Biến đổi khí hậu tiếp tục tác động làm gia tăng tính cực đoan của thời tiết nên năm 2024 dự báo sẽ có diễn biến thiên tai phức tạp.
Theo dòng thời sự

Năm nay sẽ có 5 - 7 cơn bão đổ vào đất liền

Tuyết Nhung 10/05/2024 17:30

Biến đổi khí hậu tiếp tục tác động làm gia tăng tính cực đoan của thời tiết nên năm 2024 dự báo sẽ có diễn biến thiên tai phức tạp.

Nhận định về tình hình thiên tai khí tượng thủy văn năm 2023 và các tháng đầu năm 2024, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn Hoàng Đức Cường ngày 10.5 cho biết: năm 2023, thời tiết và khí hậu nước ta chịu ảnh hưởng của hiện tượng ENSO (dao động phương nam) ở trạng thái El Nino, thiên tai xảy ra cực đoan trên các vùng miền với 1.964 trận thiên tai (21/22 loại hình), đặc biệt là mưa lớn gây sạt lở đất, lũ quét, lũ, ngập lụt trên diện rộng và là năm bất thường khi số lượng bão, áp thấp nhiệt đới ít hơn rất nhiều so với trung bình nhiều năm và không có cơn bão nào đổ bộ vào đất liền.

Thiên tai đã gây thiệt hại lớn về người, tài sản. Năm 2023, trên cả nước đã xảy ra 5.331 sự cố, thiên tai làm 1.129 người chết, mất tích. Thiệt hại về kinh tế do thiên tai ước tính trên 9.324 tỉ đồng.

mua-lu.jpg
Nhiệt độ trung bình 4 tháng đầu năm 2024 tại các khu vực trên cả nước đều cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,5 - 1,5 độ C - Ảnh: IT

Nhiệt độ trung bình 4 tháng đầu năm 2024 tại các khu vực trên cả nước đều cao hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) từ 0,5 - 1,5 độ C. Những tháng đầu năm 2024 đã xuất hiện rất nhiều mưa giông kèm mưa đá. Tính đến ngày 7.5 trên cả nước đã xuất hiện 72 trận mưa đá, trong đó tỉnh Nghệ An có số lần xảy ra mưa đá nhiều nhất với 11/72 trận mưa đá; mưa đá, lốc sét và gió giật mạnh đã gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế, xã hội và môi trường.

Dòng chảy trên các sông, hồ chứa khu vực Bắc Bộ phổ biến thiếu hụt so với TBNN từ 30 - 60%, thiếu hụt nhiều trên sông Thao và sông Lô từ 50 - 60%, dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ, Tây Nguyên phổ biến thiếu hụt so với TBNN từ 25 - 50%.

Xâm nhập mặn tại khu vực Nam Bộ trong mùa khô năm 2023-2024 đã đến sớm và gay gắt hơn TBNN và năm 2022-2023. Các đợt xâm nhập mặn trong thời gian vừa qua đã gây ra tình trạng thiếu nước ngọt cục bộ tại một số khu vực chưa có điều kiện tiếp cận nguồn cấp nước tập trung tại một số tỉnh ven biển.

Dự báo xu thế thiên tai từ nay đến cuối năm 2024, ông Cường cho biết hiện tượng El Nino đang suy yếu dần và chuyển sang trạng thái trung tính; có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina (hiện tượng lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo Thái Bình Dương lạnh đi dị thường) trong các tháng cuối năm 2024.

Biến đổi khí hậu tiếp tục tác động làm gia tăng tính cực đoan (gồm cả tối thấp và tối cao) nên năm 2024 dự báo sẽ có diễn biến thiên tai phức tạp gồm cả nắng nóng, hạn mặn, giông lốc, mưa đá hơn mức bình thường vào nửa đầu năm, và mưa, bão, lũ, ngập lụt xuất hiện nhiều tập trung vào nửa cuối năm. Đây là kịch bản tác động giống với hình thái diễn biến ENSO năm 2020.

Theo nhận định, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông năm 2024 xấp xỉ TNNN (khoảng 11 - 13 cơn bão trên biển Đông; 5 - 7 cơn bão đổ bộ vào đất liền), tập trung nhiều vào nửa cuối mùa mưa bão; có nguy cơ ngập lụt tại các đô thị, thành phố lớn do mưa lớn cục bộ; lũ quét, sạt lở đất nguy cơ cao xuất hiện tại các tỉnh khu vực vùng núi.

Theo ông Cường, hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới có thể sẽ tập trung từ tháng 9 đến tháng 11. Như vậy, với kịch bản La Nina xuất hiện khoảng từ tháng 6 trở đi, bão sẽ tập trung vào giai đoạn cuối năm, nhiều cơn bão hình thành trên biển Đông và tác động nhanh hơn đến đất liền.

Từ tháng 6, nắng nóng gia tăng về cường độ và mở rộng dần sang các nơi khác của khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ. Hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với TBNN trong tháng 7 và tháng 8, đề phòng xảy ra nắng nóng đặc biệt gay gắt. Khu vực Bắc Bộ, nắng nóng có xu hướng giảm dần từ nửa cuối tháng 8. Khu vực Trung Bộ, nắng nóng có xu hướng giảm dần từ tháng 9.

Đề cập đến tình hình mưa lũ, ông Hoàng Đức Cường cho rằng từ tháng 7 đến tháng 9, mưa lớn xuất hiện ở Bắc Bộ. Từ tháng 9 đến tháng 11, mưa lớn xuất hiện ở Trung Bộ. Mưa lớn cục bộ với cường suất lớn 50 - 100mm kéo dài trong 3 - 6 tiếng đồng hồ có khả năng xuất hiện nhiều trong thời gian tới, đề phòng tình trạng sạt lở và lũ quét ở vùng núi, ngập úng đô thị. Đặc biệt, tại khu vực Trung Bộ chịu tác động của hiện tượng La Nina nên có thể xuất hiện các đợt mưa tập trung nhiều trong những tháng cuối năm 2024 .

Đối với tình hình lũ trên lưu vực sông Bắc Bộ, đỉnh lũ phổ biến ở mức báo động báo động 1, báo động 2, cao hơn năm 2023 và thấp hơn TBNN. Các đợt lũ phổ biến xuất hiện vào thời kỳ tháng 7 đến tháng 9.

Bài liên quan
Đông Bắc Bộ và Tây Nguyên đề phòng lốc, sét, mưa đá và gió giật
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 15.9, ở khu vực phía Đông Bắc Bộ và Tây Nguyên có mưa dông, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh...

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo là tài nguyên vô tận
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, KH-CN, đổi mới sáng tạo là nguồn tài nguyên vô tận, không gian phát triển vô hạn và có thể xuất phát từ những ý tưởng đơn giản nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Năm nay sẽ có 5 - 7 cơn bão đổ vào đất liền