Sau khi Tổng thống Donald Trump cho "Tomahawk bay vào Syria" trừng phạt quân đội Syria vào ngày 7.4, Washington đã rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan khi cơ sở cho quyết định của người đứng đầu Nhà Trắng không được làm rõ. G7 không thể thống nhất trừng phạt Syria và Nga sau hành động này.

Nội chiến Syria: Nga có thể thành 'dã tràng xe cát'

08/07/2017, 15:31

Sau khi Tổng thống Donald Trump cho "Tomahawk bay vào Syria" trừng phạt quân đội Syria vào ngày 7.4, Washington đã rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan khi cơ sở cho quyết định của người đứng đầu Nhà Trắng không được làm rõ. G7 không thể thống nhất trừng phạt Syria và Nga sau hành động này.

Tổng thống Putin có thể rơi vào tình thế không thể cứu được đồng minh

Thừa cơ, Moscow đã đưa ra kế hoạch thiết lập vùng giảm căng thẳng tại Syria - một cách xác định vị thế cho Nga và các đồng minh của Nga trong ván cờ Syria. Bản ghi nhớ tại Hoà đàm Astana lần thứ 4 về việc thành lập vùng giảm căng thẳng đã tạo ra lợi điểm rất lớn cho Moscow.

Mọi việc tưởng chừng "xuôi chèo mát mái" thì gần đây liên tiếp xảy ra những sự kiện nằm ngoài tầm với của Moscow. Điều này có thể khiến Nga mất đi vai trò đạo diễn ván cờ Syria, dù Ngoại trưởng Mỹ vừa đưa ra kế hoạch hợp tác với Nga và Tổng thống Trump cũng đã lần đầu tiên gặp Tổng thống Putin.

Liên Hợp Quốc đã có cơ chế có thể khiến Tổng thống Assad phải ra toà

Ngày 3.7, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã bổ nhiệm Thẩm phán người Pháp Catherine Marchi-Uhel làm Trưởng ban hội thẩm quốc tế về tội ác chiến tranh tại Syria, theo trang thông tin của LHQ un.org.

Trước đó, tại cuộc họp của Đại hội đồng LHQ vào tháng 12.2016, bất chấp sự phản đối của Nga và Syria, 193 thành viên LHQ đã thông qua nghị quyết về việc thành lập Ủy ban hội thẩm quốc tế nhằm phối hợp với Ủy ban quốc tế độc lập về truy vấn Syria.

Sau khi việc thành lập Ủy ban hội thẩm được phê chuẩn, tháng 1.2017, LHQ đã ra thông báo cho biết định chế quốc tế này sẽ do một Thẩm phán cấp cao điều phối các hoạt động, và nay bà Catherine đã được bổ nhiệm vào vị trí ấy.

Theo quyết định thành lập, Ủy ban hội thẩm quốc tế là một định chế quốc tế, hoạt động với cơ chế độc lập, nhằm hỗ trợ điều tra và truy tố những người chịu trách nhiệm về những tội ác nghiêm trọng nhất theo luật pháp quốc tế xảy ra tại Syria kể từ tháng 3.2011.

Ủy ban Nhân quyền LHQ cho rằng tội ác chiến tranh diễn ra tràn lan ở Syria, vì vậy LHQ ủy nhiệm cho Ủy ban hội thẩm quốc tế thu thập, phân tích, củng cố chứng cứ về vi phạm luật nhân đạo quốc tế và vi phạm nhân quyền, chuẩn bị hồ sơ cho quá trình tố tụng hình sự trong tương lai.

Kết quả hình ảnh cho hình ảnh tội ác chiến tranh tại syria

Tổng thống Assad có nguy cơ đối diện với việc luận tội mà Moscow không dễ cứu được đồng minh

Ủy ban hội thẩm quốc tế dự kiến ​có khoảng 50 nhân viên và đến nay đã nhận được khoảng 6,5 triệu USD chi phí cho hoạt động của năm đầu tiên.

Hầu hết các quốc gia châu Âu đã tài trợ cho hoạt động của định chế quốc tế này, song thế giới Ả Rập chỉ có Qatar và Kuwait nằm trong danh sách các nhà tài trợ.

