Những ngày này, trên hành tinh chúng ta với gần 8 tỉ người đang sống có quá nhiều biến động, biết bao sự cố, nên có mấy ai có thể yên tâm được.

Năm con hổ, thế giới sẽ ra sao?

Nguyễn Văn Lạng | 20/02/2022, 14:51

Những ngày này, trên hành tinh chúng ta với gần 8 tỉ người đang sống có quá nhiều biến động, biết bao sự cố, nên có mấy ai có thể yên tâm được.

Đó là các cuộc tập trận của Nga và Belarus với hàng trăm ngàn quân và những thiết bị quân sự, vũ khí tối tân nhất, kể cả vũ khí hạt nhân. Lực lượng quân sự Nga đã áp sát biên giới Ukraine. Cùng với đó, cả một cao trào tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông với những lời cáo buộc của Tổng thống Mỹ cùng đồng minh và cộng sự cứ như chảo lửa đổ thêm dầu. Các dự đoán chắc lép chưa có đủ căn cứ vẫn khẳng định Nga sẽ tấn công xâm lược Ukraine vào ngày 16.2. Rồi không xảy ra, rồi lại đoán sẽ là tuần tới, hoặc nay mai. Các cuộc ngoại giao con thoi ở cấp thượng đỉnh của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron,Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro… Tổng thống Belarus Lukasenko tới Điện Kremlin. Hai cuộc đối thoại trực tuyến nhiều giờ giữa Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Vladimer Putin… Những tuyên bố xanh rờn của người đứng đầu khối quân sự độc nhất vô nhị NATO vừa như đe dọa, vừa như dè chừng…

Tổng thống Nga và các thuộc cấp: Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavrov, Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoygu và người phát ngôn Điện Kremlin Dimitry Peskov vẫn lần lượt tuyên bố “Nga không xâm lược Ukraine”. Thế Nga cần gì? Đơn giản: Nga yêu cầu Mỹ và đồng minh không kết nạp Ukraine vào NATO. Và có lẽ còn là vấn đề vùng Donbass của Ukraine nơi các lực lượng ly khai đang chống lại chính phủ Ukraine. Bài toán Ukraine suốt từ 2014 tới nay không giải được. Và Ukraine cay nhất việc mất bán đảo Crimea vào tay Nga từ khi ấy.

Tổng thống, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine vẫn nói nước đôi. Nhưng họ vẫn không tin là Nga sẽ tấn công. Ngày 12.2, ngài Volodimir Zelenski, Tổng thống Ukraine lên tiếng: “Hiện tại kẻ thù lớn nhất là hoảng loạn. Những thông tin ấy chỉ gây ra hoảng loạn chứ không giúp ích gì cho chúng tôi”, “Nếu bất kỳ ai, có bất kỳ thông tin nào về khả năng xảy ra một cuộc xâm lược là 100% hãy cung cấp cho chúng tôi” (theo Reuter).

Hội đàm cấp cố vấn về Thỏa thuận Minsk 2015 không đi tới thành công. Moscow muốn thực hiện, còn Kiev thì không. Trong tương lai, Ukraine khó có thể gia nhập NATO bởi điều kiện tiên quyết không đạt là vấn đề ly khai và chiến sự vùng Donbass, với hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk. Chiến sự ở miền Đông vẫn liên tiếp xảy ra.

Cũng nói thêm rằng khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) ra đời ngày 4.4.1949 tại Washington do Mỹ đứng đầu, gồm các nước Anh, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Canada, Đan Mạch, Bồ Đào Nha… đến nay đã có 30 nước thành viên. Mục đích của ra đời NATO là lập lá chắn ngăn ngừa chủ nghĩa cộng sản và sự mở rộng thêm các nước phe XHCN sau thế chiến thứ 2. Cũng là để đối đầu với khối Hiệp ước Warszawa. Nhưng kể từ sau khi Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989 và hệ thống các nước XHCN Đông Âu sụp đổ, Warszawa cũng không thể tồn tại, tan rã cùng Liên Xô vào những năm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 thế kỷ 20. Bất chiến tự nhiên thành, NATO không còn đối thủ.

Tổ chức này đơn phương, đơn độc và tồn tại cũng không theo hiến chương hay hiệp định Washington 1949 nữa. NATO đã đưa quân can thiệp vào Nam Tư, Afghanistan, Libya…, can thiệp quân sự vào Bosnia-Herzegovina, oanh tạc Serbia… Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhìn ra điều bất hợp lý của sự tồn tại khối này, cả những chi phí đóng góp quá lớn và không công bằng đối với Mỹ. Ông Trump đã từng tuyên bố phản đối và muốn rút ngân sách đóng góp cho NATO.

Những ngày gần đây, Nga tuyên bố đã hoàn tất tập trận cùng Belarus và rút quân khỏi biên giới Ukraine, Biển Đen. Mỹ vẫn cho rằng Nga không rút, thậm chí còn đưa thêm 7.000 quân tới đây. Mỹ cùng đồng minh đã sơ tán người của mình khỏi Kiev. Cứ như chiến tranh sắp xảy ra tại Ukraine. Nhưng phần lớn người dân Ukraine, và cả người Việt tại nước này vẫn bình chân như vại, vẫn làm ăn, đi dạo, sinh hoạt bình thường, dường như không quan tâm đếm xỉa tới tình hình nóng như lửa cháy trên truyền thông. Lạ thật! Kỳ thật! Thế này là thế nào?

