Trong bài bình luận trên tờ The Diplomat, Mu Chunshan - một nhà báo Trung Quốc, đã bày tỏ góc nhìn về ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với kịch bản "Nga xâm lược Ukraine".

Chiến tranh Nga-Ukraine và tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh

Hoàng Vũ (theo Diplomat) | 18/02/2022, 12:55

Trong bài bình luận trên tờ The Diplomat, Mu Chunshan - một nhà báo Trung Quốc, đã bày tỏ góc nhìn về ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với kịch bản "Nga xâm lược Ukraine".

Theo Mu Chunshan, đối mặt với tình hình bất ổn ở Ukraine, Mỹ rất lo ngại về sự tương tác giữa Nga và Trung Quốc. Ví dụ, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby gọi “sự ủng hộ ngầm” của Trung Quốc đối với Moscow là “đáng báo động sâu sắc”. Kirby dường như ngụ ý rằng Trung Quốc ủng hộ việc Nga có thể xâm lược Ukraine.

Mối quan tâm của Washington là điều dễ hiểu, nhưng một số quan chức Mỹ dường như đang đánh giá sai cả quan hệ Trung - Nga và chính sách đối ngoại rộng lớn hơn của Trung Quốc.

Thứ nhất, một số người Mỹ không hiểu rõ về quan hệ quân sự Trung Quốc - Nga. Hai nước này không phải là đồng minh quân sự. Nói cách khác, khi một bên xảy ra chiến tranh, bên kia không có hiệp ước hoặc nghĩa vụ pháp lý nào để giúp đỡ. Điều này hoàn toàn khác với các liên minh quân sự Mỹ và các nước NATO.

Do đó, ngay cả khi Nga và Ukraine xảy ra chiến tranh, Trung Quốc cũng không có nghĩa vụ hỗ trợ Nga. Thật vậy, trong cuộc khủng hoảng Crimea 7 năm trước, Trung Quốc đã không công khai ủng hộ lập trường của Nga.

Vào ngày 4.2 vừa rồi, Trung Quốc và Nga đã đưa ra một tuyên bố chung, trong đó Trung Quốc đã đề cập đến sự ủng hộ của họ đối với Nga. Nhưng sự ủng hộ của Trung Quốc đối với Nga tập trung vào việc nhấn mạnh rằng các mối quan tâm về an ninh của Moscow phải được phương Tây đảm bảo. Ai cũng biết Trung Quốc cũng phải đối mặt với sức ép và các mối đe dọa an ninh từ Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, vì vậy không ngạc nhiên khi Bắc Kinh sẽ hỗ trợ Nga khi đối mặt với áp lực tương tự từ phương Tây. Tuy nhiên, điều này không giống như việc Trung Quốc đề nghị chấp thuận một cuộc xâm lược của Nga chống lại Ukraine.

Thái độ của Trung Quốc đối với Nga tương đương với sự ủng hộ của họ đối với Triều Tiên hoặc Iran khi họ yêu cầu Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Sự ủng hộ của Trung Quốc không có nghĩa là Bắc Kinh sẽ ủng hộ Triều Tiên bắt đầu cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên, hay Iran tấn công Israel.

Trung Quốc đã duy trì quan hệ hữu nghị với cả Nga và Ukraine trong một thời gian dài, đây là một chính sách cơ bản và cân bằng. Trong cuộc khủng hoảng Ukraine, Trung Quốc không bao giờ chỉ trích Ukraine hay chỉ lên án Mỹ và NATO. Ukraine nhận thức rõ về điều đó.

Năm 2022 đánh dấu kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Ukraine. Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc và Tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine đã trao đổi điện mừng một tháng trước. Ông Tập đã đề cập rõ ràng rằng ông luôn cam kết tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với Ukraine. Trung Quốc không thể thay đổi quan điểm của mình sau một tháng.

Ngoài ra, Đại sứ Trung Quốc tại Kiev đã đăng một bài báo trên các phương tiện truyền thông Ukraine, công khai nhấn mạnh rằng Trung Quốc luôn ủng hộ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Đây là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy Trung Quốc không thể ủng hộ việc Nga có thể xâm lược Ukraine, đặc biệt là vì Bắc Kinh chưa bao giờ công khai quan điểm rằng Crimea thuộc về Nga.

Nếu Trung Quốc chống lại cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, tại sao Bắc Kinh không chỉ trích Nga, như phương Tây đã làm? Có hai lý do chính. Thứ nhất, xét về tình hữu nghị Trung - Nga, việc Bắc Kinh công khai chất vấn Moscow sẽ làm tổn hại tình hữu nghị. Vào lúc này, Bắc Kinh nên thể hiện sự đoàn kết, thay vì nhấn mạnh sự khác biệt - đây là một câu hỏi về cả thể diện và kỹ năng ngoại giao. Trung Quốc sẽ bày tỏ thái độ thực sự của mình sau những cánh cửa đóng kín.

Thứ nhì, Nga có thể đã đảm bảo riêng với Trung Quốc rằng họ sẽ không tiến hành một cuộc xâm lược trực tiếp chống lại Ukraine. Điều đó sẽ giải thích tại sao Trung Quốc cáo buộc Mỹ và NATO thổi phồng cuộc khủng hoảng và tại sao Bắc Kinh vẫn thờ ơ khi phương Tây rút cả nhà ngoại giao và công dân khỏi Ukraine.

