Nếu Mỹ thực sự rút khỏi Hiệp ước về vũ khí tầm trung và tầm ngắn (INF) thì nước này sẽ có thể phát triển hàng loạt vũ khí, từ công nghệ tân tiến như tên lửa siêu thanh phóng từ mặt đất cho đến loại truyền thống hơn như tên lửa đạn đạo tầm trung.

Mỹ sẽ phát triển vũ khí gì sau khi rút khỏi INF?

24/10/2018, 17:49

Nếu Mỹ thực sự rút khỏi Hiệp ước về vũ khí tầm trung và tầm ngắn (INF) thì nước này sẽ có thể phát triển hàng loạt vũ khí, từ công nghệ tân tiến như tên lửa siêu thanh phóng từ mặt đất cho đến loại truyền thống hơn như tên lửa đạn đạo tầm trung.

BGM-109G, phiên bản phóng trên đất liền Tomahawk, có thể được hồi sinh nếu Mỹ rút khỏi INF - Ảnh: Breaking Defense

INF được Liên Xô và Mỹ ký năm 1987, chính thức có hiệu lực năm 1988. Nội dung chính của văn kiện này cấm các bên tham gia xử lý, sản xuất hoặc tiến hành phóng thử các loại tên lửa mang được đầu đạn hạt nhân có tầm bắn từ 500 - 5.500km phóng từ mặt đất. Cùng một loại vũ khí nhưng phóng từ tàu chiến, tàu ngầm hay máy bay lại hoàn toàn hợp pháp. Tổng thống Donald Trump ngày 20.10 tuyên bố sẽ rút Mỹ khỏi hiệp ước này.

Trang Breaking Defense dẫn một báo cáo mật năm 2013 của Lầu Năm Góc, đưa ra bốn khả năng khi Washington thực sự rút khỏi.

Đầu tiên là mở rộng tầm bắn của tên lửa tầm ngắn hoặc hệ thống vũ khí chiến thuật hiện tại. Đối tượng được cải tiến không phải hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) mà là tên lửa tấn công chính xác (PRSM).

Hiện tại, lục quân Mỹ đang phát triển một PRSM hoàn toàn mới có thể tấn công mục tiêu cách xa 499 km, nằm ngoài tầm bắn bị INF cấm. Giới hạn này sẽ không còn, một khi Mỹ rút khỏi hiệp ước.

Mở rộng tầm bắn của tên lửa tấn công chính xác (PRSM) là một trong 4 khả năng được xét đến nếu Mỹ rút khỏi INF - Ảnh: The Drive

Khả năng thứ hai là tên lửa hành trình phóng từ đất liền (GLCM). BGM-109G, phiên bản phóng trên đất liền BGM-109A Tomahawk, có thể được hồi sinh. Sau khi ký kết INF thì Mỹ đã loại bỏ vũ khí này.

Vì những hệ thống phòng thủ Aegis Ashore mà Mỹ triển khai ở Ba Lan hay Romania đều có ống phóng tương thích nên việc phóng Tomahawk từ đất liền hiện nay dễ dàng hơn rất nhiều so với thời Chiến tranh Lạnh, hứa hẹn đem lại cho Washington năng lực răn đe mạnh mẽ.

Tiếp theo là tên lửa đạn đạo tầm trung phóng từ mặt đất (IRBM). Mỹ nên phát triển một IRBM mới thay thế cho Pershing II đã bị loại bỏ kể từ khi INF có hiệu lực, trong khi Minuteman III của không quân cùng với Polaris D5 của hải quân thuộc vào loại tầm xa và dùng công nghệ lạc hậu.

Tên lửa đạn đạo Pershing II - Ảnh: Breaking Defense

Cuối cùng là tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất tích hợp thiết bị định hình quỹ đạo (TSV). TSV có tác dụng khiến tên lửa bay cơ động hơn, tránh địch thủ tính toán được đường bay của tên lửa. Đây có thể là loại vũ khí hữu dụng trong ngắn hạn, sau khi triển khai Tomahawk phóng từ mặt đất nhưng chưa phát triển tên lửa siêu thanh sẵn sàng chiến đấu.

Vũ khí siêu thanh và “siêu pháo”

Lục quân Mỹ từng tuyên bố họ sẽ xúc tiến kế hoạch phát triển hệ thống chiến lược trong khi vẫn tuân thủ INF. Theo nhận định của Breaking Defense, một trong hai hệ thống chiến lược là một loại tên lửa siêu thanh phóng từ mặt đất đủ sức tấn công mục tiêu khó như hầm trú ẩn dưới lòng đất.

Hệ thống còn lại là pháo tầm xa chiến lược (SLRC) tấn công được nhiều mục tiêu, bao gồm trạm radar, bệ phóng tên lửa, trạm chỉ huy di động. Tên lửa đẩy có thể được sử dụng để tăng tầm bắn cho pháo.

Cả hai đều không phù hợp với định nghĩa “tên lửa đạn đạo” cũng như “tên lửa hành trình” viết trong INF.

Bản thiết kế tên lửa siêu thanh của hãng Raytheon - Ảnh: Raytheon

Phát triển tên lửa đạn đạo

Những công nghệ tiên tiến có thể gặp phải phản đối quyết liệt từ phía Nga, trong khi Mỹ cũng chưa chắc cần đến chúng. Rút khỏi INF sẽ khiến Washington không còn ràng buộc nào với tên lửa đạn đạo có quỹ đạo bay bình thường hay tên lửa hành trình, vũ khí khả thi hơn tên lửa siêu thanh lẫn “siêu pháo”.

Một tên lửa đạn đạo có thiết bị định hình quỹ đạo (TSV) khó bị bắn hạ hơn tên lửa đạn đạo truyền thống trong khi dễ phát triển hơn tên lửa siêu thanh. Vì vậy ngay cả khi Mỹ không từ bỏ tham vọng chế tạo tên lửa siêu thanh cũng như siêu pháo, thì họ có thể phát triển IRBM tích hợp TSV trước.

Cẩm Bình (theo Breaking Defense)

Bài liên quan
Bộ Thương mại Mỹ: Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ
Bộ Thương mại Mỹ (USITC) công bố đầu tháng 11.2024, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
9 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ sẽ phát triển vũ khí gì sau khi rút khỏi INF?