Suy nghĩ của tôi: Nga sẽ không tấn công Ukraine. Ông Putin là người khôn ngoan, nhạy cảm, tỉnh táo, thông minh và khôn khéo. Ông ta nguyên là sĩ quan tình báo KGB của Liên Xô cũ. Bao năm qua ông ta là vị tổng thống uy tín và quyền lực, không chỉ ở nước Nga mà trên thế giới. Quyết định tấn công xâm lược Ukraine lúc này sẽ mất nhiều hơn được. Có thể sẽ mất hết. Chiến tranh chỉ có lợi cho nhà sản xuất vũ khí và lái súng. Thị trường vũ khí hàng trăm, hàng ngàn tỉ USD sẽ sôi động. Các nhà cung cấp, buôn bán, lái súng giàu lên.

Nghĩ về vấn đề Nga - Ukraine, ta hãy đặt mình vào vị trí của Tổng thống Nga V.Putin. Và của đại đa số người Nga.

Mọi chú ý của thế giới đổ dồn vào sự căng thẳng Nga - Ukraine. Các vấn đề nóng khác giảm nhiệt.

Trung Quốc im lặng không nói gì. Vì Thế vận hội, vì đại hội đảng lần thứ 20 sắp diễn ra, vì vấn đề nội tình và bài toán thống nhất Đài Loan… Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh đang diễn ra nhưng không sôi động với hoàn cảnh Trung Quốc bị tẩy chay do bị cáo buộc vi phạm nhân quyền. 

Dịch COVID-19 vẫn hoành hành và diễn biến phức tạp, nhưng không căng thẳng về mức độ nguy hiểm gây chết người và biến chủng như trước. Nhiều dự báo rằng COVID-19 sẽ kết thúc ở thể Omicron và trở thành bệnh cúm đặc hữu thường niên như cúm mùa. Kinh tế thế giới phục hồi. Các quốc gia mở cửa thông thương du lịch, kinh tế, ngoại giao. Thế giới đã và đang chuyển sang thời kỳ “bình thường mới sau COVID-19”.

Dịch COVID-19 và cuộc đối đầu Nga - phương Tây đã đẩy giá dầu mỏ thế giới lên cao, hơn 90 USD/thùng và có thể còn lên nữa, mức 100 USD/thùng. Tình trạng này tạo nên cơn khủng hoảng thiếu dầu mỏ và khí đốt nghiêm trọng khi mùa đông lạnh giá.

Nước Nga sẽ bị bao vây, cấm vận?

Nhưng có lẽ sự thiệt hại không chỉ riêng Nga mà tất cả các nước phương Tây, kể cả Mỹ, đều phải chịu. Tuy nhiên, Nga có thể thu hàng trăm tỉ USD mỗi năm do xăng dầu và khí đốt tăng giá. Nga lại có cơ hội tự túc, tự lực tự cường và mở ra thị trường mới tốt hơn cho phát triển. Châu Âu già cỗi chịu thêm khó khăn khi đang đà xuống dốc và ly tán. Nga xích lại gần Trung Quốc hơn, tiến tới hợp tác toàn diện trên bình diện chiến lược và có thể hình thành liên minh Nga - Trung hùng mạnh, gây nguy hại cho Mỹ và phương Tây. Nga gần thêm với Triều Tiên, Iran, Cuba, Venezuela, Ấn Độ... Cán cân sẽ thay đổi. Cục diện chính trị kinh tế thế giới sẽ thay đổi lớn? Bản đồ địa chính trị thế giới một lần nữa được phân chia và vẽ lại? Và có thể Chiến tranh lạnh lần thứ 2 bắt đầu.

Thế giới không còn đơn cực

Trung Quốc như xưa nay, vẫn “tọa sơn quan hổ đấu”, cứ tận lực phát triển kinh tế, khoa học công nghệ, và đầy toan tính cho mộng bá chủ, mộng siêu cường số 1, thực hiện Giấc mộng Trung Hoa; thúc đẩy dự án Vành đai - Con đường, đặt mục tiêu tới năm 2049. Người đứng đầu Trung Nam Hải vừa đưa ra các yêu sách thách thức Mỹ về vị trí cường quốc số 1 thế giới, với nguyên tắc: Tôn trọng lẫn nhau - Chung sống hòa bình - Cùng thắng.

Phải chăng thế giới đã hình thành thế chân vạc như thời Tam quốc: Mỹ - Nga - Trung. Nếu vậy thì Mỹ sẽ thiệt đơn thiệt kép? Cũng có thể là thế Tứ hùng: Mỹ - Nga - Trung - Châu Âu? Kiểu gì thì kiểu, đều làm cho Trung Quốc mạnh lên, tranh ngôi siêu cường số 1 thế giới. Nga cũng vậy, mạnh hơn và…

Khoa học công nghệ đang phát triển như vũ bão, cuốn cả nhân loại vào guồng, làm thay đổi lối sống, suy nghĩ, hành động, và sinh ra kết quả khôn lường. Khí hậu đang biến đổi với vận tốc quá nhanh, thay đổi từng quốc gia cũng như cả địa cầu…

Điều gì sẽ đến với trái đất, với loài người?

Tôi chỉ suy nghĩ thiển cận thế. Có gì không đúng, mong được bỏ qua và lượng thứ.

Quang Minh Green city, 19.2.2022

TS Nguyễn Văn Lạng - nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắk

Theo Nguyễn Văn Lạng
Copy Link
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
10 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Năm con hổ, thế giới sẽ ra sao?