Mỹ đã bày tỏ phản đối về việc Trung Quốc thực hiện việc bay thử nghiệm ra sân bay mà Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Mỹ phản đối việc Trung Quốc bay thử nghiệm ra sân bay xây dựng phi pháp trên đá Chữ Thập

Một Thế Giới | 06/01/2016, 05:26

Mỹ đã bày tỏ phản đối về việc Trung Quốc thực hiện việc bay thử nghiệm ra sân bay mà Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Phát biểu với báo giới ngày 4.1 tại thủ đô Washington, người phát ngôn Bộ quốc phòng Mỹ John Kirby cho rằng hành động trên của Trung Quốc "làm gia tăng căng thẳng và đe dọa sự ổn định của khu vực".
Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ John McCain cho rằng Trung Quốc đang tiếp tục "theo đuổi tham vọng lãnh thổ của mình" trong khu vực, trong đó có việc đáp máy bay xuống đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Chính khách này chỉ trích chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã chậm trễ triển khai thêm các cuộc tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông.
Tr­­­ước đó, ngày 2.1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Pooja Jhunjhunwala cho rằng hành động của Trung Quốc “đã làm gia tăng căng thẳng” trong khu vực, đồng thời kêu gọi tất cả các bên tích cực giảm căng thẳng bằng việc ngừng các hành động đơn phương làm tổn hại sự ổn định và an ninh trong khu vực, có các bước đi nhằm tạo điều kiện đạt được các giải pháp ngoại giao hữu ích”.
Washington cũng chỉ trích hoạt động xây dựng trái phép các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã tiến hành tại Biển Đông, cho rằng Bắc Kinh đang có kế hoạch sử dụng các đảo này vào mục đích quân sự.
Liên quan vấn đề này, phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 4.1, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết Nhật Bản “lo ngại sâu sắc trước hành động đơn phương thay đổi nguyên trạng của Trung Quốc trên Biển Đông, cũng như ý định coi việc xây dựng ồ ạt của Bắc Kinh tại vùng biển này như “sự đã rồi”. Ông Kishida nhấn mạnh Tokyo không chấp nhận các hành động làm leo thang căng thẳng trong khu vực. Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác với các quốc gia liên quan để bảo vệ tự do hàng hải.
Cùng ngày, Philippines tuyên bố nước này phản đối việc Trung Quốc tiến hành hoạt động bay thử nghiệm trên đường băng mà Bắc Kinh mới xây dựng ở đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa trên Biển Đông.
Ngày 2.1.2016, Trung Quốc đã thực hiện việc bay thử nghiệm ra sân bay mà nước này xây dựng bất hợp pháp trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Phản ứng trước hành động trên của Trung Quốc, cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: "Hành động của Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa; đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, tinh thần của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002; ảnh hưởng hòa bình, ổn định ở Biển Đông; giảm sự tin cậy chính trị giữa hai nước; tác động tiêu cực đến quan hệ láng giềng và tình cảm tốt đẹp giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc.
Việt Nam kiên quyết phản đối hành động trên của Trung Quốc; yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay, không tái diễn các hành động tương tự; và có hành động thiết thực, cụ thể góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông".
Theo TTXVN
Bài liên quan
Người Nhật đau đầu đối phó với nạn cát vàng đến từ Trung Quốc
Cát vàng là bụi có nguồn gốc từ các sa mạc nội địa của Trung Quốc và Mông Cổ, được gió thổi đến quần đảo Nhật Bản, thường là từ tháng 3 đến tháng 5 hằng năm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Hạn hán khô khát khốc liệt ở miền Tây Nam Bộ
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Kênh rạch khô nứt nẻ; đường sá sạt lở sụt lún khiến giao thông ách tắc; hàng vạn người dân thiếu nước sạch sinh hoạt… là những gì đã và đang diễn ra tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL hiện nay.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ phản đối việc Trung Quốc bay thử nghiệm ra sân bay xây dựng phi pháp trên đá Chữ Thập