Bộ Quốc phòng Mỹ đã chỉ đạo Cơ quan Nghiên cứu các dự án quốc phòng hiện đại (DARPA) phát triển tên lửa động cơ đẩy nhiên liệu hạt nhân nhằm tăng tốc thời gian du hành trong cuộc đua lên Mặt trăng và sao Hỏa.

Mỹ phát triển tên lửa hạt nhân để tăng tốc các sứ mệnh không gian

01/10/2020, 12:23

Bộ Quốc phòng Mỹ đã chỉ đạo Cơ quan Nghiên cứu các dự án quốc phòng hiện đại (DARPA) phát triển tên lửa động cơ đẩy nhiên liệu hạt nhân nhằm tăng tốc thời gian du hành trong cuộc đua lên Mặt trăng và sao Hỏa.

Việc phát triển tên lửa động cơ đẩy nhiên liệu hạt nhân sẽ là một bước tiến quan trọng trong việc khám phá không gian của nhân loại - Ảnh: DARPA

Có rất nhiều cách để du hành vũ trụ nhưng hầu hết đều khá tốn thời gian. Kể cả khi một tàu không gian đã được tối ưu hóa tiến độ khởi hành thì cũng phải mất đến 6 tháng để cất cánh từ trạm không gian và đáp xuống quỹ đạo của sao Hỏa. Đó là lý do khiến quân đội Mỹ tìm đến phương án sử dụng nhiệt hạt nhân để làm động cơ đẩy cho các tàu vũ trụ.

Hàng thế kỷ qua, các nhà khoa học vẫn không ngừng nghiên cứu, phát triển để ứng dụng lò phản ứng hạt nhân vào động cơ đẩy cho tên lửa. Đây được coi là cách tiết kiệm thời gian để đến sao Hỏa và các hành tinh khác trong hệ Mặt trời.

Cơ quan Nghiên cứu các dự án quốc phòng hiện đại (DARPA) của Mỹ vừa giao đơn đặt hàng trị giá 14 triệu USD cho Gryphon Technologies, một công ty ở Washington chuyên cung cấp các giải pháp kỹ thuật và công nghệ cho các tổ chức an ninh quốc gia. Số tiền này sẽ hỗ trợ thực hiện chương trình DRACO (Demonstration Rocket for Agile Cislunar Operations), với mục tiêu chính là phát triển hệ thống đẩy nhiệt hạt nhân (NTP) trên quỹ đạo Trái đất.

Hệ thống NTP sử dụng lò phản ứng phân hạch để đốt nóng các chất đẩy như hydro đến nhiệt độ cực cao, sau đó đẩy khí ra ngoài qua các vòi phun để tạo lực đẩy. “Công nghệ này có tỷ lệ lực đẩy trên trọng lượng cao hơn khoảng 10.000 lần so với hệ thống đẩy điện và xung lực cụ thể, hoặc hiệu suất đẩy gấp 2-5 lần so với tên lửa sử dụng động cơ hóa học truyền thống”, DARPA cho biết.

Chương trình DRACO có mục tiêu chính là phát triển hệ thống đẩy nhiệt hạt nhân

Chương trình DRACO cung cấp cho Bộ Quốc phòng Mỹ khả năng di chuyển các vệ tinh lớn một cách nhanh chóng xung quanh khoảng không gian bao la giữa Trái đất và Mặt trăng (cislunar). Ví dụ, việc di chuyển một vệ tinh khoảng 4 tấn từ vị trí A đến vị trí B có thể mất khoảng 6 tháng nếu dùng động cơ điện mặt trời, thì sẽ chỉ mất vài giờ để di chuyển nếu dùng lực đẩy nhiệt hạt nhân. Nếu chương trình DRACO thành công thì nó sẽ là một bước tiến quan trọng trong việc khám phá không gian của nhân loại.

“Chúng tôi tự hào hỗ trợ DARPA trong việc phát triển NTP, một tiến bộ công nghệ quan trọng trong nỗ lực hiểu biết thêm về không gian cislunar”, PJ Braden - Giám đốc điều hành Gryphon cho biết.

Không chỉ DARPA nhận thấy tiềm năng to lớn của các hệ thống NTP. Giám đốc Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) Jim Bridenstine đã ca ngợi công nghệ này trong việc thám hiểm sao Hỏa với phi hành đoàn. Ông Bridenstine nói rằng tàu vũ trụ hoạt động bằng NTP có thể đưa các phi hành gia đến hành tinh đỏ chỉ trong 3-4 tháng, một nửa thời gian cần thiết đối với tên lửa sử dụng động cơ hóa học.

“Đó hoàn toàn là một yếu tố thay đổi cuộc chơi cho những gì NASA đang cố gắng đạt được. Nó có thể bảo vệ chúng ta an toàn trước lượng bức xạ khi di chuyển giữa Trái đất và sao Hỏa”, ông Bridenstine nói trong cuộc họp của Hội đồng Không gian quốc gia năm 2019.

Long Hải (theo Space)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ phát triển tên lửa hạt nhân để tăng tốc các sứ mệnh không gian