Mosul đã được giải phóng sau khi quân chính phủ Iraq đánh tan quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở thành phố này, nhưng bọn IS chưa bị tiêu diệt hoàn toàn, theo nhận định của Guardian.

Mosul được giải phóng nhưng khủng bố IS chưa bị tiêu diệt hoàn toàn

10/07/2017, 12:21

Mosul đã được giải phóng sau khi quân chính phủ Iraq đánh tan quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở thành phố này, nhưng bọn IS chưa bị tiêu diệt hoàn toàn, theo nhận định của Guardian.

Cảnh sát Iraq mừng Mosul được giải phóng - Ảnh: Getty Images

Gần 3 năm trước, thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi đứng trên bục của Đại giáo đường Al-Nuri xây từ thời Trung cổ ở thành phố Mosul, tuyên bố lập "Nhà nước Hồi giáo" sau khi quân khủng bố IS chiếm được nhiều vùng đất rộng lớn ở Iraq và Syria.

3 năm sau, thành phố lớn thứ hai Iraq hầu như thuộc quyền kiểm soát của quân chính phủ, quân khủng bố IS chỉ còn “thủ phủ” tự xưng Raqqa ở Syria và những vùng sa mạc phía tây Iraq. Baghdadi hoàn toàn mất tăm, có tin rằng hắn đã bị giết.

Chính phủ Iraq phải bị quy trách nhiệm

Đại giáo đường Al-Nuri bị tàn phá nặng nề, dân Mosul phải trả một cái giá quá đắt, hàng ngàn người bị bọn IS đòi thánh chiến Jihad giết hoặc làm bị thương. Họ còn phải chịu đựng những đợt dội bom của liên quân chống khủng bố IS do Mỹ dẫn đầu, hoặc bị giết khi bị kẹt trong những cuộc đấu súng trên đường phố giữa bọn IS với quân đội Iraq.

Khoảng 1 triệu cư dân thành phố này phải sơ tán, nhiều người bị bệnh hoặc bị suy dinh dưỡng. Những tội ác của bọn khủng bố IS ở Mosul và nơi khác khiến chúng bị thế giới lên án.

Công việc tái thiết thành phố sẽ là một thử thách lớn, khi bọn IS trước khi thất thủ đã gài mìn khắp thành phố, trên từng con đường, trong từng căn nhà, theo lời một người lính giải phóng Mosul. Để tái thiết, trước hết phải gỡ sạch mìn và phòng chống nguy cơ bọn khủng bố IS gây rối bằng các cuộc đột kích, hoặc tấn công khủng bố để trả thù cho vụ thất thủ.

Liên Hợp Quốc đã ước tính kinh phí tái thiết, sửa chữa cơ sở hạ tầng cơ bản ở Mosul có thể tốn hơn 1 tỉ USD, trong khi việc tái thiết dài hạn có thể tốn hàng tỉ USD nữa. Cuộc tái thiết này sẽ mất nhiều năm trong điều kiện hòa bình, trong khi đó vẫn còn những cuộc đấu súng trong ngày 9.7 vừa qua.

Đích thân Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đến thăm Mosul ngày 9.7 chúc mừng thành phố được giải phóng khỏi bọn khủng bố IS. Nhưng ông Abadi và tiền nhiệm Nouri al-Maliki cũng phải chịu trách nhiệm đã để mất thành phố này ngay từ sớm.

Nhiều người ngoài Iraq và Syria đã báo trước về sự nổi dậy của bọn khủng bố IS và đà chiến thắng của chúng từ năm 2014. Chúng tranh thủ việc chính phủ Iraq có đông người theo đạo Hồi dòng Shiite nên đối xử không công bằng, gây ra sự bất mãn cực độ của cộng đồng Hồi giáo dòng Sunni thiểu số. Chính vì thế, ban đầu, một số người ở Mosul hoan nghênh sự nổi dậy của bọn IS.

Cách hành xử của Baghdad bất chấp những nỗ lực từ bên ngoài - chủ yếu là Mỹ - để yêu cầu Thủ tướng Maliki và người ủng hộ cho phép sự chia sẻ quyền lực có ý nghĩa với dòng Sunni và với cộng đồng người Kurd đông đúc ở Iraq.

Các đồng minh của ông Maliki ở chính phủ Iran theo dòng Shiite cũng phải chịu trách nhiệm. Tình cờ được trao một tầm ảnh hưởng trên Iraq sau cuộc chiến lật đổ Saddam Hussein do Tổng thống Mỹ George Bush phát động, Iran đâu dễ bỏ rơi tầm ảnh hưởng này.

Nguy cơ Iraq bị chia cắt

Dù các cánh quân Shiite có Iran chống lưng giữ vai trò lớn trong việc xua đuổi bọn khủng bố IS khỏi Ramadi, Tikreit và các thành phố khác, vai trò nổi bật của Iran và sự thù địch giữa hai dòng Sunni - Shiite sẽ còn tiếp tục tác động tiêu cực.

Trên vài cấp độ, mệnh lệnh phải đánh tan bọn IS đã đoàn kết các lực lượng Iraq chống đối nhau. Nay, có lẽ sẽ lại xuất hiện chiến tuyến giữa hai dòng Sunni - Shiite, giữa người Ả Rập với người Kurd.

Mosul đang khó khăn nhưng vẫn là một thành phố đa chủng tộc, sẽ không hoan nghênh việc nắm lại quyền lực của chính phủ mất uy tín ở Baghdad. Việc nhánh quân người Kurd góp phần đánh bại khủng bố IS nhờ kết hợp với quân đặc nhiệm Mỹ và liên minh phương Tây sẽ góp phần nâng uy tín địa phương và quốc tế cho chính quyền hầu như tự trị Kurd (KRG) ở bắc Iraq.

KRG dự tính tổ chức trưng cầu dân ý để độc lập khỏi Iraq vào tháng 9 tới. Điều này có thể khiến Iraq bị chia cắt. Và còn có khả năng một sự hợp tác với các nhóm người Kurd ở Syria chống chế độ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Mỹ chớ vội tán dương công trạng

Trong bối cảnh đó, Mỹ đối mặt với quá nhiều vấn đề phức tạp. Nhiều người thắc mắc quân Mỹ ở lại Iraq bao lâu, có mãi mãi hỗ trợ chính phủ Thủ tướng Iraq Abadi hay không?

Xem ra Lầu Năm Góc chưa tính chuyện sớm rút quân. Bộ Quốc phòng Mỹ đã xin ngân sách 1,27 tỉ USD trong năm 2018 để tiếp tục hỗ trợ quân đội Iraq. Nhưng nếu có một chiến lược dài hơi thì Mỹ sẽ giữ kín bí mật.

Điều chắc chắn là chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ vênh vang vì chiếm lại Mosul và xem đó là một điều báo hiệu cho việc sẽ đánh bại bọn khủng bố IS ở “thủ phủ” Raqqa của chúng. Ông Trump thậm chí còn có thể khoe đã làm tròn lời hứa “tiêu diệt” bọn IS.

Nhưng thực tế là bọn IS có thể chỉ mất hậu cứ, chứ ý tưởng tiến hành thánh chiến Jihad chống phương Tây của chúng vẫn chưa bị đánh bại. Quân khủng bố IS sẽ tiếp tục gieo rắc các ý tưởng hận thù trên mạng internet và các tay súng của chúng sẽ tiếp tục những cuộc nổi loạn.

Và nay chúng có thể có thêm động cơ đánh “kẻ thù”, có nghĩa sẽ gia tăng những vụ tấn công khủng bố trên đất châu Âu. Nhiều chứng cứ cho thấy các tay súng chiến bại của bọn IS đang trở về nguồn cội của chúng ở châu Âu.

Tin mừng cho Mosul là thế, nhưng bọn IS chỉ mới bại trận chứ chưa hề bị tiêu diệt hoàn toàn.

Vĩnh Thụy (theo Guardian)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Nghiên cứu thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia về tín chỉ carbon
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên - Môi trường khẩn trương nghiên cứu thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia về tín chỉ carbon.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mosul được giải phóng nhưng khủng bố IS chưa bị tiêu diệt hoàn toàn