Ngoài việc cùng nhau đương đầu với sức ép của phương Tây, có một logic cơ bản trong quá trình phát triển quan hệ Trung - Nga: Đó là hai nước láng giềng phải hữu nghị, và tình hữu nghị này sẽ có lợi cho cả hai bên. Ví dụ, an ninh năng lượng của Trung Quốc có thể được đáp ứng thông qua các đường ống dẫn dầu và khí đốt trên bộ của Nga, điều này làm giảm nguy cơ vận chuyển năng lượng ở vịnh Ba Tư và eo biển Malacca. Nga cũng sẽ thu được những lợi ích kinh tế to lớn từ việc trao đổi với Trung Quốc. Với tư cách là láng giềng, việc Trung Quốc và Nga thiết lập quan hệ đối tác là một quá trình tự nhiên.

Ông Mu Chunshan cho biết có một bộ phận người ở Trung Quốc có quan điểm tương tự với một số quan chức Mỹ, tin rằng chính phủ Trung Quốc thực sự hỗ trợ Nga trong một cuộc chiến có thể xảy ra. Nhưng họ hầu hết là những người trẻ tuổi và những người theo chủ nghĩa dân tộc còn ít kinh nghiệm. Logic của họ là chiến tranh ở Đông Âu sẽ bao gồm cả sự hỗ trợ của Mỹ đối với Đài Loan và Trung Quốc đại lục có thể sử dụng cơ hội này để tái chiếm Đài Loan. Do đó, khi những người theo chủ nghĩa dân tộc nghe tin Putin sẽ đàm phán nhiều hơn với phương Tây, thậm chí rút một số quân khỏi các cuộc tập trận, họ cảm thấy rất thất vọng. Họ cho rằng Trung Quốc đã mất cơ hội tốt để giải quyết vấn đề Đài Loan.

Ông Chunshan cho rằng, mặc dù ý tưởng này là ngây thơ, nhưng nó thực sự tồn tại trong xã hội Trung Quốc. Những người theo chủ nghĩa dân tộc ấy, cũng như một số quan chức Mỹ đã tính toán sai về quyền tự do hành động của Trung Quốc đối với vấn đề Đài Loan. Cũng giống như Nga không xem xét vấn đề Đài Loan khi có tranh chấp với Ukraine, Trung Quốc sẽ không xem xét mối quan hệ giữa Nga và Ukraine để giải quyết vấn đề Đài Loan.

Theo quan điểm của Mu Chunshan, Trung Quốc sẽ suy nghĩ nhiều hơn về đạo đức và danh tiếng khi nói đến cuộc khủng hoảng Ukraine, phần lớn là để tính đến dư luận và thái độ của người dân Trung Quốc. Các nhà bình luận Mỹ dường như không nhận ra tầm quan trọng của một trong hai yếu tố này trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

Điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc ủng hộ việc "Nga có thể xâm lược Ukraine"?

Theo Mu Chushan, kịch bản sẽ khiến Trung Quốc rơi vào tình thế khó xử trong cộng đồng quốc tế. Đây sẽ là sự vi phạm nền tảng của chính sách đối ngoại 70 năm tuổi của nước này. Trung Quốc sẽ đánh mất nền tảng đạo đức quốc tế, cũng như làm tổn hại đến uy tín và hình ảnh của mình.

Đôi khi, các lợi ích quốc gia khẩn cấp có thể được ưu tiên hơn các nguyên tắc, nhưng Trung Quốc không có lợi ích thuyết phục nào đang bị đe dọa ở Ukraine, chắc chắn không đủ để khiến Bắc Kinh sẵn sàng từ bỏ chính sách đối ngoại cơ bản của mình.

Bên cạnh đó, đối với nhiều người Trung Quốc, khi nhìn thấy cuộc khủng hoảng Ukraine, họ nghĩ đến sự bành trướng lãnh thổ của Nga vào Trung Quốc hơn 100 năm trước. Những quan điểm này sẽ không bao giờ được nêu ra trên các phương tiện truyền thông nhà nước, nhưng có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng xã hội.

Nhiều người bình luận trên trang Weibo của Đại sứ quán Nga tại Trung Quốc, yêu cầu Nga trả lại Haishenwai (tiếng Nga là Vladivostok) cho Trung Quốc. Khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine ngày càng sâu sắc, nhiều cư dân mạng Trung Quốc cáo buộc Nga là kẻ xâm lược.

Do đó, trong bối cảnh này, Mu Chunshan cho rằng nếu chính phủ Trung Quốc hỗ trợ Nga xâm lược Ukraine, điều đó sẽ khiến nhiều người Trung Quốc nghi ngờ tính công bằng và hợp pháp của chính phủ của họ, điều này không tốt cho việc duy trì ổn định xã hội.

Bài liên quan
Phó chủ tịch Trung Quốc dự lễ nhậm chức của ông Trump
Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo cử Phó chủ tịch Hàn Chính sang dự lễ nhậm chức ngày 20.1 của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump, đánh dấu lần đầu tiên một nhân vật cấp lãnh đạo của nước này hiện diện tại sự kiện như vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chiến tranh Nga-Ukraine và tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh