Các nông dân cho biết nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp sau thiên tai, dịch bệnh không còn phù hợp. Vậy Chính phủ có những chỉ đạo gì để các ngân hàng thương mại giãn, hoãn các khoản vay cũ, đồng thời cho vay mới để người nông dân kịp thời khôi phục sản xuất?
Sáng 31.12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024 với chủ đề "Khơi dậy khát vọng làm giàu để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; vững tin bước vào kỷ nguyên mới".
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết lĩnh vực nông nghiệp có thành tích rất ấn tượng, xuất nhập khẩu đạt kỷ lục khoảng 62,5 tỉ USD, cao hơn mục tiêu 55 tỉ USD mà Thủ tướng giao; khẳng định vị thế, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong sự phát triển chung của đất nước.
Thủ tướng cho hay hiện chúng ta đang rà soát việc thực hiện các mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, những mục tiêu đã làm tốt thì làm tốt hơn nữa và nâng cao chất lượng, hiệu quả; những mục tiêu chưa làm tốt, khó hoàn thành thì cần nỗ lực hơn, có giải pháp phù hợp.
“Chúng ta cũng đang sắp xếp bộ máy theo tinh, gọn, mạnh hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội 14 của Đảng, với khí thế mới để chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, giàu mạnh, văn minh, hùng cường, thịnh vượng”, Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, trong bối cảnh đất nước đạt kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực năm 2024, năm 2025 cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, mạnh mẽ, tự tin hơn để bước vào kỷ nguyên mới; phải nắm chắc, bám sát tình hình tình hình thế giới và khu vực, không để bị động, bất ngờ về chiến lược, không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tình hình tốt không quá lạc quan, tình hình xấu cũng không quá bi quan.
“2025 cũng là năm phải tăng tốc, bứt phá để kết thúc thắng lợi nhiệm kỳ Đại hội 13, ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn, nỗ lực của người nông dân cũng phải tăng tốc bứt phá, nhất là khi chúng ta phấn đấu tăng trưởng GDP ít nhất 8%, cao hơn chỉ tiêu Trung ương, Quốc hội đã đề ra để tạo đà, tạo lực cho tăng trưởng 2 con số những năm tới”, Thủ tướng nêu.
Đặt câu hỏi cho Thủ tướng và đại diện các bộ ngành, các nông dân cho hay cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua đã gây ra thiệt hại vô cùng lớn cho ngành nông nghiệp, nhiều nông dân bị thiệt hại hàng tỉ đồng. Tuy nhiên, nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp sau thiên tai, dịch bệnh không còn phù hợp với thực tế.
Cụ thể là Nghị định 02 của Chính phủ về hỗ trợ rủi ro thiên tai, có quy định mức hỗ trợ tối đã cho 1ha cây trồng bị thiệt hại trên 70% chỉ được 2 triệu đồng, nếu chia bình quân ra chỉ được có 75.000 đồng/sào.
Các đại biểu đề nghị cho biết Chính phủ đã và sẽ có những chỉ đạo gì để các ngân hàng thương mại giãn, hoãn các khoản vay cũ, đồng thời cho vay mới để người nông dân kịp thời khôi phục sản xuất. Ngoài ra, sau thiên tai, nông dân nhận thấy bảo hiểm nông nghiệp là hết sức cần thiết, nhất là đối với những hộ sản xuất lớn. Tuy nhiên, hiện việc tiếp cận dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp còn nhiều khó khăn.
Ông Đào Minh Tú - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết có 192 nghìn tỉ đồng dư nợ do ảnh hưởng của cơn bão số 3. Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng có những biện pháp trực tiếp để thực hiện việc giãn, hoãn các khoản nợ đến hạn, khoản lãi đến hạn phải trả để hỗ trợ cho bà con.
“Rất nhiều hộ gia đình, đặc biệt là các hộ nuôi trồng thủy, hải sản ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng… nơi đầu sóng, ngọn gió. Nhiều hộ gia đình gần như mất trắng, khả năng trả nợ trước mắt rất khó, làm thế nào để có công ăn việc làm, duy trì sản xuất tối thiểu. Chúng tôi đã làm việc với chính quyền địa phương, đề nghị chính quyền địa phương phối hợp thực hiện, bởi vì chúng ta có được chính sách hiện hữu lúc này để cần thiết có thể khoanh nợ cho những đối tượng không có trả nợ trước mắt”, ông Tú nêu.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 53 vào đầu tháng 12 để làm căn cứ để tất cả các tổ chức tín dụng xem xét giãn, hoãn các khoản nợ, lãi đến hạn và thực hiện cho các khoản nợ trước khi bão số 3 đổ bộ thời gian thực hiện đến hết 2025. Những khoản nợ, khoản lãi được giãn, hoãn từ 2 đến 3 năm tùy theo điều kiện thực tế.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng Nghị định 55 đang sửa đổi tới đây sẽ có chính sách gợi mở, thông thoáng để tạo điều kiện cho các HTX, hộ nông dân tiếp cận được vay gấp 2 - 3 lần trước đây không cần tài sản đảm bảo, hoặc tham gia các chuỗi giá trị liên kết, chương trình, dự án như 1 triệu hecta lúa chất lượng cao ở ĐBSCL và những chương trình khác...
Làm rõ thêm, Thủ tướng cho biết chúng ta đang chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, với phạm vi rất rộng, bao trùm. Điều này đòi hỏi thay đổi tư duy của cấp ủy, chính quyền các cấp và người nông dân. Theo đó, nông nghiệp không thể đứng một mình mà phải có cả hệ sinh thái gồm các ngành nghề khác để cùng phát triển.
Thủ tướng đặt vấn đề: Vừa qua chúng ta đã có các chính sách nhưng đã đủ mạnh chưa, cấp ủy, chính quyền phải bám sát để biết chính sách đã đi vào thực tế chưa, người nông dân phải tham gia kiểm chứng xem chính sách thực hiện thế nào trong thực tiễn.
Thủ tướng lấy ví dụ trong năm 2024, các gói tín dụng cho thủy sản, gỗ đã được triển khai rất tốt; ngay sau bão Yagi, Thủ tướng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phải xuống ngay Hải Phòng, Quảng Ninh khảo sát thực tế và chỉ mấy ngày sau Chính phủ đã có nghị quyết về chính sách tín dụng, bảo hiểm với nông nghiệp - lĩnh vực thiệt hại nặng nề nhất do bão.
Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dự báo thị trường, công tác quy hoạch để phát huy tốt nhất tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng khu vực, từng ngành và tăng cường liên kết vùng, ví dụ quy hoạch vùng nguyên liệu, khu vực nào tốt nhất cho lúa, cho cây ăn quả, ngô khoai sắn… từ đó tạo ra sự cộng hưởng phát triển.