GDP năm 2024 ước tính tăng 7,09% so với năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng của các năm 2018, 2019 và 2022 trong giai đoạn 2011 - 2024.
Tại họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý 4 và năm 2024 diễn ra ngày 6.1, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương thông tin tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 4/2024 ước tính tăng 7,55% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn quý 4 các năm 2017, 2018 trong giai đoạn 2011 - 2024, duy trì xu hướng quý sau cao hơn quý trước (quý 1 tăng 5,98%, quý 2 tăng 7,25%, quý 3 tăng 7,43%).
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99%, đóng góp 4,86% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,35%, đóng góp 44,03%; khu vực dịch vụ tăng 8,21%, đóng góp 51,11%.
Về sử dụng GDP quý 4/2024, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,54% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 7,98%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 11,35%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 13,49%.
Theo bà Hương, GDP năm 2024 ước tính tăng 7,09% so với năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng của các năm 2018, 2019 và 2022 trong giai đoạn 2011 - 2024. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,27%, đóng góp 5,37%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,24%, đóng góp 45,17%; khu vực dịch vụ tăng 7,38%, đóng góp 49,46%.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2024 đạt mức tăng trưởng tích cực 3,27% mặc dù chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ. Trong đó, sản lượng nhiều nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng khá.
Theo đó, giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp năm 2024 tăng 2,94% so với năm trước, đóng góp 0,26 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 5,03% nhưng chiếm tỉ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 4,03%, đóng góp 0,10 điểm phần trăm.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp phục hồi tích cực và tăng trưởng mạnh mẽ so với năm 2023. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp năm 2024 tăng 8,32% so với năm trước, đóng góp 2,70 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
Các hoạt động thương mại, du lịch duy trì đà tăng trưởng cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ năm 2024 tăng 7,38%, cao hơn tốc độ tăng 6,91% của năm 2023.
Về cơ cấu nền kinh tế năm 2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỉ trọng 11,86%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,64%; khu vực dịch vụ chiếm 42,36%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,14% (cơ cấu tương ứng của năm 2023 là 11,86%; 37,58%; 42,30%; 8,26%).
Về sử dụng GDP năm 2024, tiêu dùng cuối cùng tăng 6,57% so với năm 2023; tích lũy tài sản tăng 7,20%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 15,45%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 16,10%.
Quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2024 ước đạt khoảng 476,3 tỉ USD. GDP bình quân đầu người năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 114 triệu đồng/người, tương đương 4.700 USD, tăng 377 USD so với năm 2023.
Với kết quả này, Việt Nam thuộc nhóm ít các nước tăng trưởng cao trong khu vực, thế giới và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Chẳng hạn, trong báo cáo công bố giữa tháng này, HSBC gọi Việt Nam là "ngôi sao tăng trưởng" Đông Nam Á, sau khi Philippines dẫn đầu khu vực năm ngoái.
Năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 8%, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao (6,5 - 7%).
Bà Nguyễn Thị Hương cho rằng đây là thách thức và Việt Nam cần điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, ổn định tỷ giá, lãi suất, kiểm soát giá cả. Ngoài ra, cần hạn chế việc tăng giá đột biến nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến lạm phát và đời sống người dân.
Lý giải CPI năm 2024 tăng 3,63%
Cũng trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý 4 và năm 2024 từ Tổng cục Thống kê cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý 4/2024 tăng 2,87% so với quý 4/2023. Tính chung cả năm 2024, CPI tăng 3,63% so với năm trước, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.
Lý giải về mức tăng CPI 3,63% so với năm 2023, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương phân tích 5 nguyên nhân.
Thứ nhất, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,03% so với năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,35 điểm phần trăm. Trong đó, chỉ số giá nhóm lương thực tăng 12,19%, tác động làm CPI tăng 0,45 điểm phần trăm.
Cụ thể, giá gạo tăng 15,93% theo giá gạo và nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp lễ, Tết, làm CPI chung tăng 0,41 điểm phần trăm; nhóm thực phẩm tăng 2,7%, làm CPI chung tăng 0,58 điểm phần trăm; nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 3,99% do nhu cầu tiêu dùng và chi phí nhân công tăng.
Thứ hai, chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,2% so với năm trước, tác động khiến CPI chung tăng 0,98 điểm phần trăm, chủ yếu do chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 7,68% do nhu cầu sử dụng điện tăng cùng với việc EVN điều chỉnh mức bán lẻ giá điện bình quân làm CPI chung tăng 0,25 điểm phần trăm...
Thứ ba, chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,16%, tác động làm CPI chung tăng 0,39 điểm phần trăm do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh.
Thứ tư, chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 5,37% do trong năm học 2023 - 2024 và 2024 - 2025 một số địa phương đã tăng mức học phí, tác động làm CPI chung tăng 0,33 điểm phần trăm.
Thứ năm, chỉ số giá nhóm giao thông tăng 0,76%, tác động làm CPI chung tăng 0,07 điểm phần trăm.
Bên cạnh đó, nhiều yếu tố cũng góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI năm 2024. Chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông năm 2024 giảm 1,02% so với năm 2023 do giá điện thoại thế hệ cũ giảm khi các doanh nghiệp áp dụng chương trình giảm giá, kích cầu đối với dòng điện thoại thông minh.
Ngoài ra, tính riêng trong tháng 12.2024, so với tháng trước, CPI tăng 0,29% (khu vực thành thị tăng 0,33%; khu vực nông thôn tăng 0,24%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 9 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước và 2 nhóm hàng giảm giá. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 12/2024 tăng 2,94%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính, có 8 nhóm tăng giá và 3 nhóm giảm giá.
Theo lý giải của Tổng cục Thống kê, một số địa phương thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Thông tư số 21, giá nhà ở thuê, giá xăng dầu tăng là những nguyên nhân chính làm CPI tháng 12.2024 tăng 0,29% so với tháng trước. So với tháng 12.2023, CPI tháng 12 tăng 2,94%.
Lạm phát cơ bản tháng 12 tăng 0,25% so với tháng trước; tăng 2,85% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,71% so với năm 2023, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung (3,63%).