Theo thống kê của LHQ, đến nay có khoảng 465.000 người đã thiệt mạng trong cuộc nội chiến Syria và 8 triệu người bị mất nhà cửa. Một ủy ban điều tra của LHQ đã có tài liệu về các vụ tra tấn, giết người và các hành vi tàn bạo khác được thực hiện tại Syria.

Hiện nay các cuộc điều tra về tội ác chiến tranh tại Syria đang thu hút sự quan tâm rất lớn của các nước phương Tây.

Thụy Điển, Đức, Pháp, Hà Lan và Thụy Sĩ đã mở các cuộc điều tra về tội ác chiến tranh tại Syria. Còn tại Tây Ban Nha, tòa án nước này đang xem xét và củng cố chứng cứ để có thể đưa ra xét xử vụ việc mà các nạn nhân người Syria khởi kiện các quan chức cao cấp trong cơ quan an ninh của chính quyền Tổng thống Assad.

Việc thành lập và hoàn thiện cơ chế hoạt động của Ủy ban hội thẩm quốc tế được cho là sẽ giúp công tố viên tại các quốc gia đang điều tra về tội ác ở Syria dễ dàng hơn trong phân tích và củng cố bằng chứng cho việc truy tố hình sự đối với tội phạm.

Theo The New York Times, dự kiến Ủy ban thẩm định sẽ làm việc với Ủy ban liên lạc của LHQ về Syria về danh sách các cá nhân liên quan đến tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người. Trong danh sách đó có ông Assad và nhiều nhân vật chính trong chính phủ Syria.

Mỹ và các đồng minh được cho là đã chuẩn bị kịch bản luật pháp hoá chính trị nhằm tước bỏ quyền lực của ông Assad cũng như xóa bỏ tận gốc rễ chính quyền Damascus. Việc LHQ đưa Ủy ban hội thẩm quốc tế đi vào hoạt động cho thấy kịch bản ấy dường như đã được mở đường bằng cơ chế quốc tế.

Việc thành lập Ủy ban hội thẩm quốc tế đã hoá giải được tác hiệu quyền phủ quyết của Nga với tư cách Thành viên Thường trực HĐBA, vốn đã nhiều lần ngăn chặn thành công các cơ chế quốc tế muốn điều tra hình sự về cuộc xung đột tại Syria. Nay ông Assad có nguy cơ bị tước bỏ quyền lực trong một nước đi mà Moscow khó có thể cứu được đồng minh.

Sơ suất của Moscow khiến Washington có thể lật ngược thế cờ

Ngày 5.7 vừa qua, sau khi kết thúc Hoà đàm Astana lần thứ 5, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã không thống nhất được với nhau về việc thành lập các khu vực giảm căng thẳng tại Syria. Đây là một một kết quả rất bất ngờ với dư luận quốc tế và rất bất lợi cho Nga.

Điều đó cho thấy việc thành lập các khu vực giảm căng thẳng tại tỉnh Idlib, tỉnh Homs và Ghouta, ngoại ô phía đông thủ đô Damascus - những nơi xảy ra giao tranh dữ dội nhất giữa quân đội chính phủ Syria, phong trào al-Nusra và lực lượng đối lập ôn hòa, vẫn chỉ nằm trong nội dung Bản ghi nhớ.

Hoà đàm Astana lần thứ 5 do Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ, diễn ra tại thủ đô Kazakhstan trong 2 ngày 3 và 4.7 được kỳ vọng sẽ diễn ra việc ký kết thoả thuận thành lập các khu vực giảm căng thẳng và thiết lập cơ chế quốc tế giám sát việc thực thi. Song cuối cùng mọi việc lại chưa thể diễn ra.

nga-lap-4-vung-an-toan-tai-syria

Bế tắc trong việc thành lập các khu vực giảm căng thẳng tại Syria khiến Moscow rơi vào thế bất lợi

Giải thích cho nguyên nhân mọi việc rơi vào bế tắc, ông Alexander Lavrentyev, nhà thương lượng cao cấp của Nga đã cho biết: "Phía Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng họ cần nhiều thời gian hơn để tính toán trước khi có thể đưa ra một quyết định phù hợp".

