốc tế, để phát đi tín hiệu Iran sẽ bị cô lập kinh tế nếu tiếp tục chương trình hạt nhân, từ đó buộc Iran phải chịu ngồi vào bàn đàm phán và đồng ý từ bỏ chương trình hạt nhân.

David Cohen, thứ trưởng Tài chính Mỹ phụ trách tình báo tài chính và chống khủng bố thời Obama, hồi tháng 4 đã viết trên báo Washington Post: “Để xử lý Triều Tiên, chính phủ Trump nên học một trang trong sách giáo khoa trừng phạt Iran của chế độ Obama, và dùng công cụ này để chống lại Triều Tiên, bằng cách trừng phạt phụ với ai làm ăn với Bình Nhưỡng”.

Theo ông Cohen, trừng phạt các ngân hàng Trung Quốc làm ăn với Triều Tiên có thể hiệu quả vì nhiều lý do chính.

Thứ nhất: chính phủ Mỹ đã nói mục tiêu cuối cùng là một giải pháp ngoại giao cho mối đe dọa của Triều Tiên, và đây là cách Bắc Kinh ưng.

Thứ hai, ông Trump vẫn nghĩ nếu ngoại giao không hiệu quả, ông sẽ vận dụng mọi biện pháp cần thiết, kể cả tấn công quân sự, để không cho Triều Tiên có đủ khả năng dùng vũ khí hạt nhân tấn công Mỹ.

Mà Trung Quốc thì không muốn Triều Tiên sụp đổ từ việc Mỹ hành động quân sự ở bán đảo Triều Tiên.

Bắc Kinh không muốn hỗn loạn ở vùng biên giới giáp Triều Tiên

Thế nhưng nhiều nhà phân tích có kinh nghiệm về Đông Bắc Á lại nêu vấn đề: Những biện pháp cấm vận tương tự nhắm vào Trung Quốc sẽ không thể đạt ý muốn, đồng thời làm mất một thế lực có tầm ảnh hưởng trên chế độ của lãnh đạo Kim Jong-in.

James Walsh, chuyên gia về Triều Tiên ở Chương trình nghiên cứu an ninh thuộc Viện công nghệ Massachusetts (Mỹ) công nhận “trừng phạt phụ” giữ vai trò quan trọng trong trường hợp Iran: “Kinh tế Iran hoàn toàn khác với kinh tế Triều Tiên”.

Việc trừng phạt Trung Quốc khó đạt thành công, vì kinh tế Iran hoàn toàn khác với kinh tế Triều Tiên vốn có Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất.

Ông nói: “Nhận định là nếu chúng ta thoi Trung Quốc bằng chiến tranh thương mại, hoặc vài biện pháp cứng rắn hơn, thì họ sẽ nhận được thông điệp và thật sự o ép. Nhưng tôi nghĩ cách này không hiệu quả. Khi bạn đập ai đó, họ cũng sẽ đá bạn”.

Tiến sĩ Walsh nói Mỹ sẽ không bao giờ trừng phạt Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, và là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ - để ép Bắc Kinh cứng rắn với Triều Tiên, trong khi Bắc Kinh chỉ cố gắng tránh Triều Tiên sụp đổ để không phải đón người chạy nạn Triều Tiên tràn qua biên giới Trung Quốc.

Nhà phân tích Bắc Á Doug Bandow ở Viện Cato (Mỹ) không tin chính phủ Trung Quốc tự để Mỹ sỉ nhục, phải chấp nhận những điều mà Bắc Kinh cho là nguy hại cho quyền lợi an ninh quốc gia Trung Quốc: “Chúng ta phải nhìn nhận điều này để hiểu một đất nước láng giềng sụp đổ sẽ có ý nghĩa thế nào với Trung Quốc”.

Trung Quốc không ép mạnh láng giềng Triều Tiên, vì ngại Bình Nhưỡng đánh các đồng minh của Mỹ ở Đông Bắc Á, và việc giữ nguyên trạng tình hình cũng giúp Trung Quốc có một “vùng đệm” chống thế lực Mỹ ở châu Á.

Mỹ nỗ lực ngăn dòng tiền từ Trung Quốc chảy qua Triều Tiên

Ông Bandow còn lưu ý chính phủ Mỹ phải nhớ mục tiêu tối thượng của sự trừng phạt là gì, và liệu có đáng hay không khi trừng phạt Trung Quốc chỉ khiến Bắc Kinh không hợp tác.

Ông nói: “Câu hỏi thật sự là mục tiêu là gì? Tôi nghi ngờ việc trừng phạt phụ có thể làm cạn nguồn tiền Triều Tiên cần để duy trì kiểm soát và tiếp tục chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân”.

Theo báo The Wall Street Journal, chính phủ Mỹ sẽ siết cấm vận Triều Tiên, nhắm vào các công ty, ngân hàng Trung Quốc bị Mỹ cho là giúp tiền cho chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Bộ Tư pháp Mỹ đã nêu “có những tài khoản ngân hàng chứa đô-la Mỹ” ở nước ngoài kết nối với 5 công ty của Chi Yupeng người Trung Quốc, bao gồm công ty cơ khí Dandong Zhicheng Metallic Material Co, một trong những đơn vị nhập khẩu hàng hóa Triều Tiên lớn nhất ở Trung Quốc.

Dẫn nguồn tin từ 2 người Triều Tiên trốn sang Hàn Quốc, Bộ Tư pháp Mỹ nói đường dây của Chi Yupeng che giấu những vụ chuyển khoản giúp tài trợ các chương trình vũ khí và quân sự của Bình Nhưỡng.

Đường dây này chưa bị Mỹ trừng phạt, nhưng các nhà phân tích nói đó là một nguồn quỹ cần phải chặt bỏ, giống như Mỹ đã làm với công ty Dandong Hongxiang Industrial Development Co. Ltd (Trung Quốc) hồi cuối năm 2016.

Họ cũng nói một số trong khoảng 20 ngân hàng Trung Quốc “rửa tiền” cho Dangdong Hongxiang cũng đáng bị đưa vào tầm ngắm.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ chối bình luận, trong khi WSJ không thể liên lạc với công ty Dandong Zhicheng và Chi Yupeng.

Cuối tháng 6, Bộ Tài chính Mỹ nói sẽ cắt Ngân hàng Đan Đông của Trung Quốc khỏi các thị trường tài chính Mỹ, vì Triều Tiên dùng tên giả tạo nhiều tài khoản ở ngân hàng này.

Vĩnh Thụy (theo Christian Science Monitor)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng làm việc với Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại châu Âu
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Trong chương trình thăm chính thức Cộng hòa Czech, chiều ngày 19.1 (giờ địa phương), tại thủ đô Praha, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp mặt, làm việc với các đại diện Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam và chuyên gia người Việt Nam tại châu Âu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ ‘lên đạn’ trừng phạt Trung Quốc, liệu có hiệu quả ?