Đài Loan có thể là trọng tâm thảo luận trong cuộc hội đàm giữa lãnh đạo Mỹ - Nhật vào tuần tới trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng trên biển.

Mỹ - Nhật đặt trọng tâm an ninh vào Đài Loan, thách thức Trung Quốc

Hoàng Vũ | 04/04/2021, 10:10

Đài Loan có thể là trọng tâm thảo luận trong cuộc hội đàm giữa lãnh đạo Mỹ - Nhật vào tuần tới trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng trên biển.

Theo Nikkei, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga được cho là sẽ khẳng định tầm quan trọng của sự ổn định ở eo biển Đài Loan - một chủ đề có thể được đưa vào tuyên bố chung sau cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo. Một động thái như vậy sẽ đánh dấu một sự bày tỏ công khai hiếm hoi về mối quan tâm của Mỹ và Nhật Bản đối với Đài Loan.

Lần cuối cùng điều đó xảy ra là vào năm 1969 (trước khi Mỹ công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa) khi Thủ tướng Eisaku Sato và Tổng thống Richard Nixon nhấn mạnh trong một tuyên bố rằng an ninh của Đài Loan là rất quan trọng đối với an ninh của Nhật Bản.

trung-quoc-dang-ung-ho-phong-trao-doi-ly-khai-o-nhat-ban.jpeg
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga - Ảnh: AFP

Các nhà quan sát nhận định rằng bất kỳ đề cập nào đến Đài Loan trong tuyên bố chung sẽ báo hiệu mối quan tâm ngày càng tăng của quốc tế về vấn đề này.

“An ninh của Đài Loan không còn là vấn đề giữa hai bờ eo biển Đài Loan. Sự bành trướng của Trung Quốc trong khu vực đi cùng sự hung hăng quân sự đối với Đài Loan đã làm nổi bật mối quan tâm toàn cầu về an ninh của hòn đảo”, Wang Ting-yu, nhà lập pháp từ Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) cầm quyền của Đài Loan cho biết.

Trung Quốc, từ lâu vốn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và tuyên bố sẽ chiếm lại hòn đảo, bằng vũ lực nếu cần thiết. Trung Quốc đã tăng cường áp lực quân sự và ngoại giao đối với Đài Loan trong vài năm qua.

Bắc Kinh cũng cảnh báo các quốc gia khác không nên ủng hộ Đài Loan - đặc biệt là Mỹ, nơi tiếp tục cung cấp vũ khí phòng thủ cho hòn đảo ngay cả sau khi công nhận chính sách “Một Trung Quốc” từ năm 1979.

Giới quan sát cho rằng Mỹ và Nhật Bản, cũng như Úc và Liên minh châu Âu (EU), hiện coi Trung Quốc đang trở thành mối đe dọa trong khu vực khi nước này mở rộng sức mạnh quân sự.

“Điều này giải thích tại sao Nhật Bản, vốn từng khá bảo thủ khi đề cập đến vấn đề Đài Loan, đang xem xét cử lực lượng quốc phòng của mình hợp tác với Mỹ để bảo vệ Đài Loan”, một nhà lập pháp khác của DPP Chen Ting-fei cho biết.

Tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi đã nói với người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin rằng Tokyo đang xem xét tính khả thi của việc cử Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản hợp tác với các lực lượng Mỹ trong việc bảo vệ Đài Loan, “do khoảng cách địa lý của eo biển và khả năng xảy ra xung đột vũ trang ở đó ảnh hưởng đến sự an toàn của công dân Nhật Bản”, theo Kyodo News.

Cuộc hội đàm, có sự tham dự của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Nhật Bản Toshimitsu Motegi, cho thấy hai bên cam kết tăng cường quan hệ đồng minh để đáp lại những lo ngại chung về “các hành động gây hấn” của Bắc Kinh.

Li Da-jung, một giáo sư về các vấn đề quốc tế và nghiên cứu chiến lược tại Đại học Tamkang ở Đài Bắc, nói rằng theo hiệp ước phòng thủ chung của họ, “Washington và Tokyo phải hỗ trợ lẫn nhau nếu sự an toàn của một trong hai bị đe dọa”.

“Dựa trên cam kết này, nếu Mỹ cử lực lượng đến giúp bảo vệ Đài Loan, Nhật Bản sẽ cần phải suy nghĩ về vai trò của mình”, Li nhấn mạnh và cho biết viễn cảnh Bắc Kinh chiếm đóng Đài Loan và kiểm soát các vùng biển xung quanh sẽ đe dọa lợi ích của Nhật Bản, đó “có thể là lý do tại sao Nhật Bản được cho là đã xem xét tính khả thi của việc cử lực lượng quốc phòng của mình hợp tác với Mỹ để bảo vệ Đài Loan”.

Tuy nhiên, cựu lãnh đạo của Cơ quan phòng vệ Đài Loan Andrew Yang cho rằng Nhật Bản không có khả năng chủ động đối với Đài Loan do sợ sẽ làm Bắc Kinh tức giận. “Thay vào đó, Nhật Bản sẽ tập trung vào các vấn đề bao gồm phòng thủ tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp trước các hoạt động thường xuyên của Bắc Kinh xung quanh khu vực này”, Yang nói.

Ông cũng dự đoán Mỹ - Nhật dự kiến ​​sẽ thảo luận về các cuộc tập trận chung giữa hai nước ở vùng biển xung quanh hòn đảo Yonaguni gần Senkaku nhằm đối chọi lại việc Bắc Kinh đưa ra luật tuần duyên mới vào tháng 2 cho phép lực lượng của họ nổ súng với tàu nước ngoài xâm nhập vùng biển mà Trung Quốc “tuyên bố chủ quyền”.

Trong một bài xã luận đăng tải vào thứ 3 tuần này , tờ Thời báo Hoàn cầu (thuộc cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc) cảnh báo rằng nếu vấn đề an ninh Đài Loan được đưa vào một tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh giữa 2 ông Biden và Suga, nó sẽ có “hậu quả nghiêm trọng” vì Bắc Kinh chắc chắn sẽ “có các biện pháp đối phó chống lại nó”.

Lin Ying-yu, giáo sư về các vấn đề chiến lược và quốc tế tại Đại học Quốc lập Chung Cheng nằm tại huyện Gia Nghĩa, một huyện phía Tây Nam Đài Loan, cho biết chính quyền Đài Loan nên xem xét cách mở rộng tương tác với các nước láng giềng như Nhật Bản và Úc để chống lại các mối đe dọa quân sự ngày càng tăng từ đại lục.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
9 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ - Nhật đặt trọng tâm an ninh vào Đài Loan, thách thức Trung Quốc