Trưởng đoàn đàm phán của chính phủ Syria, Bashar al-Ja afari, thông tin thêm: "Phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ phản đối việc thông qua bất kỳ văn bản nào liên quan đến thoả thuận và cơ chế thực thi việc thành lập các khu vực giảm căng thẳng".

Hoà đàm Astana lần thứ 5 kết thúc mà việc thành lập các khu vực giảm căng thẳng tại Syria vẫn chưa được đồng thuận, điều đó khiến vấn đề trở nên rất phức tạp. Mọi việc không sớm được thống nhất đã gây ra nhiều bất lợi cho Nga trong cuộc xung đột tại Syria.

Niềm tin quốc tế vào việc Moscow có thể đạo diễn ván cờ Syria sẽ bị suy giảm, bởi lẽ việc thành lập các khu vực giảm căng thẳng là một bước ngoặt quan trọng, thể hiện rõ nhất vai trò của Moscow, thể hiện sự thắng thế của Nga và đồng minh của mình trước Mỹ và đối tác của Mỹ tại Syria.

Khi các khu vực giảm cẳng thẳng được thành lập và có cơ chế giám sát đảm bảo việc thực thi, qua đó nâng cao vị thế cho Moscow – nó chứng tỏ người Nga nói được và làm được. Nay vấn đề rơi vào bế tắc mà nguyên nhân là do nội bộ "phe Nga" chứ không phải do "phe Mỹ" phá hoại.

Bên cạnh đó, Hoà đàm Astana có thể không còn được xem là bước tiền trạm cho Hội nghị quốc tế Geneve về một giải pháp toàn diện cho cuộc xung đột tại Syria, mà ở đó vị thế và vai trò của chính quyền Assad luôn vượt trội so với phe đối lập được Mỹ và phương Tây hậu thuẫn.

Không những vậy, việc thành lập khu vực giảm căng thẳng rơi vào bế tắc là cơ hội cho Washington thúc đẩy nhanh việc thiết lập vùng cấm bay tại Syria. Điều này có thể khiến Moscow rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Nếu Moscow hợp tác với Washington trong việc thiết lập vùng cấm bay, theo như đề nghị của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, khi đó vai trò của Nga tại Syria sẽ phải bị chia sẻ với Mỹ.

Nếu Moscow khước từ, Washington sẽ đơn phương thiết lập vùng cấm bay tại Syria, đẩy Nga và các đồng minh vào thế bất lợi khi phải đối diện với xung đột quân sự mà Lầu Năm Góc sẽ thúc đẩy và tăng cường, sau khi Washington có sự điều chỉnh quan trọng về chiến lược quân sự.

Theo giới phân tích, từ khi tham gia vào cuộc xung đột Syria, Nga có được, có mất, song người Nga chưa thực sự nhận một thất bại nào đúng nghĩa tại ván cờ này. Tuy nhiên, việc bế tắc trong không thành lập được vùng giảm căng thẳng được xem chính là thất bại của Nga.

Việc để rơi vào tình thế nguy hiểm này hoàn toàn do lỗi của Nga. Có lẽ Moscow đã tin rằng Ankara sẽ dễ dàng chấp thuận kế hoạch Nga đưa ra mà có lợi cho đồng minh của Nga hơn là đối tác của Thổ. Dường như Điện Kremlin quên Thổ Nhĩ Kỳ không phải là đồng minh của Nga tại Syria.

Nga kết hợp với Thổ Nhĩ Kỳ nhưng lại bắt tay với lực lượng người Kurd - lực lượng mà Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm và diệt - đây sơ suất "chết người" của Moscow. Điều đó khiến cho nền tảng niềm tin của Ankara và Moscow không thể được xác lập.

Giới phân tích cho rằng sơ suất này được xem là nguyên nhân quan trọng khiến cho việc thành lập khu vực căng thẳng rơi vào bế tắc sau Hoà đàm Astana lần thứ 5, mà có thể đưa Nga vào một vị thế bất lợi trong ván cờ Syria.

Ngọc Việt

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nội chiến Syria: Nga có thể thành 'dã tràng xe cát'