Khi nhẹ nhàng đổi cách gọi chức danh “Chủ tịch” của ông Tập Cận Bình thành “Tổng bí thư”, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang phát đi tín hiệu sẽ cứng rắn hơn đối với nhà lãnh đạo Trung Quốc, theo báo Washington Times ngày 28.11.

Mỹ phát tín hiệu cứng rắn hơn với ‘Tổng bí thư’ Tập Cận Bình

Mỹ Trinh | 29/11/2019, 13:15

Khi nhẹ nhàng đổi cách gọi chức danh “Chủ tịch” của ông Tập Cận Bình thành “Tổng bí thư”, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang phát đi tín hiệu sẽ cứng rắn hơn đối với nhà lãnh đạo Trung Quốc, theo báo Washington Times ngày 28.11.

Ông Tập, 66 tuổi, hiện giữ chức danh Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC), Chủ tịch Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và là Chủ tịch Quân ủy trung ương (CMC). Và trong một nỗ lực củng cố quyền lực và kéo dài thời hạn nhiệm kỳ, ông Tập cũng đạt đến chức danh “lãnh đạo cốt lõi” của CPC hồi 3 năm trước. Năm 2018, Quốc hội Trung Quốc cũng sửa đổi Hiến pháp, qua đó hủy bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với chức danh Chủ tịch nước, tạo điều kiện cho ông Tập nắm quyền lực vĩnh viễn.

Ngoại trưởng Mỹ "bắt chước" Tổng thống Mỹ Reagan

Nhưng trong một phát biểu quan trọng về chính sách đối ngoại của Mỹ ở Viện Hudson ngày 30.10, Ngoại trưởng Mike Pompeo gọi ông Tập là “Tổng bí thư” thay vì là “Chủ tịch”. Tờ báo Mỹ nói có vẻ đó là lần đầu tiên một quan chức cấp cao của Mỹ bỏ chức danh “Chủ tịch” khi nói về nhà lãnh đạo Trung Quốc: “Giới truyền thông nhà nước và người phát ngôn của chính phủ Trung Quốc đã lấp các chỗ trống, thường xuyên làm sai lệch ý định và mục tiêu chính sách của Mỹ. Ngày nay họ vẫn làm thế, họ đã bóp méo cách người Mỹ nhìn nhận về Trung Quốc và về Tổng bí thư Tập”.

Các nhà phân tích và các nguồn tin an ninh quốc gia của tờ báo Mỹ nói: sự thay đổi cách gọi này tuy nhẹ nhàng, lại mang ý nghĩa sâu hơn và gợi ý rằng các quan chức trong chính phủ Mỹ có quan điểm “diều hâu” đối với Trung Quốc đang thẳng thừng vạch trần tình trạng Trung Quốc thiếu dân chủ và không có bầu cử công bằng.

Xem ra chính sách trên chưa lan tỏa khắp chính phủ Mỹ. Ông Trump vẫn gọi ông Tập là “Chủ tịch”, khi ông nói chuyện về triển vọng đạt đến thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung với các nhà báo ở Phòng Bầu dục hôm 26.11.

Nhưng các nguồn tin của Washington Times đang chứng kiến ở thủ đô Mỹ đang tăng cách mô tả ông Tập là người không bị trói buộc bởi ý chí của nhân dân cùng các cách kiềm chế quyền lực khác. Dù ông Trump chưa thay đổi ngôn ngữ, chắc chắn các quan chức Nhà Trắng đã “bật đèn xanh” cho Ngoại trưởng Pompeo gọi ông Tập là “Tổng bí thư”.

Báo này cũng nhắc người chỉ trích Trung Quốc đã nhắc lại luận điệu của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan lúc Chiến tranh Lạnh tăng cao nhất. Trong diễn văn nổi tiếng năm 1987 ở phía tây Bức tường Berlin (ngăn cách hai miền Đông-Tây Đức), ông Reagan cẩn thận gọi ông Mikhail Gorbachev là “Tổng bí thư”, như để nhấn mạnh quyền lực duy nhất mà ông Gorbachev có: nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô.

Theo Washington Times, việc gọi ra chức danh quyền lực nhất của ông Tập vào lúc Mỹ -Trung đối đầu trên nhiều mặt trận. Ngày 27.11, Tổng thống Trump ký duyệt Luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông, như một cách gây sức ép để Bắc Kinh ngưng đàn áp bạo lực đối với người phản đối ở Đặc khu hành chính Hồng Kông thuộc Trung Quốc.

Các quan chức cấp cao của Mỹ ngày càng tăng các tuyên bố cứng rắn phản đối việc Trung Quốc toan tính độc chiếm Biển Đông. Và hai chính phủ vẫn đang tiếp tục đàm phán nhằm kết thúc cuộc chiến thương mại. Ngày 27.11, một quan chức cấp cao của Mỹ nói một thỏa thuận sơ bộ đang “rất gần, chỉ còn cách vài milimét”. Tuyên bố đó làm tăng lạc quan Mỹ -Trung có thể đạt được một thỏa thuận giai đoạn 1”, ngay sau kỳ nghỉ cuối tuần này.

