Tờ The Washington Post dẫn lời Bộ Tư lệnh trung tâm Mỹ (CENTCOM) thông báo cảng dã chiến chuyển hàng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza sẽ tạm thời được đưa về cảng Ashdod của Israel.
Theo CENTCOM: “An toàn của quân nhân Mỹ là ưu tiên hàng đầu, động thái di dời tạm cảng dã chiến giúp ngăn ngừa thiệt hại mà biển động có thể gây ra. Quyết định này hoàn toàn cần thiết để đảm bảo cảng dã chiến có thể tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chuyển hàng viện trợ trong tương lai. Cảng sẽ lại được đưa đến bờ biển Gaza sau khi biển động qua đi”.
Hạ tầng trên vừa hoạt động trở lại chưa đầy một tuần. Cuối tháng trước cảng dã chiến hư hại nặng do biển động, phần bến tàu cùng đường dẫn bị sóng lớn đánh vỡ dẫn đến mất kết nối gây thiệt hại ước tính khoảng 22 triệu USD. Công tác sửa chữa mất gần 2 tuần. Thậm chí trong thời gian hoạt động còn xảy ra hàng loạt sự cố chẳng hạn như tàu đổ bộ và sà lan giữ ổn định bến tàu đứt dây neo, quân nhân thuộc biên chế tàu hải quân USNS Roy P. Benavidez gặp tai nạn.
Nguồn tin quan chức của The Washington Post cho biết vài ngày gần đây hàng trăm tấn thực phẩm cùng nhu yếu phẩm cần thiết khác đã được đưa đến nhưng chưa thể vận chuyển vào bờ. Để đảm bảo an toàn cho nhân viên, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) tạm đình chỉ hoạt động phân phối hàng viện trợ sau khi quân đội Isael thực hiện cuộc đột kích cứu 4 con tin nhưng khiến hơn 200 người Palestine thiệt mạng.
Cảng dã chiến trị giá 320 triệu USD, mới được bắt đầu xây dựng từ ngày 17.5. Hạ tầng này giống mô hình Lego khổng lồ với nhiều tấm thép dài 12m có thể ghép lại với nhau tạo thành bến tàu cùng đường dẫn vào bờ. Đường dẫn dài gần 550m và chia thành 2 làn.
CNN từng cho biết cảng dã chiến chỉ có thể vận hành an toàn ở điều kiện sóng cao không quá 1m, sức gió dưới 24km/giờ. Điều kiện thời tiết khắc nghiệt ngoài khơi Gaza không ít lần gây khó khăn cho hoạt động chuyển hàng viện trợ.
Theo thống kê mới nhất từ CENTCOM, tính đến nay cảng dã chiến đã giúp cung cấp hơn 3.500 tấn hàng viện trợ.