Giữa lúc căng thẳng Mỹ - Trung này, chính phủ Mỹ cùng các tổ chức dân sự cũng tăng cường chỉnh sửa từ ngữ để mô tả ông Tập. Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung (do Quốc hội Mỹ lập năm 2009 để nắm thông tin về quan hệ song phương này) đã chính thức đề nghị chính phủ Mỹ đổi cách mô tả nhà lãnh đạo Trung Quốc. Họ viết trong báo cáo hàng năm mới đây nhất: “Trung Quốc không là một nền dân chủ, người dân không có quyền bầu cử, tụ tập hoặc tự do ngôn luận. Việc gọi Tổng bí thư Tập bằng chức danh “Chủ tịch” đã tạo ra cái vỏ ngoài hợp pháp dân chủ cho CPC và cho chế độ độc tài của ông Tập”.

Việc gọi ông Tập là “Tổng bí thư” xem ra cũng nhằm phát một thông điệp đến người dân Trung Quốc: Mỹ không bất đồng với họ, và hoàn toàn ủng hộ Trung Quốc đạt đến kinh tế thịnh vượng.

Thay vào đó, chính phủ Mỹ chỉ phản đối cách điều hành đất nước ngày càng độc tài của chính quyền ông Tập. Ông Pompeo đã nói việc chính quyền Hồng Kông đàn áp người phản đối: “Chúng ta có thể thấy chế độ Trung Quốc chà đạp các quyền làm người cơ bản của công dân nước họ, những người dân Trung Quốc vĩ đại và cao quý”.

Các nhà phân tích nói việc gọi ông Tập là “Tổng bí thư” cũng soi rõ việc CPC đầy thế lực và kiểm soát chặt đường lối chính sách của Trung Quốc. Nhà nghiên cứu cấp cao Robert Spalding của Viện Hudson nói: “CPC cực tài giỏi khi định hướng, là bậc thầy trong việc chuyển hóa các vấn đề vào trong một tấm khiên hoặc trở thành một mũi lao, bất kỳ công cụ có lợi nào đều cần thiết. Nếu một người ngoài cuộc chỉ ra bản chất đàn áp của đảng cầm quyền ở Trung Quốc, người đó sẽ bị dán nhãn là kỳ thị chủng tộc. Nếu một nhà kinh tế học bình luận về cách làm thương mại và kinh tế tham lam và bất công của CPC, thì người đó “đang âm mưu cản trở nhân dân Trung Quốc vươn đạt đến các tiềm năng của họ”.

Trung Quốc cáo buộc ông Pompeo gây chia rẽ giữa nhân dân với CPC

Theo Washington Times, là một quốc gia chú trọng nghi thức, nơi mà những thay đối nhỏ nhất về từ ngữ cũng có thể phát đi thông tin có sự thay đổi lớn về chính sách, Trung Quốc lập tức khó chịu với các tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo. Các nguồn tin trong chính phủ Trung Quốc của báo này cho biết: các quan chức cáo buộc Mỹ âm mưu gây chia rẽ giữa CPC với nhân dân Trung Quốc.

Các quan chức Trung Quốc cũng công khai cáo buộc Mỹ toan tính kích động người dân Trung Quốc nổi loạn. Tại một sự kiện do Quỹ George H.W. Bush vì Quan hệ Mỹ - Trung hồi tháng 10, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, ông Thôi Thiên Khải nói: “Vạch lằn ranh giữa Đảng với nhân dân là một thách thức đối với toàn Trung Quốc. Một mặt thì tuyên bố hoan nghênh một Trung Quốc thành đạt, mặt khác lại vu khống, lập kế lật đổ một thế lực dẫn dắt nhân dân Trung Quốc đến thành công, quí vị đã thấy bất cứ điều gì đạo đức giả và ô nhục hơn thế chưa? Tôi hy vọng các chính sách của Mỹ về Trung Quốc sẽ dựa trên thực tiễn và lý trí, và không bịdẫn dắt bằng sự cố chấp và xét đoán”.

Hoàn cầu thời báo - một báo nhà nước Trung Quốc - trong tuần này cũng đăng xã luận, nêu âm mưu gây chia rẽ giữa CPC với nhân dân Trung Quốc của Ngoại trưởng Pompeo sẽ bị thất bại: “Pompeo và người của ông ấy có những mục đích độc hại. Họ đang toan tính kéo giảm việc công chúng Trung Quốc ghét bỏ họ, bằng cách chuyển cuộc công kích Trung Quốc qua CPC. Họ toan tính gây chia rẽ giữa nhân dân Trung Quốc với Đảng, và kích động người dân Trung Quốc ủng hộ sự chỉ trích của họ. Không nghi ngờ gì nữa, sự chỉnh sửa ấy đã được lập mưu cẩn thận, nhưng đấy chỉ là một suy nghĩ viễn vông”.

Mỹ Trinh (theo Washington Times)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
9 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ phát tín hiệu cứng rắn hơn với ‘Tổng bí thư’ Tập Cận Bình